04/01/2010 - 20:52

Hậu quả của thói lười lao động

Còn trẻ, có sức lao động và có nghề nghiệp hẳn hoi, nhưng một số bạn trẻ không biết trân trọng, lại sa vào con đường tội lỗi. Những thanh niên này đã phải trả giá cho hành vi sai trái, gây nên nỗi đau buồn cho người thân...

Ngô Phước Dũng (SN 1978, ngụ phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và Lê Ngọc Quí (SN 1984, ngụ phường Hưng Phú, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) vốn là những thanh niên khỏe mạnh, có nghề nghiệp hẳn hoi. Dũng làm thợ hồ, còn Quí làm thợ sơn, mỗi ngày thu nhập trên 70.000 đồng/người. Đi làm có tiền, nhưng Dũng và Quí không phụ giúp gia đình, mà trái lại, có bao nhiêu tiền, đều đổ vào chơi ma túy. Do không đủ tiền để thỏa mãn các cơn ghiền, cả hai đã rủ nhau đi ăn trộm. Ban đêm, khi mọi người chìm vào giấc ngủ, Dũng và Quí lang thang trên các con đường, ngõ ngách, rình mò các nhà, xem có sơ hở lập tức ra tay. Và “đi đêm có ngày gặp ma”, cuối cùng, cả hai bị bắt về hành vi trộm cắp.

Ngày 17-12-2009, HĐXX sơ thẩm-TAND quận Ninh Kiều đã tuyên phạt 2 bị cáo: Ngô Phước Dũng và Lê Ngọc Quí, mỗi bị cáo 9 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản. Qua lời khai nhận tội của các bị cáo trước vành móng ngựa thì mọi người hơi bất ngờ khi bị cáo Quí dáng người gầy guộc, gương mặt xanh xao, ít tuổi hơn bị cáo Dũng, nhưng lại là người rủ rê, trực tiếp thực hiện hành vi trộm cắp; còn bị cáo Dũng là người hỗ trợ cho bị cáo Quí trộm tài sản.

Khoảng 1 giờ ngày 25-7-2009, Lê Ngọc Quí rủ Ngô Phước Dũng đi trộm cắp. Dũng chở Quí bằng xe đạp rảo trên đường Hai Bà Trưng, phường Tân An, quận Ninh Kiều phát hiện trên cánh cửa của một cửa hiệu quần áo có khoảng trống, rộng khoảng 20cm. Quí nhìn vào khe cửa sắt, thấy có nhiều quần áo may sẵn treo trong cửa hiệu nên kêu Dũng đi tìm một thanh tre dài khoảng 2 mét, làm móc để móc quần áo và tìm một sợi dây sắt cẩn thận cột cửa cửa hiệu lại để có người bên trong cũng không thể chạy ra để bắt trộm. Sau đó, Dũng đứng kìm xe cho Quí đứng lên yên sau, cầm thanh tre móc trộm áo từ trong cửa hiệu đưa cho Dũng. Khi Quí móc được 16 chiếc áo thì chủ cửa hiệu là anh Nguyễn Văn Nam được quần chúng gọi điện thoại báo tin nên chạy đến và tri hô. Cả hai tên trộm bỏ chạy, bỏ lại quần áo đã trộm tại hiện trường, anh Nam đuổi theo, bắt được Dũng, giao cho Công an phường Tân An; còn Quí chạy thoát.

Ngày 30-7-2009, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Ninh Kiều ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Phước Dũng và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Không bỏ tật, khoảng 2 giờ ngày 8-8-2009, Quí và Dũng tiếp tục bàn bạc đi trộm cắp tài sản. Cả 2 đi bộ trên đường Nguyễn Việt Hồng, phường An Phú, phát hiện cửa hiệu bán quần áo “Hồng”, ở cửa chính có nhiều ô trống, Quí bèn lấy 1 sợi dây điện cột cửa lại và kêu Dũng đưa vai cho Quí đứng lên thò tay vào bên trong cửa hiệu lấy trộm quần áo. Lấy trộm đến chiếc áo thứ 7 thì bị lực lượng tuần tra Công an phường An Phú phát hiện, bắt quả tang.

Tại phiên tòa, HĐXX phân tích: “Trong thời gian tại ngoại, lẽ ra bị cáo Dũng phải ăn năn hối cải về việc làm của mình. Nhưng bị cáo lại tiếp tục phạm tội. Điều đó chứng tỏ, bị cáo đã quá xem thường pháp luật. Còn bị cáo Lê Ngọc Quí, là người có trình độ học vấn hơn bị cáo Dũng (Quí học lớp 11; còn Dũng mới học lớp 1), ít ra bị cáo cũng hiểu biết về pháp luật nhưng lại rủ rê Dũng đi trộm cắp, cố tình vi phạm pháp luật, nên cần có mức án phù hợp đối với bị cáo...”. Nghe HĐXX phân tích, phê phán, hai bị cáo im lặng, cúi đầu. Cả hai đều thành khẩn mong HĐXX giảm nhẹ tội, hứa sẽ cải tạo tốt để sớm trở về đoàn tụ với gia đình, làm lại cuộc đời.

Ít tuổi hơn cả Quí và Dũng, Trần Đình Minh Châu (ngụ xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) mới 19 tuổi nhưng cũng đã sớm lao vào con đường phạm pháp.

Gia cảnh khó khăn, học hết lớp 11, Châu nghỉ học đi phụ quán bán cà phê ở TP Cần Thơ để góp phần phụ giúp gia đình. Để có tiền tiêu xài, Châu đã không dùng sức lao động chân chính của mình mà ra tay trộm tài sản của người khác để rồi phải chịu cảnh tù tội.

6 giờ sáng 6-10-2009, Khu thương mại Cái Khế (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều), khá đông người. Đang đi trên đường, Châu phát hiện chiếc mô tô dựng tại lô 232 ở nhà lồng 3 Trung tâm Thương mại Cái Khế không ai trông coi và còn chìa khóa trên xe. Lợi dụng lúc đông người, Châu đi nhanh đến mở chìa khóa xe, nổ máy định chạy thì anh Võ Đình Nga, chủ xe, phát hiện. Anh Nga vội tri hô và đuổi theo, Châu bị bắt cùng tang vật.

Buổi xét xử Châu vào ngày 16-12-2009 tại TAND quận Ninh Kiều không đông người. Ngồi dưới hàng ghế dự khán, mẹ bị cáo, bà Nguyễn Thị Bé nét mặt sạm đen, đôi chân trần, luôn dõi mắt nhìn theo đứa con nhỏ nhắn đứng trước vành móng ngựa. Sự cực khổ, lam lũ đã làm gương mặt bà như già trước tuổi. Vừa xoa đôi bàn tay khô ráp, đen đúa, bà Bé vừa phân trần: “Nghe con bị đưa ra tòa xét xử, cả gia đình bàng hoàng vì trước giờ Châu không hề làm việc gì có lỗi với ai”. Nói đến đó, đôi mắt bà đỏ hoe. Từ lúc trời còn chưa sáng, bà Bé đã khăn gói lên đường đến Cần Thơ để dự phiên tòa xét xử con trai của mình. Bà chăm chú theo dõi để không bỏ sót bất cứ chi tiết nào liên quan đến con. Bà nói: “Hy vọng sau lần này, nó có bài học nhớ đời để không làm người xấu”. Đường đi khá xa nhưng bà không quên xách theo chiếc giỏ đệm, bên trong có chai nước uống cùng vài món ăn chuẩn bị sẵn cho con.

Giờ nghị án, bà bước gần đến bên con nhỏ nhẹ khuyên con nên trả lời thành thực và cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về. Cuối phiên tòa, Minh Châu bị HĐXX-TAND quận Ninh Kiều tuyên phạt 6 tháng tù giam, Châu lén nhìn mẹ rồi bước nhanh ra xe. Bà Bé dõi theo đến khi không còn nhìn thấy dáng con mới bước vào hàng ghế chờ của tòa án, lặng lẽ ngồi một mình.

Với các bị cáo này, thời gian cải tạo không lâu, nhưng nếu biết ăn năn hối cải thì thời gian đó cũng đủ để họ nhìn nhận bản thân để tìm lại bản chất tốt của mình, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Và đó còn là bài học cho những ai không chăm lo lao động, muốn kiếm tiền trên mồ hôi nước mắt của người khác.

SƠN LAM

Chia sẻ bài viết