Ngành chăn nuôi có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Tuy nhiên, việc chăn nuôi trong đô thị, khu dân cư, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về môi trường. Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, an toàn, bảo vệ môi trường, HĐND TP Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố.
Chăn nuôi phải đúng nơi quy định và đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong ảnh: Mô hình nuôi dê ở huyện Cờ Đỏ. Ảnh: HỒNG VÂN
Nghị quyết này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi (trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm và cơ sở nuôi chim yến) đang hoạt động chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi được quy định tại Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND ngày 10-7-2020 của HĐND thành phố về quy định khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Cơ sở chăn nuôi được hưởng mức hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết này phải có kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 54, Luật Chăn nuôi và Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30-11-2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi có quy mô như sau: chăn nuôi trang trại quy mô vừa: từ 30 đến dưới 300 đơn vị vật nuôi; chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ: từ 10 đến dưới 30 đơn vị vật nuôi; chăn nuôi nông hộ: dưới 10 đơn vị vật nuôi. Hỗ trợ được thực hiện đối với cơ sở chăn nuôi chấm dứt hoạt động chăn nuôi hoặc hoàn thành việc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, đến địa điểm phù hợp có xác nhận của UBND cấp xã.
Cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng quy định chỉ được hưởng hỗ trợ 1 lần cho từng nội dung hỗ trợ. Việc hỗ trợ được thực hiện phải đảm bảo các điều kiện hỗ trợ theo quy định. Các cơ sở chăn nuôi thực hiện di dời hoặc chấm dứt hoạt động chăn nuôi sau ngày 31-12-2024 sẽ không được hỗ trợ. Ngoài các nội dung chính sách nêu trong Nghị quyết này, các đối tượng thụ hưởng chính sách được hưởng các chính sách khác của Trung ương và thành phố theo quy định nhưng không trùng lắp về nội dung hỗ trợ. Trường hợp trong cùng thời điểm và cùng một nội dung hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng chính sách chỉ được lựa chọn 1 mức hỗ trợ cao nhất và có lợi nhất.
Hỗ trợ chuồng, trại phải tháo dỡ khi di dời cơ sở chăn nuôi đến địa điểm phù hợp hoặc chấm dứt hoạt động chăn nuôi: đối với cơ sở chăn nuôi mà chuồng trại tường xây gạch, nền láng xi măng, mái lợp tôn, ngói, mức hỗ trợ là 200.000 đồng/m2 chuồng trại tại thời điểm chấm dứt hoạt động, nhưng không quá 200 triệu đồng/cơ sở; đối với các cơ sở chăn nuôi còn lại, mức hỗ trợ là 120.000 đồng/m2 chuồng trại tại thời điểm chấm dứt hoạt động, nhưng không quá 120 triệu đồng/cơ sở.
Hỗ trợ di chuyển chuồng trại, vật nuôi đến địa điểm phù hợp khi di dời cơ sở chăn nuôi: đối với chăn nuôi nông hộ và trang trại quy mô nhỏ được hỗ trợ chi phí di dời cơ sở chăn nuôi: 6 triệu đồng/cơ sở; đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa được hỗ trợ chi phí di dời cơ sở chăn nuôi: 8 triệu đồng/cơ sở; đối với các cơ sở chăn nuôi khi chấm dứt hoạt động chăn nuôi hoặc di dời cơ sở đến khu vực được phép chăn nuôi thì được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 6 tháng. Mức hỗ trợ tương đương 30kg gạo/1 tháng/lao động theo thời giá trung bình tại thời điểm hỗ trợ do UBND thành phố công bố. Số lao động được hỗ trợ theo quy mô chăn nuôi như sau: chăn nuôi nông hộ: 1 lao động/cơ sở; chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ: 3 lao động/cơ sở; chăn nuôi trang trại quy mô vừa: 4 lao động/cơ sở.
Hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Chủ cơ sở, người lao động làm việc trực tiếp tại các cơ sở chăn nuôi ngoài đáp ứng điều kiện quy định của Nghị quyết này, có nhu cầu đào tạo thì mức hỗ trợ chi phí học nghề: 6 triệu đồng/người/khóa học đối với người khuyết tật và 2 triệu đồng/người/khóa học đối với lao động nông thôn. Hỗ trợ tiền ăn: 30.000 đồng/người/ngày thực học. Hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với người tham gia học nghề ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên.
Người lao động có nhu cầu học nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, đăng ký với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện nơi có hộ khẩu thường trú để đăng ký học nghề. Chính sách hỗ trợ nêu trên được thực hiện thông qua cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực tiếp tổ chức đào tạo theo quy định (không trả trực tiếp cho người lao động).
NGHỊ QUYẾT SỐ 09/2020/NQ-HĐND NGÀY 10-7-2020 CỦA HĐND THÀNH PHỐ QUY ĐỊNH KHU VỰC KHÔNG ĐƯỢC PHÉP CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ LÀ:
- Tất cả các phường thuộc địa bàn quận Ninh Kiều;
- Quận Bình Thủy: phường Bình Thủy, phường An Thới và phường Trà An, phường Trà Nóc (khu vực 2, 4 và 6); một số khu vực, tổ thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa;
- Quận Cái Răng: phường Hưng Thạnh, Hưng Phú và Lê Bình, Ba Láng (khu vực 1 và 2 ); một số khu vực thuộc phường Thường Thạnh;
- Quận Ô Môn: phường Thới Hòa (khu vực Hòa Thạnh, Hòa An); phường Châu Văn Liêm (khu vực 2, 3, 4 ).
- Quận Thốt Nốt: phường Thốt Nốt và một số tổ, khu vực thuộc các phường Tân Lộc, Thuận An, Tân Hưng, Thới Thuận.
- 5 thị trấn: Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Thạnh An và Vĩnh Thạnh thuộc 4 huyện tương ứng của thành phố là Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh.
- Các khu đô thị, khu dân cư, khu tái định cư, khu công trình công cộng trên địa bàn xã, phường, quận, huyện, thành phố được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết.
|
HOÀNG YẾN