07/09/2021 - 08:18

Hiệu quả thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới 

Năm học 2020-2021 ghi nhận những kết quả nổi bật của giáo dục tiểu học TP Cần Thơ, nhất là việc triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 1. Đây là nền tảng để ngành Giáo dục thành phố thực hiện hiệu quả chương trình đối với lớp 2 và lớp 6 năm học 2021-2022.

Học sinh lớp 1 tự tin, đọc thông viết thạo

Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Trưng Vương, quận Ô Môn, năm học 2020-2021.

Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Trưng Vương, quận Ô Môn, năm học 2020-2021.

Năm học 2020-2021 là niên khóa đầu tiên TP Cần Thơ triển khai Chương trình GDPT mới đối với lớp 1. So với những chương trình trước đây, Chương trình GDPT mới có nhiều điểm khác biệt về khung chương trình, sách giáo khoa và phương pháp giáo dục theo hướng “phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh”. Giáo viên không truyền đạt kiến thức như trước đây, mà vận dụng linh hoạt, sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động để học sinh tham gia, tìm tòi và làm chủ kiến thức. Vai trò của người thầy quyết định phần lớn hiệu quả thực hiện chương trình. Qua một năm đổi mới, hiệu quả thực hiện Chương trình GDPT mới lớp 1 được ngành Giáo dục TP Cần Thơ khẳng định: học sinh mạnh dạn, tự tin, biết nêu quan điểm cá nhân và cơ bản đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ I; sau đó được củng cố, tăng cường bền vững ở học kỳ II. Năm học qua, học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt tỷ lệ 97,2%.

Thầy Lê Thanh Long, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ, cho biết: Khi triển khai Chương trình GDPT mới, từ chỉ đạo của Sở GD&ĐT, các trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt, năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên. Kế hoạch dạy học môn học lớp 1 được xây dựng, thiết kế tổ chức 2 buổi/ngày phù hợp với điều kiện của nhà trường và trình độ học sinh. Sách giáo khoa và các nguồn học liệu, thiết bị dạy học được khai thác, sử dụng hiệu quả, phù hợp thực tiễn. Việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 đúng quy trình, đảm bảo khách quan, minh bạch và đúng tiến độ thời gian; việc cung ứng sách giáo khoa lớp 1 được đảm bảo đến tay học sinh trước khai giảng năm học.

Năm học 2021-2022, Chương trình GDPT mới sẽ tiếp tục được triển khai với lớp 2 và lớp 6. Công tác này đối với lớp 2 được thực hiện thuận lợi trên nền tảng học sinh đã hoàn thành lớp 1 theo chương trình mới. Riêng với lớp 6, để kết nối hiệu quả Chương trình GDPT 2006 và Chương trình GDPT mới (2018), Sở GD&ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện kế hoạch giáo dục lớp 5 học kỳ II năm học 2020-2021, được cơ sở giáo dục tiểu học nghiêm túc triển khai. Thực tiễn cho thấy, việc điều chỉnh (trong đó có các nội dung bổ sung, các hình thức lồng ghép, tích hợp) chương trình lớp 5 có ý nghĩa quan trọng đối với việc đáp ứng chương trình lớp 6 mới. Đội ngũ thầy cô giáo và quản lý các trường thông qua đó cũng nâng cao nhận thức và hình thành năng lực điều chỉnh các nội dung dạy học trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT mới và phù hợp điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, Sở đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT hướng dẫn học sinh lớp 5 chuẩn bị lên lớp 6 bằng nhiều hoạt động gắn kết: học sinh lớp 5 tham quan và làm quen với trường THCS trên địa bàn, tìm hiểu hoạt động học tập ở bậc phổ thông; giáo viên dạy THCS, đặc biệt là giáo viên dạy lớp 6 đến dự giờ các lớp 5 tại các trường tiểu học...

Nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học

Tại hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục tiểu học do Sở GD&ĐT thành phố vừa tổ chức, nhiều đại biểu dự hội nghị nhìn nhận: Dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng giáo dục tiểu học, trong có triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới còn một số tồn tại, hạn chế. Chất lượng giáo dục vẫn còn khoảng cách giữa các vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Tình trạng thiếu, thừa giáo viên cục bộ; đặc biệt là giáo viên dạy môn Tin học ở một vài đơn vị làm ảnh hưởng đến tính đồng bộ về chất lượng quản lý, chất lượng giáo dục toàn diện học sinh. Tỷ lệ học sinh lớp 1, lớp 2 được làm quen môn tự chọn Tin học trên địa bàn còn thấp; học sinh lớp 1, lớp 2 làm quen môn Tiếng Anh chỉ đạt 72,47%…

Ông Võ Thanh Triều, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Phong Điền, cho biết thiết bị dạy học từng lúc từng nơi chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Đội ngũ giáo viên tiểu học ở một vài đơn vị vẫn còn thiếu, gây khó khăn trong công tác phân công giảng dạy, nhất là thời điểm đầu năm học. Hiện tại, tỷ lệ giáo viên/lớp của huyện đạt 1,43; nếu để đạt 1,5 giáo viên/lớp theo quy định, huyện còn thiếu 19 giáo viên. “Để khắc phục khó khăn này, Phòng GD&ĐT đề xuất UBND huyện tuyển dụng giáo viên đảm bảo đủ định mức, phục vụ tốt hơn việc dạy học 2 buổi/ngày”, ông Võ Thanh Triều nói.

Ông Bùi Tấn Nhiều, chuyên viên Phòng GD&ĐT quận Cái Răng, cho biết quận có 11 trường tiểu học, với 13 cán bộ quản lý (thiếu 9 người so với quy định), ít nhiều ảnh hưởng chất lượng điều hành của đơn vị trường học cũng như chất lượng giáo dục của quận. Tương tự, ở huyện Cờ Đỏ, hằng năm, trong kế hoạch xét tuyển có chỉ tiêu giáo viên dạy Tin học, Ngoại ngữ nhưng không có nguồn tuyển, do đó, đến thời điểm hiện tại số lượng biên chế giáo viên so với nhu cầu còn thiếu 3 giáo viên Tin học, 7 giáo viên Ngoại ngữ… Từ đó, đại diện Phòng GD&ĐT huyện đề xuất Sở làm đầu mối để mở lớp đào tạo giáo viên các môn còn thiếu sao cho đạt chuẩn theo quy định.

Theo lộ trình của bậc tiểu học, đến năm học 2024-2025 sẽ triển khai Chương trình GDPT mới đối với lớp 5, TP Cần Thơ cần thêm khoảng 125 phòng học và gần 300 giáo viên. Chính vì thế, để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình GDPT mới đối với lớp 2 năm học 2021-2022, ngành đã đặt ra 8 nhiệm vụ trọng tâm cho giáo dục tiểu học với nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó có việc tiếp tục xây dựng kế hoạch, phương án tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học bắt buộc theo chương trình, đặc biệt là môn Tin học, Ngoại ngữ; đảm bảo 100% giáo viên dạy học lớp 3 được bồi dưỡng theo quy định của Bộ GD&ĐT và được hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa lớp 3 từ năm học 2022-2023. 

Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GĐ&ĐT TP Cần Thơ, cho biết: Sở sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đáp ứng những yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT mới. Các cấp quản lý ngành Giáo dục tích cực tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục; tiếp tục chỉ đạo lựa chọn và triển khai các yếu tố tích cực của các mô hình giáo dục tiên tiến, các phương pháp dạy học tích cực của một số nước trên thế giới.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết