Tài sản trí tuệ là kết quả của hoạt động sáng tạo của con người, bao gồm các công trình nghiên cứu khoa học, giải pháp kỹ thuật, phần mềm máy tính... Tài sản trí tuệ có thể tạo ra lợi nhuận từ việc chủ sở hữu cho phép khai thác giá trị và quyền sử dụng các kết quả của hoạt động sáng tạo.
Thời gian qua, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước Việt Nam chú trọng đến sự phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ, điển hình như: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị khóa XII yêu cầu “Bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra”; Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17-7-2019 của Chính phủ nhấn mạnh “Thúc đẩy xây dựng và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, tài sản trí tuệ cho các sản phẩm được bảo hộ”; Chiến lược Sở hữu trí tuệ (SHTT) đến năm 2030 đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực SHTT, khẳng định SHTT là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ đã tham mưu UBND thành phố ban hành Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn TP Cần Thơ, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ và Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn TP Cần Thơ và triển khai nhiều hoạt động kịp thời hỗ trợ tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ chuyển đổi số cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...
Với quan điểm hoạt động sở hữu trí tuệ cần có sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể trong xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực tuyên truyền, phổ biến những quy định mới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và chính sách hỗ trợ của ngành khoa học và công nghệ. Tính đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ khoa học và công nghệ với nội dung tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ; xác lập quyền sở hữu trí tuệ các tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm thuộc Chương trình OCOP.
Kể từ khi triển khai Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030, thành phố đã hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 65 tổ chức, cá nhân, (gồm: 75 nhãn hiệu, 10 sáng chế và 01 kiểu dáng công nghệ). Hoạt động hỗ trợ đăng ký bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Bảo hộ tài sản trí tuệ sẽ mang lại rất nhiều lợi thế như phát triển sản phẩm và nâng cao giá trị doanh nghiệp, là nền tảng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Cùng với quan điểm đó, ngành khoa học và công nghệ bảo đảm hỗ trợ đầy đủ các nội dung từ hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, cho đến quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ và tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
ANH KHOA