29/06/2015 - 20:09

Hiệu quả đào tạo từ sự gắn kết “doanh nghiệp-sinh viên”

Việc gắn kết hai nhà "nhà trường- nhà doanh nghiệp" để giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên (HSSV) không mới nhưng không thể thiếu trong hoạt động đào tạo của các trường. Xác định tầm quan trọng đó, nhiều năm qua, lãnh đạo Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ đẩy mạnh hoạt động gắn kết giữa trường và doanh nghiệp, tạo "cầu nối" giúp HSSV có cơ hội giao lưu, rèn luyện "kỹ năng mềm", dễ dàng tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Minh chứng cho hiệu quả liên kết giữa hai nhà có thể thấy rõ qua buổi "Giao lưu giữa doanh nghiệp với HSSV khoa Kinh tế - Thủy sản lần II", do Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ tổ chức cuối tháng 6-2015. Hội trường 500 chỗ ngồi gần như chật kín HSSV, không khí trao đổi cởi mở giữa HSSV- doanh nghiệp khiến hội trường rộn ràng hẳn lên. Tại đây, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp chia sẻ với HSSV bí quyết dẫn đến thành công; những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ lao động trẻ cần có… Đặc biệt, HSSV có cơ hội được doanh nghiệp trực tiếp phỏng vấn.

Doanh nghiệp trả lời thắc mắc của HSSV Trường Cao đẳng
Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ. 

Ông Quan Hoàng Tiến, Phó Giám đốc Xí nghiệp chế biến thực phẩm Meko, cho biết: "Hồ sơ xin việc thường là nỗi lo đầu tiên của lao động trẻ khi tìm việc. Nhưng điều quan trọng không phải là hồ sơ mà là khả năng của ứng viên dự tuyển. Điểm yếu của HSSV là khả năng giao tiếp và kiến thức xã hội. Do đó, ngoài kiến thức chuyên môn, HSSV cần tham gia nhiều hơn hoạt động ngoại khóa do trường tổ chức. Qua kinh nghiệm tuyển dụng, các đơn vị thường "chuộng" ứng viên có khả năng giao tiếp tốt và có kinh nghiệm đi làm thêm. Đồng tình quan điểm này, ông Chu Văn An, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Minh Phú, cho rằng: "Khi phỏng vấn, doanh nghiệp thường đặt vấn đề với người lao động biết gì về đơn vị tuyển dụng, do vậy, các em cần tìm hiểu hoạt động của công ty trước khi dự tuyển. Ngoài ra, diện mạo, cách ăn mặc, thái độ của ứng viên cũng cần chú ý để có thể "ghi điểm" với nhà tuyển dụng".

Thực tế cho thấy, buổi giao lưu vỏn vẹn hơn 2 tiếng nhưng những gút mắc của HSSV, yêu cầu của doanh nghiệp đối với lao động trẻ cơ bản được tháo gỡ. Bạn Nguyễn Ngọc Thích, sinh viên ngành Chế biến thủy sản khóa 13, nói: "Tuy lần đầu tham gia giao lưu nhưng giúp tôi nhiều kiến thức bổ ích, trước mắt là khả năng giao tiếp, tác phong công nghiệp của người lao động. Đây là "hành trang" quý báu giúp chúng tôi thuận lợi hơn để tìm việc sau khi ra trường". Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ hiện có hơn 6.000 HSSV. Hằng năm, trường có hàng trăm HSSV tốt nghiệp, trong đó trên 75% có việc làm sau khi tốt nghiệp. Theo Thạc sĩ Đỗ Thị Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng nhà trường, với bề dày hơn 58 năm phát triển, trường cung cấp hàng chục vạn kỹ sư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP Cần Thơ và ĐBSCL. Ba nội dung quan trọng mà trường luôn tập trung thực hiện là nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên (gần 90% cán bộ giảng viên có trình độ sau đại học), nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới chương trình đào tạo. Thạc sĩ Đỗ Thị Tuyết Nhung khẳng định: "Không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ thực hành, thực tập cho HSSV. Thông qua việc gắn kết với doanh nghiệp sẽ giúp trường định hướng đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội, giải quyết "đầu ra", cũng như tạo điều kiện để HSSV rèn luyện thêm kỹ năng giao tiếp xã hội".

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết