13/08/2013 - 21:52

Hiểu doanh nghiệp để có môi trường kinh doanh thoáng

Là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, nhưng thu hút đầu tư trong và ngoài nước của TP Cần Thơ còn hạn chế, chưa tương xứng tiềm năng. Làm gì để có môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng? Các chuyên gia cho rằng, cần hiểu doanh nghiệp (DN) muốn gì, trên cơ sở đó xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh có tính cạnh tranh cao, minh bạch.

Môi trường đầu tư kém hấp dẫn

 Doanh nghiệp cần có môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng. Trong ảnh: Hoạt động thu mua, chế biến gạo xuất khẩu của một doanh nghiệp tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Thành phố có khoảng 10.000 DN các loại hình đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Theo báo cáo của Sở Công thương thành phố, 7 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của các DN thực hiện 23.803,6 tỉ đồng (giá so sánh 2010), tăng 6,37% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến thực hiện 23.587,8 tỉ đồng, tăng 6,09% so với cùng kỳ năm ngoái. Qui mô và giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp của DN trên địa bàn thành phố vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Thành phố đang thiếu dự án đầu tư lớn, công nghệ cao. Điều này khiến giá trị gia tăng ngành công nghiệp thấp, DN chật vật cạnh tranh trên thị trường.

TP Cần Thơ đang phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở vùng ĐBSCL và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng. Muốn làm được điều này rất cần chiến lược dài hơi để huy động các nguồn vốn đầu tư, nhưng trước mắt thành phố phải có môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch. Hiện nay, môi trường đầu tư của thành phố vẫn kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư, DN. Mặc dù nhiều nhà đầu tư từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại TP Cần Thơ... nhưng kết quả thu hút đầu tư nước ngoài vào thành phố chưa đạt như mong đợi. Giai đoạn 2005-2010, thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 36 dự án FDI, vốn đăng ký 641,88 triệu USD; cuối năm 2010, TP Cần Thơ có 51 dự án FDI, vốn đăng ký 756,46 triệu USD. Đến cuối tháng 7-2013, thành phố có 58 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký trên 880,3 triệu USD, vốn thực hiện đến nay đạt hơn 252,57 triệu USD chiếm gần 28,7% tổng vốn đăng ký... Từ điều này cho thấy, thu hút FDI của thành phố đang giậm chân tại chỗ. Thu hút vốn trong nước cũng hạn chế, trong 6 tháng đầu năm 2013, cấp mới đăng ký kinh doanh cho 607 DN các loại hình, tổng vốn đăng ký 1.499 tỉ đồng; thực hiện thủ tục giải thể 78 DN các loại hình (trong đó có 30 đơn vị trực thuộc) với tổng vốn 200,6 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư- Thương mại- Du lịch TP Cần Thơ, cho biết công tác xúc tiến đầu tư có nhiều tiến bộ, nhưng việc thu hút đầu tư vẫn hạn chế. Chính sách hỗ trợ đầu tư hiện tại chưa hấp dẫn nhà đầu tư, do thành phố không còn nằm trong Danh mục địa bàn ưu đãi thuế thu nhập DN theo Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 11-12- 2008 của Chính phủ. Hạ tầng giao thông được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu: hệ thống cảng, đường bộ chưa đồng bộ, làm gia tăng chi phí vận chuyển hàng hóa của DN. Tiến độ giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp chậm, chi phí bồi hoàn cao, ảnh hưởng đến việc tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư. Mặt khác, giá đất cho thuê của Cần Thơ cao hơn các tỉnh lân cận như: Vĩnh Long, Hậu Giang… khiến nhà đầu tư cân nhắc. Để có môi trường đầu tư hấp dẫn, tạo môi trường kinh doanh minh bạch thu hút DN đến thành phố cần hoạch định chiến lược dài hơi, trong đó phải tính đến nguồn lực thực hiện (con người, tài chính…).

Cần sự phối hợp đồng bộ

Tiến sĩ Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Kinh tế- Xã hội TP Cần Thơ cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến môi trường đầu tư của thành phố kém hấp dẫn. Do vậy, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp đồng bộ để thu hút đầu tư, nhất là với các dự án quy mô lớn, công nghệ cao... Hiện chính sách vĩ mô và những "gói giải pháp" chung đã có, vấn đề là sự vận dụng linh hoạt vào điều kiện cụ thể của địa phương. Cải cách mạnh mẽ, tăng cường trách nhiệm, phối hợp đồng bộ trong toàn hệ thống, phát huy lợi thế địa phương và liên kết trong vùng cùng các "trung tâm" khác trong việc cải thiện môi trường thu hút đầu tư, kinh doanh của thành phố. Ông Nguyễn Khánh Tùng cho rằng, Bộ phận một cửa liên thông đặt tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư- Thương mại- Du lịch TP Cần Thơ là một trong những điểm sáng về cải cách hành chính. Với mô hình này, nhà đầu tư chỉ cần tiếp xúc với một đầu mối duy nhất là Bộ phận Một cửa liên thông để hoàn tất các thủ tục liên quan trong khởi sự DN. Nhờ đó, giảm đáng kể thời gian thực hiện các thủ tục cũng như chi phí liên quan. Địa điểm tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ được đầu tư khang trang, lịch sự, thể hiện sự trân trọng của cơ quan hành chính nhà nước đối với DN. Thủ tục hành chính được công khai, minh bạch, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát huy lợi thế cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư cho thành phố.

Nhận định về môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố, bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), nói: "TP Cần Thơ, sau một cửa về thành lập DN, nay đã có một cửa về thủ tục đầu tư. Đây cũng là điều đáng mừng đối với DN. Tuy nhiên, để một cửa thực sự phát huy tác dụng như mong muốn, cần có sự hợp tác chặt chẽ và tích cực của các sở có liên quan. Con đường còn ở phía trước. Có làm rồi mới rút ra được kinh nghiệm". Theo bà Thuận, muốn biết môi trường đầu tư, kinh doanh của TP có hấp dẫn không thì phải biết nhà đầu tư, DN đang cần gì. DN cần kinh doanh để tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, công việc kinh doanh không chỉ đơn giản là sản xuất rồi bán hàng hay mua hàng rồi bán lại trong môi trường hiện nay. Thách thức đến với DN không chỉ là cạnh tranh với các đối thủ trong nước và ngoài nước mạnh hơn mình về lực, nhiều kinh nghiệm hơn mình về trí mà còn phải đối phó với những rủi ro, hiểm họa tiềm ẩn của thiên nhiên và môi trường. Vì thế, nếu DN nhận được những hỗ trợ tích cực từ thủ tục hành chnh, sự quan tâm và thông cảm của chính quyền, các cơ quan khi có việc cần nhờ giải quyết thì sẽ giảm bớt những căng thẳng, gánh nặng lo toan để toàn tâm toàn ý vào việc kinh doanh.

GIA BẢO- KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết