08/08/2011 - 08:14

Hết lòng với nạn nhân da cam

Gần 4 năm nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) đã có những đóng góp tích cực, giúp đỡ được nhiều nạn nhân. Người đầu tàu đầy tâm huyết với các hoạt động của Hội và với nạn nhân CĐDC là chú Trương Văn Dũng, Chủ tịch Hội. Chú luôn mong được giúp đỡ, chia sẻ phần nào những nỗi đau, bất hạnh mà các nạn nhân CĐDC đang phải gánh chịu.

Chú Trương Văn Dũng năm nay 57 tuổi, dáng người cao gầy. Mỗi lần gặp chú, chúng tôi đều có ấn tượng khó quên. Một ngày đầu tháng 8-2011, dù trời mưa lớn, chú Dũng vẫn lặn lội đến thăm chú Nguyễn Thành Bảy-gia đình nạn nhân CĐDC, ngụ ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, để xem căn nhà mới sửa của chú Bảy có ổn không. Chú Bảy gặp chú Dũng tay bắt mặt mừng, vội khoe căn nhà không bị dột mưa. Nhờ chú Dũng đề nghị với Hội Nạn nhân CĐDC thành phố mà gia đình chú Bảy được hỗ trợ 10 triệu đồng để sửa chữa nhà, giúp gia đình chú có mái nhà lành lặn để ở.

Cũng là người gánh chịu nỗi đau da cam chú Trương Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC huyện Phong Điền luôn tích cực với công tác Hội, kịp thời quan tâm chia sẻ khó khăn với nạn nhân CĐDC. 

Gia đình chú Bảy thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Vợ chồng chú có 5 người con, trong đó có 4 người con gái và 1 con trai là Nguyễn Thành An-nạn nhân CĐDC. Cuộc sống gia đình riêng của các con đều khó khăn nên không giúp được nhiều cho chú Bảy. Hằng ngày, chú làm nghề phụ hồ hoặc chạy xe ôm để nuôi gia đình. Thím Bảy tâm sự: “Tôi vừa phải chăm sóc mẹ chồng bị bệnh tai biến, vừa phải trông chừng thằng An nên không đi đâu được. Mỗi lần An bị co giật là nó đập đầu vô tường đến chảy máu”. Do nhiễm CĐDC, năm 1985, khi mới sinh ra An đã bị dị tật bẩm sinh, tay chân bị teo và cong, không đi đứng và nói chuyện được. Nhiều năm qua, An luôn được Hội Nạn nhân CĐDC huyện quan tâm, giúp đỡ, như: tặng quà Tết, xe lăn, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí...

Còn chú La Chí Chải, ngụ ấp Nhơn Thọ 2, xã Nhơn Ái, thường nói với bà con trong xóm nhờ chú Dũng đề nghị mà từ căn nhà lá lụp xụp, trời mưa dột tứ tung của chú đã được Hội Nạn nhân CĐDC thành phố xét xây nhà tình thương vào tháng 12-2009, trị giá 15 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi dịp lễ Tết, gia đình chú còn được nhận quà, được khám bệnh và nhận thuốc miễn phí... Có được căn nhà vách tường, mái tôn, gia đình chú Chải vui mừng đến phát khóc, nhiều đêm liền không ngủ được.

Chú Chải mưu sinh bằng nghề phụ hồ, nhưng thu nhập thất thường. Vừa lo chi phí sinh hoạt trong gia đình, chú vừa lo thuốc men cho vợ - Lê Thị Đèo và con là La Hoàng Việt là nạn nhân CĐDC. Thím Đèo nặng chỉ khoảng 30 kg, bị bệnh viêm đa khớp, co rút thanh quản nên lời nói không to, rõ đã hơn 20 năm nay, phải uống thuốc quanh năm. Còn Việt, đã 26 tuổi, bị viêm màng não và tâm thần, đi đứng khó khăn, do dị tật chân to chân nhỏ, tay trái dài hơn tay phải... Không chỉ gia đình chú Bảy, chú Chải mà rất nhiều bà con địa phương rất quý mến chú Dũng, bởi chú luôn quan tâm, gần gũi chia sẻ khó khăn với từng nạn nhân CĐDC...

Vào những dịp Hội Nạn nhân CĐDC thành phố phối hợp với các bệnh viện tổ chức khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho nạn nhân CĐDC ở địa phương mình, chú Dũng luôn sắp xếp cho những nạn nhân nhiễm nặng, không có khả năng đi đứng, ngồi và ưu tiên cho khám bệnh trước; nhiều lần móc tiền túi cho họ, dặn về mua sữa, thức ăn ngon tẩm bổ...

Chú Trương Văn Dũng trước đây là Trưởng phòng Đặc công Quân khu 9. Năm 1973, chú là bộ đội Tiểu đoàn Phú Lợi 3 của tỉnh Sóc Trăng. Đến tháng 10-1976, chú được rút về Tiểu đoàn Trinh sát Quân khu 9 và đi công tác ở nhiều nơi. Thời gian này, chú lập gia đình cùng thím Bùi Thị Mận. 2 năm sau, niềm vui được làm cha, làm mẹ của chú thím vội tan biến khi đứa con đầu lòng là Trương Hoàng Hải bị ảnh hưởng CĐDC, dị tật bẩm sinh, tay chân bị co rút, không thể ngồi, đi đứng và nói chuyện được.

Cuối năm 2006, chú Dũng xin nghỉ hưu nhưng chỉ vài tháng sau, địa phương đã vận động chú tham gia Hội Nạn nhân CĐDC huyện. Chúng tôi hỏi vì sao làm việc không lương bổng nhưng chú vẫn gắn bó với Hội, chú Dũng ôn tồn, nói: “Con trai tôi là nạn nhân CĐDC nên tôi rất hiểu nỗi đau này. Đến với Hội, tôi chỉ mong góp một phần xoa dịu nỗi đau da cam, giúp đỡ và chia sẻ với những bất hạnh mà nạn nhân CĐDC đang phải gánh chịu...”. Tuy suốt ngày bận rộn với công tác Hội nhưng chú Dũng vẫn không quên chăm sóc việc ăn uống, vệ sinh cho anh Hải. Chú nói: “Dẫu sao vợ chồng tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều gia đình khác, bởi tôi còn đứa con út sức khỏe bình thường, đã lập gia đình, giúp vợ chồng tôi có được niềm vui bên cháu nội... trong khi nhiều gia đình nạn nhân CĐDC khác không hề có được niềm vui trọn vẹn được làm cha mẹ, ông bà...”.

Với tấm lòng “Thương người như thể thương thân”, chú Dũng không quản ngại đường sá đi lại khó khăn, thời tiết thất thường, đến các xã, ấp để thăm hỏi và xem xét hoàn cảnh từng gia đình nạn nhân. Nhờ sự tích cực của chú Dũng trong việc lập hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp ưu đãi, đến nay trên địa bàn huyện đã có 74 nạn nhân CĐDC được hưởng trợ cấp.

Bà Trần Liên Kiều, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC nhận xét: “Đồng chí Trương Văn Dũng rất nhiệt tình với công tác Hội, luôn nắm chặt đối tượng, tận tình hướng dẫn gia đình nạn nhân CĐDC trong việc làm hồ sơ hưởng trợ cấp. Tinh thần làm việc của đồng chí Dũng rất đáng được biểu dương. Nhiều năm liền, đồng chí được nhận nhiều bằng khen của UBND và Hội Nạn nhân CĐDC thành phố”.

Bài, ảnh: LÊ NGỌC

Chia sẻ bài viết