01/06/2010 - 21:31

Sản xuất công nghiệp thành phố

Hỗ trợ doanh nghiệp để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bền vững

Theo thống kê của ngành công thương thành phố, tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt trên 18,5%. Thành phố đang phấn đấu đến năm 2020 trở thành thành phố công nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, thì tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, doanh nghiệp (DN) chậm đổi mới công nghệ do thiếu vốn đầu tư... đang là thách thức rất lớn trong quá trình phát triển công nghiệp.

Thách thức từ ô nhiễm môi trường

Toàn thành phố hiện có hơn 7.000 DN và cơ sở sản xuất công nghiệp, đa phần là DN vừa và nhỏ, thiết bị, qui trình công nghệ đều lạc hậu. Song, những năm qua, tăng trưởng công nghiệp của TP Cần Thơ đứng ở mức cao so với bình quân cả nước (là một trong 10 địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp cao nhất cả nước). Theo thống kê của ngành công thương, năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố đạt trên 15.263 tỉ đồng, năm 2009 là 16.652 tỉ đồng và kế hoạch 2010 là 19.260 tỉ đồng. Dự kiến giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân của thành phố đạt trên 19,5%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng này, thành phố cần hỗ trợ DN đầu tư đổi mới công nghệ, phân công lại lao động phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế thế giới.

 Ứng dụng tiết kiệm năng lượng, nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra đã tiết kiệm được lượng nước và điện sử dụng nên giảm thiểu ô nhiễm thải ra môi trường.

Bà Bùi Thị Nga, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn và môi trường (Sở Công thương TP Cần Thơ) cho biết: “Theo cơ cấu kinh tế của thành phố đến năm 2015, công nghiệp- xây dựng chiếm 51,3% trong GDP, đến năm 2020 là 53,8%. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ chất lượng phát triển của ngành công nghiệp thành phố trong hiện tại còn rất nhiều vấn đề phải quan tâm. Tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, ngoài việc ô nhiễm nguồn nước ở khu công nghiệp, còn có sự góp phần của DN xen kẽ trong khu dân cư. Thêm vào đó, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh đã làm tình trạng ô nhiễm nguồn nước, chất thải rắn... cũng gia tăng theo. Nếu không giải quyết triệt để vấn đề và có biện pháp bảo vệ từ bây giờ thì sẽ trả giá trong tương lai”. Theo bà Nga, trong hội nhập kinh tế, DN thành phố rất năng động đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhưng không phải DN nào cũng đủ điều kiện để đổi mới toàn diện. Do vậy, việc sắp xếp lại quy trình công nghệ theo từng công đoạn sản xuất tại DN, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là rất cần thiết và cấp bách hiện nay.

Từ ngày 1-3-2010, Nghị định 117/2009/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức phạt cao nhất lên đến 500 triệu đồng. Trong khi phần lớn DN ở Cần Thơ là DN vừa và nhỏ, việc đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị rất khó khăn, nhiều DN không đủ năng lực tài chính để làm việc này. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ (CBA), cho biết: “Đổi mới công nghệ là một nhu cầu bức thiết, giúp DN nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm bớt chi phí; hạ giá thành sản phẩm và tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý để hỗ trợ DN thực hiện đổi mới công nghệ vẫn chưa rõ ràng và chưa được cụ thể hóa”. Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, khi nhập máy móc để đổi mới công nghệ, thuế nhập khẩu cần được ưu đãi; các tiêu chuẩn và quy chuẩn áp dụng cho việc sáng chế, chế tạo những sản phẩm mới từ nguồn nguyên liệu có sẵn cũng cần được qui định rõ để khuyến khích sự sáng tạo của DN. Tại ĐBSCL, từ nguồn mỡ cá basa thu được sau quá trình chế biến phi lê để xuất khẩu, có DN đã chế biến thành bio-diesel dùng trong chạy máy, thay thế một phần diesel từ dầu mỏ. Việc làm này vừa tiết kiệm tài nguyên, vừa tận dụng được nguồn phụ, phế phẩm, nhưng việc chuẩn hóa sản phẩm dạng này thì chưa có quy định để thực hiện.

Cần có giải pháp hỗ trợ DN

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ Nguyễn Minh Thế nói: “Thành phố hiện có 5 khu công nghiệp (KCN) và 1 khu tiểu thủ công nghiệp ra đời 12 năm qua, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của thành phố. Nhưng đi cùng với sự phát triển công nghiệp là vấn nạn ô nhiễm môi trường. Hiện tất cả KCN không có mạng lưới thoát nước mưa tách riêng với mạng lưới thoát nước thải công nghiệp. Phần lớn nước thải của DN đều được xử lý đạt tiêu chuẩn loại B rồi đưa ra cống chung của từng KCN để thu gom xử lý. Tuy nhiên, do chưa có hệ thống xử lý nước thải chung, nên toàn bộ lượng nước thải của nhiều DN có sự kết hợp các chất ô nhiễm dẫn đến việc gia tăng nồng độ ô nhiễm trong thành phần nước thải và vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần, gây ô nhiễm khi thải ra sông rạch xung quanh KCN và sông Hậu”. Như tại rạch Sang Trắng, gần KCN Trà Nóc I, tình trạng ô nhiễm nguồn nước rất nghiêm trọng, nhiều hộ gia đình không dám sử dụng nước mặt tại rạch phục vụ cho sinh hoạt, phải chuyển sang dùng nước ngầm từ các giếng khoan.

Rõ ràng môi trường đang là vấn đề nan giải đối với nhà nước, xã hội và cả DN. Đối với các DN vừa và nhỏ, xây dựng một hệ thống xử lý chất thải không đơn giản, vì tốn rất nhiều chi phí; trong khi thiếu vốn vẫn là khó khăn hàng đầu trong kinh doanh, cần sự hỗ trợ từ thành phố. Tính đến nay, Cần Thơ đã tiếp hơn 30 nhà đầu tư với hàng chục loại công nghệ đi kèm về xây dựng nhà máy xử lý chất thải, nhưng vẫn chưa ra đời nhà máy nào do nhiều nguyên nhân. Trở thành thành phố công nghiệp vào năm 2020 là mục tiêu đúng đắn, nhưng nếu không giải quyết và có giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường ngay từ bây giờ sẽ khó mà giải quyết trong tương lai. Thấy được vấn đề này, Sở Công thương TP Cần Thơ đã xây dựng chương trình sản xuất sạch hơn (SXSH) và được thành phố thông qua, phát động phong trào từ năm 2008 tại một số DN điểm.

Tại Công ty TNHH Thủy sản Phương Đông, (KCN Trà Nóc)- năm 2009 DN được chọn thí điểm mô hình SXSH của thành phố, với ngành nghề chế biến cá biển, cá tra và basa, DN đã áp dụng một số giải pháp năng lượng để tiết kiệm nước, điện trong sản xuất và đạt kết quả khả quan. Theo tính toán của Công ty này, tổng mức đầu tư cho các giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng của đơn vị khoảng 12.000 USD, thời gian hoàn vốn là 28 tháng; lợi ích kinh tế mà đơn vị đạt được là tiết kiệm 490 triệu đồng/năm (chi phí nước) và 2,4 tỉ đồng/năm (chi phí điện), đồng thời giảm 245.000m3 nước thải/năm, giảm 15-20% tải lượng ô nhiễm, giảm khí nhà kính CO2 8.075 tấn... Còn Công ty TNHH xuất nhập khẩu An Khang, KCN Trà Nóc, cũng áp dụng SXSH đã giảm 50-60% lượng nước thải của đơn vị... Có thể nói, phong trào SXSH đã đạt những kết quả khả quan bước đầu, nhưng để nhân rộng mô hình vẫn còn là quá trình rất dài.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ Nguyễn Minh Thế, để giải quyết vấn đề môi trường ở KCN, thì các KCN phải được phân khu chức năng hợp lý, đảm bảo tách rời hệ thống thoát nước mưa với hệ thống thoát nước thải. Việc mời gọi đầu tư cũng phải sàn lọc để chọn công nghệ sạch. Đồng thời, phải có sự phối hợp của các ngành chức năng như: công thương, môi trường... nhằm đưa ra kế hoạch sản xuất, áp dụng công nghệ phù hợp với tình hình mới.

Song song đó, tận dụng được nguồn vốn ưu đãi từ Trung ương theo Nghị định 04/2009/NĐ-CP của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư mới, mở rộng qui mô, nâng công suất, đổi mới công nghệ trong việc thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường, tái chế chất thải... Quyết định 58/2008/QĐ-TTg (29-4-2008) về hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích. Hay Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) ưu tiên vốn vay ưu đãi cho 5 lĩnh vực như: xử lý chất thải, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng ngừa và khắc phục sự cố môi trường, nghiên cứu và triển khai công nghệ thân thiện với môi trường, giáo dục- truyền thông môi trường và phát triển bền vững. Cộng với sự nỗ lực hỗ trợ của địa phương, quyết tâm đổi mới công nghệ của DN sẽ hạn chế vấn nạn ô nhiễm môi trường trong tương lai.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết