12/07/2019 - 10:19

Hiến kế cho nông dân làm du lịch 

Tại hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp” do UBND tỉnh Hậu Giang, nhóm Thời Báo Kinh tế Sài Gòn và Đài PT-TH tỉnh Hậu Giang tổ chức mới đây, các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, chuyên gia du lịch đều nhận định rằng, cảnh quan, văn hóa bản địa và ẩm thực tại vùng ĐBSCL rất phong phú, thích hợp phát triển du lịch nông nghiệp. Vậy nhưng, vì sao du lịch nông nghiệp ĐBSCL vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng và con đường nào để phát triển bền vững là vấn đề được đặt ra. Báo Cần Thơ xin lược ghi một số ý kiến: 

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan: Du lịch nông nghiệp “tri thức hóa” nông dân

- Tôi xin bắt đầu câu chuyện bằng một câu nói được xem như “phương châm” của du lịch Đồng Tháp: “Phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì trách nhiệm và lòng tự hào với quê hương xứ sở”.

Tôi có dịp đi khảo sát du lịch ở nhiều nơi, chỉ một triền dốc nho nhỏ ở Tây Bắc, vài liếp rau ở Hội An… lại làm du lịch rất tốt. Tôi nhận ra ở bà con nơi đây là sự đam mê, hiểu biết và trách nhiệm với chuyện họ làm. Tôi mới nhận ra rằng, mỗi một vùng đất đều có những tài nguyên, giá trị đặc thù mà nếu chúng ta biết vun đắp thì những điều tưởng chừng như nhỏ nhất lại có thể khai thác kinh tế tốt.

Tôi thành lập những Hội quán, đến nay đã có 76 Hội quán, trong đó có nhiều Hội quán Cùng nhau làm du lịch. Bà con thích thú lắm và không nghĩ rằng bầy vịt, liếp rau, mảnh vườn… của mình lại có thể làm du lịch. Nhiều khi những gì thân thuộc, gần gũi, bà con không nhìn thấy giá trị tiềm tàng và điều này đòi hỏi những nhà quản lý, lãnh đạo khơi nguồn, truyền cảm hứng.

Sau một quá trình Đồng Tháp làm du lịch nông nghiệp, tôi nhận ra rằng, giá trị mang lại không chỉ là kinh tế mà còn giúp thay đổi diện mạo nông thôn, thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của người nông dân. Du lịch nông nghiệp giúp tạo ra những người nông dân hiện đại và hội nhập trên những nền tảng truyền thống. Làm du lịch như đón khách đến nhà, dĩ nhiên nhà cửa cũng phải sạch sẽ, tươm tất, cơm canh cũng phải đàng hoàng, nói chuyện với vợ với con cũng lịch thiệp hơn… Bà con cũng trách nhiệm với cải tạo cảnh quan; trồng cây gì, nuôi con gì để làm du lịch cũng phải tử tế, “sạch” hơn.

Yếu tố tạo nên sự thành công của du lịch nông nghiệp cộng đồng là đòi hỏi cần phải có kiến thức, tâm huyết về du lịch của người làm du lịch, người vận hành; có sự ủng hộ, đồng thuận của cộng đồng, cả cộng đồng phải cùng tham gia làm du lịch, có sự phân chia phù hợp về công việc và lợi ích kinh tế; vai trò của chính quyền trong đồng hành, đầu tư hạ tầng chung, truyền thông kết nối.

Anh hùng Lao động Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam): Tính cộng đồng và tận dụng tài nguyên bản địa

- Tại hội thảo này, tôi chỉ xin kể chuyện về Hội An làm du lịch. Đó là một câu chuyện dài…

Từ những năm 1990, khi Hội An bắt tay làm du lịch thì có rất nhiều ý kiến trái chiều. Thời đó, chuyện gia công mành trúc, bạt mây, chiếu cói của bà con Hội An thất bát. Cứ mùng 5 Tết, bà con đón xe tha phương làm thuê, cuối năm lại rủ nhau về. Người dân Hội An loay hoay với chuyện miếng cơm manh áo. Hội An làm du lịch trong bối cảnh đó.

Hội An “mò mẫm” làm du lịch, bắt đầu bằng việc đi học kinh nghiệm từ các địa phương khác: Đà Lạt, Vũng Tàu… “Kéo nhau đi học” với mong muốn áp dụng, tổ chức lại mô hình đó theo thực tế địa phương mình với phương châm “học để làm chớ không phải học để bắt chước”. Chúng tôi học từ chuyện tổ chức đội xích lô du lịch, rồi thả hoa đăng trên sông, ca nhạc đường phố… Du lịch Hội An bắt đầu từ Phố cổ nhưng không chỉ có Phố cổ, vậy nên chúng tôi chọn làm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp ở Hội An từ tài nguyên bản địa như làng rau, làng nghề, rừng dừa nước…

Kinh nghiệm mấy mươi năm làm du lịch ở Hội An, tôi xin chia sẻ những tiêu chí để một địa phương bắt đầu làm du lịch. Thứ nhất, phải có sự gắn kết giữa cư dân địa phương cùng chính quyền để cùng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mà chỉ địa phương đó mới có. Thứ hai, người dân phải biết tận dụng các giá trị tài nguyên thiên nhiên của họ. Ví dụ sông nước, đất đai, con trâu, cánh cò, rừng dừa... để tạo nên sản phẩm du lịch. Thứ ba, phát triển du lịch nông nghiệp phải gắn bó với phát triển cộng đồng. Không ai khác, chính cộng đồng làm du lịch sẽ giữ gìn và bảo tồn tài nguyên, tạo nên hồn cốt cho sản phẩm du lịch. Du lịch cộng đồng là ngành kinh tế làm cho người dân cảm thấy gắn bó, bảo vệ tốt môi trường.

Riêng đối với du lịch nông nghiệp, theo tôi, cần chú trọng những vấn đề căn cốt này. Thứ nhất, du lịch nông nghiệp phải gắn bó với du lịch cộng đồng. Thứ hai, cần có trọng điểm trong làm du lịch nông nghiệp, phát triển du lịch gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, thay đổi nếp ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên. Thứ ba, phải mang lại lợi ích chính đáng cho cộng đồng. Thứ tư, quyết tâm của các cấp lãnh đạo chính quyền. Một nền du lịch bền vững phải được xây dựng bằng văn hóa bản địa, đi lên bằng yếu tố “thuận tự nhiên”. Căn bản đó sẽ bồi đắp một du lịch nông nghiệp bền vững, không chụp giật.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang: 1 triệu lượt du khách đến với  Hậu Giang vào năm 2025

- Sau hơn 15 năm thành lập, Hậu Giang đang đặt nhiều kỳ vọng phát triển thành trung tâm nông nghiệp xanh của vùng ĐBSCL, trong đó có du lịch. Kỳ vọng của Hậu Giang là trở thành điểm đến hấp dẫn, tiêu biểu về du lịch sinh thái sông nước, sinh thái nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Mục tiêu đến năm 2025, Hậu Giang thu hút 1 triệu lượt du khách, trong đó có 70.000 lượt khách quốc tế, doanh thu hơn 1.400 tỉ đồng, tạo việc làm cho 4.200 người dân địa phương.

Về hạ tầng du lịch, Hậu Giang đang tập trung thực hiện một số dự án trọng điểm như Dự án Khu du lịch sinh thái tại Trung tâm nông nghiệp Mùa Xuân; Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu; Dự án Khu du lịch sinh thái Việt Úc - Hậu Giang; Dự án xây dựng, khai thác địa điểm Cây Lộc Vừng. Riêng với Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đến năm 2020 đã được tỉnh phê duyệt, có phần lớn quy hoạch phát triển du lịch sinh thái. Loại hình dự kiến khai thác là nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên, giải trí, nghiên cứu khoa học.

Về sản phẩm du lịch, Hậu Giang đang thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật chế biến đa dạng hóa các sản phẩm từ khóm”, bao gồm 6 sản phẩm được chế biến từ khóm. Ngoài ra, các sản phẩm đã đăng ký sở hữu công nghiệp như Bưởi Năm roi Phú Thành Hậu Giang, Cam sành Ngã Bảy, Quýt đường Long Trị, Cá Thát lát Hậu Giang, Cam xoàn Phụng Hiệp, Khóm Cầu Đúc… Du lịch Hậu Giang những năm gần đây nổi bật với các khu, điểm du lịch cộng đồng tại vùng khóm Cầu Đúc (xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh), vùng quýt đường Long Trị (thị xã Long Mỹ), Lung Ngọc Hoàng (huyện Phụng Hiệp) và điểm du lịch nông nghiệp tại xã Vị Thanh (huyện Vị Thủy)… Đặc biệt, Dự án Bảo tồn và phát huy Chợ nổi Ngã Bảy gắn với du lịch sông nước miệt vườn và Mô hình du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn mới trên tuyến đường Vị Thanh - Cần Thơ (quốc lộ 61C) đang được bà con nông dân đồng tình, hào hứng tham gia.

Du lịch nông nghiệp từ nền tảng tài nguyên bản địa là điều được nhiều đại biểu chia sẻ. Trong ảnh: Nông dân Hậu Giang với đặc sản khóm, rau choại... và sự thân thiện, mến khách. Ảnh: DUY KHÔI

Ngoài việc đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch, Hậu Giang đang tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển thị trường, đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến du lịch, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về phát triển du lịch.

Đăng Huỳnh (lược ghi)

Chia sẻ bài viết