27/10/2010 - 22:20

Hiệu quả của mô hình cảm hóa thanh thiếu niên có nguy cơ phạm pháp

Tháng 3-2010, BCH Đoàn phường kết hợp với Chi đoàn Công an phường Phước Thới, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) xây dựng và thực hiện mô hình “Cảm hóa, giáo dục các thanh thiếu niên đã vi phạm và có dấu hiệu vi phạm pháp luật”. Mặc dù thời gian đầu gặp không ít khó khăn, nhưng hoạt động của mô hình này bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực, được các ban ngành, đoàn thể và người dân đồng tình ủng hộ...

Phường Phước Thới hiện có 15 khu vực, 4.924 hộ, với 23.803 nhân khẩu; trong đó, có 5.120 thanh thiếu niên độ tuổi 16 đến 30, với 490 hội viên và 139 đoàn viên. Là phường công nghiệp, tập trung nhiều công ty, nhà máy đóng trên địa bàn nên đông đúc lao động ở các nơi về làm việc và sinh sống, kéo theo tình hình an ninh trật tự (ANTT) diễn biến khá phức tạp. Đáng lưu ý nhất là các tệ nạn xã hội (TNXH) như: uống rượu, đánh nhau gây rối làm mất an ninh trật tự công cộng, tụ tập đêm khuya...thường xảy ra. Xuất phát từ thực tế này, được sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND phường, BCH Đoàn phường phối hợp cùng Chi đoàn Công an phường xây dựng mô hình “Cảm hóa, giáo dục các thanh thiếu niên đã vi phạm và có dấu hiệu vi phạm pháp luật” giúp các em thay đổi nhận thức, góp phần làm giảm TNXH, ổn định ANTT trên địa bàn.

Một buổi sinh hoạt của mô hình” “Cảm hóa, giáo dục các thanh niên đã vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật”. Ảnh: Đoàn phường Phước Thới. 

Anh Phan Thanh Phan, Phó Bí thư Chi đoàn Công an phường Phước Thới, cho biết: “Qua khảo sát nắm tình hình, chúng tôi chốt danh sách có 16 em ở 9 khu vực đã vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, với các hành vi như: trộm cắp vặt, tụ tập đánh nhau, gây rối làm mất ANTT... Để thực hiện mô hình, chúng tôi kết hợp với các ban ngành, đoàn thể ở các khu vực chủ động xây dựng kế hoạch và lập danh sách đề nghị UBND phường ra quyết định đưa các em này vào diện cảm hóa, giáo dục. Đồng thời, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí trong BCH chịu trách nhiệm tiếp cận, giám sát, giúp đỡ kịp thời giúp các em thay đổi hành vi. Ngoài ra, thông qua gia đình để tác động các em, tuyên truyền về những nguy cơ dẫn đến TNXH, hướng cho gia đình biết cách quản lý, giáo dục con em mình”.

Tháng 3-2010, mô hình này được triển khai, thực hiện. Hàng tháng, BCH Đoàn phường, Chi đoàn Công an phường phối hợp với ban ngành, đoàn thể khu vực cùng gia đình đến nhà thông tin khu vực để giáo dục, tuyên truyền, giải thích cho các em hiểu rõ hơn về những chủ trương, chính sách của Nhà nước như: Luật Thanh niên, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Bình đẳng giới... Đồng thời, phân tích cho các em hiểu rõ hơn về những sai trái, khuyết điểm của mình và nêu ra những biện pháp chế tài khi vi phạm. Dần dần, các em đã nâng cao nhận thức và sửa chữa những hành vi sai trái. Chị Nguyễn Thị Kim Chi, Bí thư Đoàn phường Phước Thới, cho biết: “Tại buổi họp, chúng tôi đều công khai, kiểm điểm, họp rút kinh nghiệm và đánh giá lại những mặt làm được, chưa được của từng em để kịp thời đưa ra biện pháp khắc phục. Bên cạnh đó, BCH Đoàn phường cùng Chi đoàn Công an phường còn tham mưu với Đảng ủy, UBND phường giới thiệu, bảo lãnh cho một số em có tiến triển tốt vào làm ở các công ty, xí nghiệp, giúp các em có công ăn chuyện làm, có thu nhập, không còn ăn chơi lêu lổng như trước. Qua công tác giáo dục, cảm hóa, đến nay BCH Đoàn phường đã đề nghị với UBND phường ra quyết định đưa 10 em ra khỏi diện quản lý”.

Cũng theo chị Nguyễn Thị Kim Chi: “Buổi đầu bắt tay vào thực hiện mô hình, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc các em còn rất e dè, ngại tiếp xúc và chưa dám bộc bạch tâm tư, nguyện vọng. Dần dà, chúng tôi đã xóa dần mặc cảm và tạo được lòng tin trong các em. Sau đó, hoạt động dần đi vào nề nếp và đạt được kết quả ngoài dự kiến”. Trong số những trường hợp đã được cảm hóa có em T. ở khu vực Bình Hòa B. Vốn là lối xóm, chị Kim Chi thường xuyên tới lui nhà, thăm hỏi em T. Ban đầu, em này còn ngần ngại, không chịu nói năng gì cả. Kim Chi kiên trì vận động theo kiểu “Mưa dầm, thấm lâu”, dần dà, em T. có chuyển biến, đã dám thổ lộ tâm tư của mình. Em T. cho biết: “Ngày trước, do thiếu hiểu biết em thường tụ tập theo đám bạn bè xấu ăn chơi lêu lổng. Qua thời gian, được các cô, chú, anh chị trong các ban ngành, đoàn thể ở khu vực uốn nắn, giáo dục, em đã nhận thức được và cố gắng sửa đổi hành vi của mình”. Ngày ngày, em T. đi bỏ nước đá dạo, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Hay trường hợp của em TH. (ở khu vực Bình An). Hôm chúng tôi ghé nhà thăm, chị Đẹp - mẹ của em TH. rất phấn khởi trước những đổi thay của con mình. Chị Đẹp cho biết: “Ngày trước, con tôi thường tụ tập đi chơi khuya, nhưng mỗi lần rầy la thì nó cứ nín thinh, chẳng thèm để ý gì tới. Nhưng nay, nó ngoan lắm! Mấy tháng trước, nó cùng người cậu đi làm công nhân cho một công ty thủy sản ở tỉnh Sóc Trăng. Bây giờ, con tôi biết tiết kiệm trong chi tiêu, dành dụm tiền gởi về phụ giúp gia đình xoay xở cuộc sống...”.

Ông Nguyễn Văn Thiệt, Trưởng Khối Vận phường Phước Thới, cho biết: “Sau thời thực hiện, mô hình “Cảm giáo, giáo dục thanh thiếu niên đã vi phạm và có biểu hiện vi phạm pháp luật” do BCH Đoàn phường phối hợp cùng Chi đoàn Công an phường Phước Thới đã mang lại những tín hiệu khả quan. Số thanh thiếu niên thuộc diện quản lý đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều em đã từ bỏ thói hư tật xấu, chí thú làm ăn, phụ giúp gia đình. Đạt được kết quả này là nhờ sự chung tay giúp sức của các ban ngành, đoàn thể, trong đó nổi bật nhất là vai trò đầu tàu của cô Nguyễn Thị Kim Chi, Bí thư Đoàn phường”.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết