20/01/2011 - 09:23

Hiệu quả từ cơ chế một cửa, một cửa liên thông

Hơn 3 năm thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông (MC, MCLT) theo Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22-6-2007 của Thủ tướng Chính phủ, TP Cần Thơ đã đạt nhiều kết quả thiết thực như: giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển... Song, để cơ chế MC, MCLT thực sự phát huy hiệu quả, ngành chức năng thành phố đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh...

* MC, MCLT: Nhiều tiện ích

 

Cán bộ Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ đang trả kết quả cho công dân. 

Thời gian qua, các quận, huyện, xã, phường, thị trấn ở TP Cần Thơ đã thực hiện cơ chế MC, MCLT trong giải quyết các loại hồ sơ, thủ tục hành chính, tạo chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước với công dân, tổ chức. Tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả (TN&TKQ), các thủ tục hành chính được niêm yết công khai: Hồ sơ, trình tự, thời gian giải quyết, lệ phí, lịch phân công cán bộ, công chức trực... để người dân và tổ chức đến làm việc nắm rõ. Việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm công sức, thời gian chờ đợi và đi lại của công dân. Từ năm 2007 đến nay, tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn của thành phố đã thực hiện cơ chế MC; tiếp nhận và trả kết quả 2.206.545 hồ sơ, trong đó, số hồ sơ trả trước hạn và đúng hạn đạt trên 95%. Bên cạnh đó, UBND thành phố đã phê duyệt Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tại Bộ phận TN&TKQ của UBND quận Ô Môn và Bình Thủy. Sau thời gian thực hiện, mô hình này được người dân đồng tình. Ông Nguyễn Văn Tâm, ở phường Long Hưng, quận Ô Môn, cho biết: “Từ khi UBND quận thực hiện mô hình MC điện tử, tôi thấy rất tiện cho người dân, có chỗ ngồi chờ thoải mái, thoáng mát. Việc bắt số điện tử giúp việc giải quyết hồ sơ theo thứ tự, công bằng, người dân yên tâm chờ đợi, không chen lấn, hối thúc cán bộ như trước...”.

Về cơ chế MCLT, đến nay, thành phố đã thực hiện tại 5 sở, ngành: Sở Kế hoạch - Đầu tư, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, Sở Công thương, Sở Xây dựng và Sở Ngoại vụ. Hôm gặp chúng tôi tại Bộ phận MCLT, để nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Lộc tỏ vẻ hài lòng, nói: “Trước đây, tôi làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian gặp các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nhưng lần này đến Bộ phận MCLT, tôi không phải đi nhiều nơi hay chờ đợi lâu như trước. Hơn nữa, tôi còn được cán bộ ở đây tận tình tư vấn, chỉ dẫn, không gây phiền hà, sách nhiễu, đáp ứng mong muốn của nhà đầu tư...”.

Không dừng lại đó, khoảng giữa tháng 3-2010, UBND thành phố ban hành Quyết định số 708/QĐ-UBND (QĐ số 708) về quy trình, thủ tục hồ sơ thuộc lĩnh vực đất đai theo cơ chế MCLT từ cấp xã lên cấp huyện. Theo đó, những hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai của cá nhân, hộ gia đình thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của UBND cấp xã và các cơ quan hành chính Nhà nước cấp huyện thì thực hiện việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, trả kết quả tại một đầu mối là Bộ phận TN&TKQ của UBND cấp xã. Hơn 6 tháng triển khai thực hiện, 41 xã, thị trấn của 4 huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và Phong Điền đã tiếp nhận 5.100 hồ sơ chuyển đến huyện và huyện trả kết quả là 5.100 hồ sơ; tổng số tiền nộp thay cho dân hơn 20 tỉ đồng... Theo đánh giá của ngành chức năng, huyện Cờ Đỏ là một trong những địa phương thực hiện tốt QĐ số 708. Ông Lư Thanh Hiền, Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Việc triển khai thực hiện cơ chế MCLT trong lĩnh vực đất đai từ cấp xã lên cấp huyện được người dân trên địa bàn rất đồng tình. Bởi, từ khi áp dụng cơ chế này đã giảm bớt thời gian đi lại và chi phí cho người dân khi đến liên hệ thực hiện hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai ở địa phương. Bước đầu thực hiện QĐ số 708, các xã, thị trấn chưa bố trí được cán bộ ủy nhiệm thu để thu các loại thuế về đất theo quy định, dẫn đến một số hồ sơ cần bổ sung, điều chỉnh các thủ tục có liên quan, khi cơ quan thuế yêu cầu làm rõ. Từ khi Cục thuế thành phố ban hành Quy chế về cán bộ ủy nhiệm thu của các xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện thu thuế đất đai theo cơ chế MCLT được thuận lợi, tình trạng này đã được khắc phục”.

* Nâng cao chất lượng

Việc thực hiện cơ chế MC, MCLT đã tạo sự liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong giải quyết công việc của công dân. Vì vậy, quy trình giải quyết khoa học hơn, việc sắp xếp hồ sơ tài liệu ngăn nắp, tiện lợi hơn, chất lượng quy trình được nâng lên rõ rệt. Phần lớn các thủ tục, hồ sơ hành chính được đơn giản hóa, một số thủ tục không còn phù hợp bị loại bỏ. Thêm vào đó, trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân rõ ràng, mối quan hệ phối hợp trong giải quyết công việc khá đồng bộ, chặt chẽ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước, bảo đảm hệ thống điều hành, trao đổi thông tin thông suốt, kịp thời từ thành phố đến quận, huyện. Thông qua việc thực hiện cơ chế MC, MCLT, các địa phương đã thúc đẩy thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng cao ý thức trách nhiệm, hạn chế tiêu cực của cán bộ, công chức trong khi giải quyết các thủ tục hành chính... Ông Nguyễn Khải Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết: “Hoạt động cải cách hành chính của thành phố nói chung, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính đã góp phần giúp tăng trưởng kinh tế của thành phố ngày càng cao; thu hút đầu tư ngày một tăng. Chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố ở chỉ số tính minh bạch đạt hạng 10 và chi phí thời gian đạt hạng 6, so với cả nước. Mức độ hài lòng của tổ chức, công dân ngày càng cao; tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước được nâng lên một bước”.

Tuy nhiên, hiện nay, thành phố vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế, yếu kém như: một số sở, ngành, quận, huyện chưa quan tâm đúng mức trong chỉ đạo, chưa đột phá, chưa thực hiện nghiêm túc cơ chế MCLT. Một số nơi thực hiện cơ chế MC còn hình thức, chưa đi sâu vào thực chất; việc bố trí cán bộ tại Bộ phận TN&TKQ không đúng trình độ chuyên môn... Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Quyết định 93 của Thủ tướng Chính phủ được UBND thành phố tổ chức giữa tháng 1-2011, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, yêu cầu cần tiếp tục thực hiện những giải pháp đồng bộ, để nâng cao chất lượng cải cách hành chính theo cơ chế MC, MCLT. Đối với đơn vị quản lý nhà nước, phải thực sự quan tâm việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đầu tư cơ sở vật chất, bố trí cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, có thái độ và đạo đức công vụ trong thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận MC...

Bài, ảnh: NGUYÊN BỬU

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
MCMCLT