28/05/2018 - 07:12

Hiệu quả trong đào tạo nghề lao động nông thôn 

Cùng với các cấp, các ngành, các cấp Hội Nông dân TP Cần Thơ luôn quan tâm, chú trọng thực hiện công tác đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Theo bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, chỉ tính riêng năm 2017, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cấp tổ chức 131 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 4.417 hội viên, con em nông dân; phối hợp tư vấn học nghề và việc làm trong nước cho 12.258 lao động… Nhờ được tham gia học nghề, nhiều nông dân đã ứng dụng tốt vào thực tế, góp phần phát triền kinh tế gia đình.

Lớp học nghề sửa điện giúp anh Nguyễn Minh Dĩ, hội viên nông dân ngụ tại ấp Thạnh Hưng 2, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ (người ngồi) có thu nhập ổn định.
Lớp học nghề sửa điện giúp anh Nguyễn Minh Dĩ, hội viên nông dân ngụ tại ấp Thạnh Hưng 2, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ (người ngồi) có thu nhập ổn định.

Năm 2016, anh Nguyễn Minh Dĩ, hội viên nông dân ngụ tại ấp Thạnh Hưng 2, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ được tham gia học lớp nghề điện. Chỉ với 3 tháng học nghề cộng với tinh thần không ngừng học hỏi, tự nâng cao kiến thức, tay nghề, anh Dĩ đã có việc làm và mở được tiệm sửa điện gia dụng tại nhà. Anh Dĩ cho biết: “Nhà tôi có 6 công đất ruộng. Trước đây, tôi chỉ ở nhà làm ruộng, thu nhập không cao. Thấy thời gian nhàn rỗi nhiều, tôi tham gia học lớp nghề điện. Sau khóa học, tôi đã mạnh dạn mở tiệm sửa điện gia dụng tại nhà”. Theo anh Dĩ, ở vùng nông thôn, nhu cầu sửa điện gia dụng khá cao, đa phần là sửa chữa quạt gió, bóng đèn, lắp đặt đường dây điện đơn giản. Hằng tháng, anh Dĩ có thu nhập khoảng 4 triệu đồng từ tiệm sửa điện gia dụng tại nhà. Bên cạnh đó, anh còn đi làm cho cơ sở gần nhà, với tiền lương 6 triệu đồng/tháng. Anh Dĩ bộc bạch: “Lớp học thật sự rất phù hợp, hữu ích đối với tôi”.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Hằng năm, Hội đều phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, nắm bắt nhu cầu học nghề của hội viên, con em nông dân để tổ chức những lớp đào tạo phù hợp. Từ năm 2012-2017, Hội đã phối hợp mở 119 lớp nghề cho 3.743 lượt học viên. Qua đó, giới thiệu và giải quyết việc làm cho 2.780 lao động, mang lại thu nhập bình quân 2,5- 3 triệu đồng/tháng/người”. Nhằm tập trung nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại địa phương, cùng với những lớp nghề phi nông nghiệp, Hội Nông dân huyện Cờ Đỏ cũng tập trung vào các nghề nông nghiệp: kỹ thuật chăn nuôi heo, dê; kỹ thuật trồng sen…

Đặc biệt, tại huyện Cờ Đỏ, thông qua nghề kỹ thuật trồng lúa giống, những năm gần đây, nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa giống. Tiêu biểu là trường hợp của nông dân Phương Tuấn Tiền, ngụ tại ấp Thạnh Lợi, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ. Với mô hình trồng lúa giống chủ lực là giống Nàng Hoa, ông Tiền được công nhận là nông dân sản xuất giỏi với thu nhập trên 900 triệu đồng/năm. Ông Tiền chia sẻ: “Nhà tôi có 4ha ruộng, hơn chục năm qua tôi đã trồng lúa giống. Vừa qua, tôi tham gia lớp nghề kỹ thuật trồng lúa giống và học được rất nhiều điều bổ ích, như: cách nhìn nhận giống, cách áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”,… và tôi ứng dụng vào canh tác đạt hiệu quả hơn”.

Thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “kết quả thực hiện chương trình phối hợp dạy nghề và giải quyết việc làm cho nông dân”, trong năm 2017, thành phố đã tổ chức được 131 lớp dạy nghề ngắn hạn cho hội viên, con em nông dân. Số người nhận được việc làm sau đào tạo nghề là 3.084 người, đạt 102,8% kế hoạch. Các cấp Hội Nông dân cũng đã phối hợp tư vấn học nghề và việc làm trong nước cho 12.258 người; số người nhận được việc làm 8.596 người. Đồng thời, Hội cũng đã phối hợp tư vấn, giới thiệu lao động nước ngoài 26 người; trong đó có 23 người đã nhận việc làm tại Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.

Những nỗ lực trong thực hiện chương trình dạy nghề và giải quyết việc làm cho nông dân đã góp phần tạo chuyển biến, thay đổi bộ mặt nông thôn. Theo bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, các cấp Hội Nông dân thành phố sẽ tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo nghề lao động nông thôn trong hội viên nông dân, tăng cường rà soát nhu cầu của hội viên nông dân để phối hợp tổ chức những lớp nghề phù hợp; tập trung đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn đủ trình độ, năng lực vào làm việc ở các cơ sở công nghiệp, các khu công nghiệp, dự án đầu tư lớn,..; đào tạo nghề nông nghiệp gắn với thực hành sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

HỒNG VÂN

Chia sẻ bài viết