26/03/2010 - 21:30

Hiệu quả mô hình nuôi vịt an toàn sinh học

Từ khi dịch cúm gia cầm hoành hành đến nay, không ít người nuôi vịt đã rơi vào hoàn cảnh trắng tay, nhưng riêng anh Nguyễn Thanh Bình ở xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, nhờ ý chí năng động và tinh thần vượt khó nên chỉ sau vài năm anh đã thành công mô hình nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học…

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở nông thôn miền núi, từ nhỏ anh Bình đã theo cha chăn vịt và làm thuê cho một chủ lò ấp trứng nên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Sau khi lập gia đình, ra riêng với hai bàn tay trắng nhưng anh quyết chí vươn lên từ con vịt.

Anh Phan Thanh Bình giới thiệu đàn vịt nuôi theo mô hình an toàn sinh học. 

Khởi nghiệp, anh vay vốn làm ăn, công việc vô cùng thuận lợi, đàn vịt phát triển nhanh chóng cuộc sống gia đình ngày càng ổn định. Nhưng kể từ năm 1997, dịch cúm gia cầm H5N1 bắt đầu lan rộng, nhiều đàn gia súc xung quanh lần hồi bị thiêu hủy, đàn vịt của anh cũng không ngoại lệ. Năm 2002, gần 2.000 con vịt đang trong thời kỳ rớt trứng buộc phải đem chôn để dịch cúm không lan tràn.

Lần đó anh bị thiệt hại trên 200 triệu đồng, nhưng may mắn, trong số đàn vịt bị thiêu hủy, anh còn giữ lại được 700 con khỏe mạnh. Từ đó anh bắt đầu gầy dựng lại cơ nghiệp. Đặc biệt, từ khi được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các chuyên gia ngành thú y, anh đã tập trung toàn bộ vốn liếng và công sức của mình mua 2 ha đất hoang hóa để đào ao thả cá và nuôi vịt theo mô hình “An toàn sinh học” do Trung tâm Khuyến nông triển khai thí điểm mô hình nuôi vịt thịt và vịt sinh sản.

Chỉ vài tháng sau, 2 ha đất ruộng của anh đã được lên bờ, xung quanh được bao bọc bằng một dãy hàng rào lưới B.40. Và anh lập trang trại lấy tên là trang trại Thuận Lợi và lò ấp trứng cũng mang cùng tên. Anh Bình phấn khởi cho biết: Nuôi vịt tập trung bảo đảm an toàn dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm. Ưu điểm thứ hai là đỡ vất vả hơn, mỗi trại nuôi chỉ cần một vài lao động theo dõi chăm sóc. Tỷ lệ hao hụt, mất mát cũng thấp hơn nhiều và dễ kiểm soát được tật bệnh so với nuôi vịt chạy đồng. Đặc biệt, vịt giống cải tiến cho năng suất cao hơn giống cũ từ 5 – 10%, trứng đều đặn với tỷ lệ đẻ đạt trên 80%. Vịt nuôi chuồng điều quan trọng hàng đầu là phòng dịch và vệ sinh an toàn chuồng trại. Vịt nuôi tập trung lâu ngày vi trùng tích lũy cao, mầm bệnh có thể phát sinh bất cứ lúc nào nên người nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch chích ngừa vắc xin cúm gia cầm, tuyệt đối không để cho sai sót.

Hiện trang trại của anh Bình có trên 3.000 vịt đẻ và nhiều đàn vịt tơ. Toàn bộ trứng được đưa vào lò ấp Thuận Lợi do anh làm chủ để cung ứng con giống cho các trại chăn nuôi với giá từ 10.000 – 12.000đồng/con. Ngoài lợi nhuận từ con vịt, hằng năm anh còn thu nhập trên 100 triệu đồng tiền bán cá. Theo anh, nuôi vịt trên ao cá sẽ giải quyết được chất bẩn từ phân vịt thải ra. Chính cá đã xử lý phân vịt và làm giảm được 70% chất dơ. Theo tính toán của anh, năm nào giá thức ăn ổn định, tiền lời có thể đạt mức 700 triệu đồng. Ông Phù Văn Tuấn, Phó Chủ tịch xã Núi Voi, đánh giá: “Đây là một mô hình rất có hiệu quả, chúng ta cần nhân rộng thêm để phát triển kinh tế xã nhà đồng thời tạo điều kiện cho một số nông dân chuyển dịch sang mô hình nuôi vịt – cá mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Hiện nay, nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đang hướng tới nuôi vịt bằng thức ăn công nghiệp, một mô hình hấp dẫn và sản xuất bền vững. Tuy nhiên, nuôi vịt an toàn sinh học cũng dễ xảy ra rủi ro và bất trắc, nếu như môi trường vệ sinh không bảo đảm, tiêm chủng không đầy đủ. Về mặt khoa học, các nhà chăn nuôi đang hoàn thiện qui trình chăn nuôi vịt – cá kết hợp và nghiên cứu biện pháp xử lý nước ao sao cho không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Anh Bình nói: “Nếu như người nuôi thiếu kinh nghiệm, không nắm bắt được kỹ thuật và không được các chuyên gia y tế huyện và địa phương hết lòng giúp đỡ, khó mà thành công”.

Bài, ảnh: HUỲNH VĂN NGUYỆT

Chia sẻ bài viết