09/05/2012 - 20:34

Hiệu quả bước đầu trong phòng trừ bệnh chổi rồng trên cây nhãn

Thời gian qua, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều diện tích nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng. Tuy không làm chết cây nhưng nhãn nhiễm bệnh sẽ không cho trái, gây thiệt hại lớn cho nhà vườn. Riêng ở TP Cần Thơ, đến nay đã có trên ngàn ha nhãn bị nhiễm, ngành nông nghiệp thành phố đang tích cực hướng dẫn nông dân cách phòng trừ dịch bệnh...

Tại TP Cần Thơ, dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn đang diễn ra khá nghiêm trọng, gây thiệt hại không nhỏ cho nhà vườn. Theo thống kê bước đầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, có khoảng 1.246,9 ha trên tổng số diện tích 1.607 ha nhãn của thành phố bị nhiễm bệnh chổi rồng. Trong đó, có khoảng 760 ha bị nhiễm nặng với thiệt hại từ 70% trở lên. Phần lớn diện tích nhãn bị nhiễm bệnh tập trung ở các quận, huyện như: Ô Môn, Cái Răng, Phong Điền...

Vườn nhãn gia đình ông Ngô Văn Năm dần phục hồi sau khi phòng trừ
dịch bệnh.  

Ngày 12-4-2012, UBND TP Cần Thơ ban hành Quyết định số 847/QĐ-UBND công bố dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn trên địa bàn thành phố. UBND thành phố giao Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành thành phố, đoàn thể liên quan, các cơ quan truyền thông địa phương, UBND quận, huyện, đặc biệt là những địa phương có diện tích nhãn bị nhiễm bệnh và chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc sở triển khai thực hiện các nội dung như: triển khai thực hiện ngay các kế hoạch, biện pháp dập tắt dịch hại, ngăn ngừa lây lan sang vùng khác, khắc phục hậu quả và phòng tránh dịch tái diễn theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước. Các ngành hữu quan, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân nhận biết, thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp; nâng cao nhận thức, kiến thức và vận động nông dân cùng tham gia phòng chống dịch; bố trí cán bộ theo dõi diễn biến, tham gia phòng chống dịch bệnh tại các vùng bị nhiễm bệnh, nhất là các vùng có nguy cơ cao... UBND thành phố còn yêu cầu UBND các quận, huyện khẩn trương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các tổ chức xã hội, đoàn thể vận động, tuyên truyền về tác hại của dịch bệnh, cách phòng trừ, chính sách hỗ trợ và huy động nhân dân trong vùng có dịch thực hiện ngay các biện pháp hữu hiệu để dập tắt dịch và ngăn ngừa dịch lây lan sang vùng khác. Các địa phương chưa có dịch cũng phải thực hiện các biện pháp theo dõi, phòng chống, ngăn chặn theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn...

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Kiêm Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật TP Cần Thơ, cho biết: Ngành nông nghiệp thành phố đang xây dựng kế hoạch tổ chức phòng chống dịch chổi rồng trên cây nhãn. Theo đó, sẽ triển khai rà soát lại lần nữa để xác định chính xác mức độ thiệt hại của bệnh chổi rồng đến từng hộ nông dân trồng nhãn, trên cơ sở đó tổ chức thực hiện hỗ trợ kinh phí cho nông dân phòng chống dịch chổi rồng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố. Đồng thời, vận động nông dân tham gia phòng chống dịch chổi rồng đồng loạt, trong đó có sự tham gia của các ban, ngành quận-huyện nhằm dập tắt dịch bệnh tốt hơn... Cũng theo bà Nguyễn Thị Kiều, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã ban hành Quy trình tạm thời phòng chống dịch chổi rồng. Trên cơ sở đó, Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ đã hướng dẫn quy trình này ra nông dân, tập huấn cho trên 600 nông dân cách phòng trừ bệnh chổi rồng như: cắt bỏ chồi bị nhiễm bệnh, ra cơi đồng loạt và phun thuốc đồng loạt tiêu diệt nhện lông nhung-môi giới truyền bệnh chổi rồng... Quan trọng hiện nay là phải vận động nông dân tham gia phòng chống dịch đồng loạt (dự kiến thực hiện trong tháng 5-2012). Có làm như vậy mới có thể dập tắt dịch bệnh này hiệu quả cao nhất. Bởi vì nếu từng hộ nông dân làm cá thể, khả năng lây sang hộ khác sẽ cao...

Quận Cái Răng là một trong những địa phương có diện tích nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng tương đối lớn. Ông Nguyễn Thanh Chân, Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật liên quận Ninh Kiều-Cái Răng, cho biết: “Thống kê bước đầu, quận Cái răng có 482/529 ha nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng, mức độ thiệt hại từ 70% trở lên, nhiều hộ nông dân mất trắng do thiệt hại. Ngành nông nghiệp quận cũng đã tổ chức được 2 cuộc tập huấn hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh chổi rồng thu hút trên 100 nông dân tham gia...”.

Theo Công văn số 498/TTg-KTN ngày 13-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ phòng chống bệnh chổi rồng hại nhãn, Thủ tướng đồng ý ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần cho người trồng nhãn tại các địa phương công bố dịch chổi rồng hại nhãn với mức 7 triệu đồng/ha đối với diện tích cây bị bệnh thiệt hại trên 70%, mức 5 triệu đồng/ha đối với diện tích cây bị bệnh thiệt hại từ 30-70%. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn và bố trí kinh phí hỗ trợ cho các địa phương theo quy định...

Vừa qua, Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ triển khai 2 mô hình trình diễn Quản lý bệnh chổi rồng hại nhãn ở 2 quận Thốt Nốt và Cái Răng. Mô hình này do Công ty Hóa nông Hợp Trí (TPHCM) và Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ hướng dẫn nông dân kỹ thuật phòng trừ bệnh chổi rồng. Công ty còn hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình thuốc trị bệnh, thuốc diệt trừ nhện lông nhung và phân bón lá... Theo ông Ngô Văn Năm, ở khu vực An Phú, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, vườn nhãn của ông mùa rồi có 8.000m2 bị nhiễm bệnh, bị thiệt hại nặng với khoảng 80% nên cho trái ít, thu hoạch (vào tháng 9-2011 âm lịch), bán chỉ được khoảng 12 triệu đồng. Trong khi vụ trước đó, vườn nhãn của gia đình ông cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Ông Ngô Văn Năm cho biết: Thực hiện mô hình Quản lý bệnh chổi rồng hại nhãn từ tháng 10-2011, được Công ty Hóa nông Hợp Trí hỗ trợ thuốc trừ bệnh, trừ nhện lông nhung, phân bón lá phun xịt... vườn nhãn của ông khôi phục khoảng 90% và không còn nhiễm bệnh chổi rồng. Còn lại 10% nhiễm bệnh, ông cắt bỏ chồi bệnh để xử lý ra hoa. Tuy nhiên, khi xử lý ra hoa (vào thời điểm trước Tết Nguyên đán vừa qua) gặp thời tiết lạnh nên tỷ lệ ra hoa và đậu trái không đạt yêu cầu, sau đó do ngưng phun thuốc nên tỷ lệ nhãn nhiễm bệnh trở lại hiện nay khoảng 30%. Ông dự định trong 10 ngày tới sẽ xử lý cho nhãn ra hoa đợt mới, những chồi nào còn nhiễm bệnh sẽ cắt tỉa bỏ. Do đây là mùa thuận nên có khả năng nhãn ra hoa và đậu trái thuận lợi hơn mùa nghịch đợt trước.

Mô hình trình diễn Quản lý bệnh chổi rồng hại nhãn ở quận Cái Răng tuy khả năng ra hoa và cho trái trở lại sau khi cây đã được phòng trừ bệnh chưa như ý muốn, nhưng vấn đề dịch bệnh chổi rồng bước đầu đã được khống chế. Từ đó, mở ra hy vọng khả năng có nhiều diện tích nhãn bị nhiễm bệnh sẽ được phục hồi trở lại, góp phần giảm bớt thiệt hại cho nông dân trồng nhãn...

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết