10/10/2020 - 17:59

Hậu Giang nỗ lực xây dựng “chính quyền số” 

Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh Hậu Giang đã chính thức đi vào hoạt động. Đây được xem là “bộ não” của đô thị thông minh, giám sát và điều hành tập trung các ứng dụng thông minh thông qua một nền tảng công nghệ chung. Với trung tâm này, Hậu Giang đang tích cực xây dựng đô thị thông minh (Smart City), xu hướng chung của Thế giới và Việt Nam.

Vận hành Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh Hậu Giang.

►Xây dựng nền tảng

Mới đây, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Lễ công bố các hệ thống thông tin, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh và Cổng thông tin điện tử tỉnh. Sau gần 9 tháng xây dựng và triển khai các hạng mục có liên quan (do Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng các đơn vị có liên quan thực hiện), đến nay về cơ bản các hệ thống thông tin của hệ thống chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành và đi vào vận hành thí điểm, bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu phục vụ cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.

Ông Ðoàn Quốc Thật, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Năm 2020 được xem là năm đột phá để ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của tỉnh Hậu Giang trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh. Qua đó, làm cơ sở để địa phương thực hiện Ðề án chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030.

Hệ thống chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang gồm: Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), đây là “bộ não” của chính quyền số, có nhiệm vụ quản trị trung tâm dữ liệu tỉnh, giám sát điều hành an ninh trật tự, phản ánh hiện trường và điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Trung tâm giám sát an toàn, an ninh thông tin (SOC), có nhiệm vụ giám sát, điều phối, xử lý sự cố an ninh mạng và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho các cơ quan của tỉnh trên không gian mạng. Cổng dịch vụ công trực tuyến: giúp người dân và doanh nghiệp nộp và theo dõi hồ sơ trực tuyến; các cơ quan có thể xử lý hồ sơ thủ tục hành chính hoàn toàn trên môi trường điện tử. Ứng dụng Hậu Giang: kênh tương tác giữa người dân với chính quyền qua Internet gồm phản ánh hiện trường, đặt lịch khám bệnh, xem lịch làm việc… Tổng đài cải cách hành chính: giúp người dân phản ánh, giao tiếp với chính quyền qua số điện thoại và tài khoản Zalo về giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Cổng thông tin điện tử: công bố công khai tất cả thông tin chỉ đạo, điều hành và hệ thống văn bản của chính quyền tỉnh trên Internet… Hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội trực tuyến: hệ thống giúp các sở, ngành, địa phương quản lý các số liệu báo cáo của ngành, địa phương mình; đồng thời là phương tiện để gửi báo cáo lên cơ quan cấp trên thay cho việc gửi báo cáo bằng văn bản…

Riêng đối với Cổng thông tin điện tử tỉnh Hậu Giang (haugiang.gov.vn), đưa vào sử dụng từ ngày 15-7-2020, là cổng thông tin chính của tỉnh và 31 cổng thành phần cho các sở, ngành, thành phố, thị xã, huyện; cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến. Cổng thông tin điện tử có khả năng kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác và phù hợp theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0. Cổng thông tin có thể mở rộng cho thêm nhiều đơn vị trong tỉnh sử dụng cổng thành phần, tiết kiệm chi phí.

►Kết nối dữ liệu thông tin

Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang, cho biết: Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh chính là “bộ não” của đô thị thông minh. Xây dựng đô thị thông minh cũng là xu hướng chung của Thế giới và Việt Nam trong thời gian qua. Ðể triển khai tiếp theo, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai các ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực, tích hợp vào Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh. Ðồng thời, đánh giá hiệu quả vận hành, khai thác Trung tâm để có điều chỉnh phù hợp.

Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang đi vào vận hành, đang thực hiện giám sát, điều hành tập trung các ứng dụng thông minh thông qua một nền tảng công nghệ chung; thu thập, kết nối đến các nguồn dữ liệu (dữ liệu thời gian thực và dữ liệu lưu trữ); khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu phục vụ các hoạt động của cơ quan, tổ chức để đưa ra các quyết định phù hợp; cho phép cộng đồng tiếp cận nguồn dự liệu phát triển các dịch vụ, ứng dụng thông minh. Trong đó, các tính năng giám sát cụ thể gồm: cổng dịch vụ công trực tuyến (số lượng hồ sơ trực tuyến đang nộp, đã xử lý, đang xử lý, quá hạn…); hệ thống giám sát, điều hành giao thông (kết nối các camera quan sát các nút giao thông và các tuyến giao chính trong tỉnh); hệ thống giám sát an ninh trật tự xã hội (tích hợp các camera an ninh của tỉnh, kiểm soát an ninh công cộng ở các khu vực, địa bàn trọng điểm). Hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội (thu thập dữ liệu từ các nguồn khác nhau, đưa về hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, tổng hợp các báo cáo thống kê…); hệ thống thông tin phản ánh hiện trường (Hậu Giang app: tiếp nhận, phân loại thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp, chuyển đến đơn vị chuyên ngành để xử lý, lưu trữ theo quy định); hệ thống giám sát thông tin báo chí, truyền thông (đưa ra những cảnh báo kịp thời đối với những thông tin nhạy cảm, không phù hợp); hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng…

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, khẳng định: Với xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp, không có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên so với các địa phương khác trên cả nước, để tạo sự chuyển biến đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thì Hậu Giang phải tự tạo cho mình lợi thế cạnh tranh đặc thù. Tỉnh chọn xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số, đây là một trong 3 nhiệm vụ đột phá của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025. Hậu Giang đã ưu tiên nguồn lực để thực hiện đầu tư xây dựng một số hệ thống thông tin nền tảng và Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh. Ðến nay, các dự án đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ðể tạo sự đồng bộ trong ứng dụng công nghệ, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện các hệ thống thông tin, đặc biệt là Cổng dịch vụ công trực tuyến để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ðẩy mạnh, tăng tốc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp, bổ sung tính năng của Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh; phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai các ứng dụng đô thị thông minh phù hợp để phát triển kinh tế số, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết