Qua 2 năm thực hiện, chương trình giảng dạy tiếng Anh “The English Access Microscholarship Program” đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp học sinh khó khăn có điều kiện nâng cao trình độ tiếng Anh, đủ khả năng làm việc, tiếp cận chương trình giáo dục tiên tiến.
Các học sinh cùng đại biểu tại lễ khai giảng của chương trình giảng dạy tiếng Anh “The English Access Microscholarship Program” 2017.
Cuối tuần qua, buổi lễ khai giảng chương trình The English Access Microscholarship Program năm 2017 (Chương trình) diễn ra khá sôi động. Mở đầu là tiết mục văn nghệ chào mừng bằng tiếng Anh lưu loát, tự tin của các học viên. Tống Đức Hoàng, học viên của chương trình, cho biết: Em rất vui và cảm ơn các thầy cô của Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, vì đã tạo điều kiện cho em tham gia Chương trình. Bên cạnh tham gia học tiếng Anh, chúng em còn có các hoạt động ngoại khóa, từ đó giúp em trau dồi ngoại ngữ, có cơ hội tiếp cận nhiều tri thức. Em sẽ hoàn thành khóa học với tất cả nỗ lực.
Khóa này, 25 học viên có hoàn cảnh khó khăn ở TP Cần Thơ được tham gia Chương trình, do Trường ĐHCT phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh tổ chức. Khóa học kéo dài trong 2 năm, từ tháng 8-2017 đến tháng 8-2019. Học viên được hỗ trợ toàn bộ học phí, tặng giáo trình. Đồng thời tham gia các hoạt động: xem phim, tham quan, trình diễn văn nghệ, thi đố vui, các hoạt động định hướng nghề nghiệp, thực tập sử dụng máy tính...
Theo Trường ĐHCT, chương trình sử dụng bộ giáo trình Smart Choice, được áp dụng giảng dạy thành công cho thanh thiếu niên và thiếu nhi. Bộ giáo trình gồm 4 kỹ năng khuyến khích học viên giao tiếp với những tình huống đời thường, kèm tài liệu bổ sung và nguồn tài liệu online: About The USA với nhiều thông tin về lịch sử, văn hóa và xã hội Mỹ. Học sinh học với giáo viên người bản xứ và Việt Nam, có kinh nghiệm giảng dạy. Khóa học được thiết kế sau thời gian biểu chính khóa, gồm các giờ học: Tiếng Anh; thực hành vi tính; thực hiện các dự án phục vụ cộng đồng; trao đổi văn hóa...
Theo ông David Turnbull, Phó trưởng Bộ phận Văn hóa thông tin, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh lưu loát có thể mang đến những thay đổi tích cực trong nghề nghiệp và cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ điều kiện để theo đuổi những khóa học thêm, ngoài việc học chính quy ở trường. Vì thế, ngoài việc giúp học sinh tham gia Chương trình, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh còn tặng xe đạp để học sinh khó khăn có điều kiện đi lại, đến trường. Ông David Turnbull nói thêm: Chương trình The English Access Microscholarship nhằm tạo nền tảng tiếng Anh vững chắc cho các bạn trẻ có năng lực nhưng có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, các em còn được học về văn hóa và xã hội, các kỹ năng hữu ích khác… Sau 2 năm học, các em tự tin trong giao tiếp và sử dụng tiếng Anh phục vụ việc học tập, nâng cao tri thức. Chương trình còn giúp học sinh Việt Nam hiểu hơn về văn hóa nước Mỹ, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết nếu có ý định du học.
So với các thành phố lớn, môi trường giao tiếp tiếng Anh ở TP Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung, có phần hạn chế. Mặc dù các trường có nhiều nỗ lực tạo điều kiện học sinh học, giao tiếp tiếng Anh, vẫn chưa thể phát huy hết năng lực; nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, ngành giáo dục đã và đang triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020, nên yêu cầu nâng cao trình độ ngoại ngữ của học sinh sinh viên càng bức thiết hơn. Theo PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, tiếng Anh giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, việc triển khai Chương trình có ý nghĩa lớn đối với TP Cần Thơ và ĐBSCL. Qua đó, góp phần giúp trường thực hiện hiệu quả Đề án Ngoại ngữ 2020. “Tôi mong phụ huynh ủng hộ, hỗ trợ để học sinh học tập hết sức mình, đạt được mục tiêu nâng cao trình độ và đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ hiện nay”, PGS.TS Hà Thanh Toàn nhấn mạnh.
Chương trình được khởi động từ năm 2004 và đã có hơn 110.000 học sinh từ hơn 80 quốc gia được thụ hưởng. Tại Việt Nam, đã có khoảng 1.000 học sinh tham gia chương trình này. Riêng ở TP Cần Thơ, đây là khóa thứ 2, đã có 50 học sinh tốt nghiệp. Theo ông David Turnbull, học sinh Cần Thơ có ưu điểm chịu khó, siêng năng học ngoại ngữ, nhưng do hạn chế về môi trường giao tiếp, đòi hỏi học sinh phải nỗ lực trau dồi kỹ năng nghe- nói tiếng Anh nhiều hơn; thực hành thường xuyên và học theo nhóm để nâng cao hiệu quả học tập. Ông David Turnbull cho biết: Sắp tới, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tiếp tục duy trì, phát triển chương trình này tại Việt Nam nói chung, TP Cần Thơ nói riêng, tăng thêm số lượng lớp học, học viên; giúp học sinh tham gia có thêm môi trường để phát triển bản thân, sau này đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.
Còn các trường Đại học tham gia chương trình xem đây là cơ hội mở rộng hợp tác quốc tế, từ đó góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam- Hoa Kỳ.
Bài, ảnh: B.KIÊN