13/12/2019 - 14:04

Hiến kế để du lịch Cà Mau phát triển 

Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau 2019, UBND tỉnh Cà Mau vừa tổ chức Tọa đàm Kết nối và hợp tác phát triển du lịch Cà Mau. Tọa đàm có sự tham gia của đại diện các nước Thái Lan, Lào, Campuchia và nhiều đơn vị lữ hành trong nước... Các đại biểu đã phân tích tiềm năng, thế mạnh và chỉ rõ những hạn chế của vùng đất cực Nam Tổ quốc trong phát triển du lịch.

Cà Mau có tiềm năng du lịch lớn nhưng phải khắc phục nhiều khó khăn để phát triển.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Trong buổi tọa đàm, các đại biểu đã chỉ rõ Cà Mau có lợi thế lớn trong du lịch địa lý. Địa danh Đất Mũi có “sức hút” rất lớn đối với du khách. Đi du lịch ở ĐBSCL mà chưa đến Cà Mau, đặt chân đến điểm mốc cuối trời Tổ quốc thì xem như chuyến đi không trọn vẹn. Ngoài ra, hệ sinh thái rừng tràm U Minh Hạ, rừng đước ngập mặn là những lợi thế để Cà Mau phát triển du lịch sinh thái.

“Cà Mau xác định sản phẩm chính của du lịch đó là sinh thái, du lịch trải nghiệm và thưởng thức. Chúng tôi đang đầu tư để du khách đến với Cà Mau sẽ có sự trải nghiệm khác biệt, với hệ sinh thái rừng và biển. Đặc biệt, chúng tôi đang có đa dạng các sản phẩm ẩm thực mang tính đặc trưng từ các hệ sinh thái. Các mô hình sinh kế của người dân cũng gắn liền với các hệ sinh thái, tạo ra các sản phẩm sạch. Đây là những điều du khách cần và chúng tôi có”- ông Tiêu Minh Tiên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, nêu định hướng của địa phương.

Tuy nhiên, lượng khách du lịch năm 2018 của tỉnh Cà Mau chỉ ở mức 1,4 triệu và năm nay ước khoảng 1,6 triệu, đây được cho là những con số còn khiêm tốn, chưa đúng với tiềm năng lợi thế. Vấn đề bắt nguồn từ nhiều lý do, trong đó, có việc các cơ sở phục vụ du lịch, đặc biệt là khách sạn vẫn còn hạn chế, chưa đủ đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách. Sản phẩm du lịch và dịch vụ còn đơn điệu chủ yếu khai thác những cái sẵn có, chưa có những sản phẩm thực sự cuốn hút khách. Đặc biệt, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu đang là rào cản lớn để du khách đến với Cà Mau.

Theo ông Peerapol Triyakasem, Chủ tịch Công ty Du lịch Virgo Solution (đến từ Thái Lan), để về với Cà Mau du khách tốn quá nhiều thời gian. Bản thân ông để về dự tọa đàm phải đi chuyến bay từ Thái Lan về TP Hồ Chí Minh, sau đó đi xe về Cà Mau. Nó quá lâu, đây chính là nguyên nhân lượng khách đến Cà Mau ít và chủ yếu là khách nội địa. “Để làm du lịch, chúng ta cần chú trọng cho việc đi lại và cơ sở hạ tầng. Cà Mau có sân bay nhưng chưa khai thác hết tiềm năng. Tỉnh có thế mạnh về biển nhưng lại chưa có cảng biển để đón được tàu du lịch”- ông Peerapol Triyakasem đã chỉ rõ như vậy và cho biết, sẽ hỗ trợ Cà Mau nâng cấp cảng cá Sông Đốc để có thể đón được tàu du lịch.

Cần huy động nguồn lực cộng đồng

Hiến kế cho Cà Mau phát triển ngành du lịch, đại diện Công ty lữ hành Vietravel cho biết Cà Mau cần tận dụng tối đa sự tham gia và huy động nguồn lực của cộng đồng. Đây là một trong những yếu tố mấu chốt của du lịch sinh thái. Những người dân sinh sống, gắn bó lâu dài tại các điểm du lịch họ sẽ là những người làm và hướng dẫn viên du lịch tuyệt vời, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách. Tỉnh Cà Mau cần quy hoạch phát triển du lịch dựa trên lợi thế so sánh, tập trung đầu tư các dự án phát triển sản phẩm có tính đặc thù, riêng biệt. Liên kết hợp tác phát triển du lịch với TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến xoay quanh việc Cà Mau cần phát triển du lịch dựa trên lợi thế rừng và biển. Trong đó, để khắc phục hạn chế về giao thông, tỉnh cần tận dụng giao thông đường biển để đón khách.

Tại buổi tọa đàm, trước sự chứng kiến của chính quyền và cơ quan chức năng, một số doanh nghiệp lữ hành trong nước đã ký biên bản ghi nhớ mở tour du lịch xuyên biên giới với các doanh nghiệp lữ hành thuộc Hiệp hội Du lịch Thái Lan và Campuchia. Dịp này, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Cà Mau cũng ký kết thỏa thuận hợp tác về kết nối, chia sẻ thông tin, tổ chức, tham gia các sự kiện về du lịch với Hiệp hội Du lịch Thái Lan và Campuchia.

“Để thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch, tỉnh Cà Mau đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách nhằm mời gọi các nhà đầu tư. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục có những hỗ trợ đặc biệt để đẩy mạnh kết nối xúc tiến phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với địa phương. Đặc biệt, Cà Mau có điều kiện thuận lợi về giao thông và giao lưu phát triển với các nước trong khu vực, do đó việc hợp tác và hội nhập với các nước trong khu vực cũng là chiến lược quan trọng trong phát triển du lịch của tỉnh”- ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết.

Bài, ảnh: Hiếu Nghĩa

Chia sẻ bài viết