28/09/2017 - 22:06

Hậu Giang luôn chào đón doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư 

Sáng 28-9, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư “Hậu Giang - Tiềm năng đầu tư và phát triển”. Tại hội nghị này, nhiều tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư trong và ngoài nước đã cam kết đầu tư vào Hậu Giang. Lãnh đạo tỉnh cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư làm ăn tại địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lãnh đạo các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng ký kết liên kết hợp tác. Ảnh: ANH KHOA

Đồng hành cùng nhà đầu tư

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, các dự án trọng điểm, các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của địa phương đến các nhà đầu tư, DN đầu tư trong và ngoài nước.

Đến nay, tỉnh Hậu Giang đã xây dựng được các vùng nguyên liệu nông sản chuyên canh với quy mô khá lớn, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và chế biến xuất khẩu như: vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao 32.000 ha, vùng nguyên liệu mía 10.300 ha, vùng nguyên liệu khóm 1.500 ha, vùng cây ăn trái đặc sản có múi hơn 10.000 ha, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung 1.500 ha.

Các loại nông sản có thế mạnh của tỉnh được đăng ký nhãn hiệu, nhiều sản phẩm có thương hiệu trên thị trường Việt Nam biết đến như: bưởi Năm Roi Phú Thành, quýt đường Long Trị, khóm Cầu Đúc, cá thát lát… Đặc biệt Hậu Giang đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với quy mô là 415 ha và vùng ứng dụng công nghệ cao khoảng 4.785 ha.

Theo ông Lữ Văn Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, tỉnh thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ngoài các chính sách ưu đãi chung, tỉnh còn có một số cơ chế chính sách ưu đãi riêng như: miễn, giảm thuế thu nhập DN (thuế suất 10%); miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; miễn giảm thuế nhập khẩu...

Hậu Giang chú trọng kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chế biến nông sản; thương mại, dịch vụ phát triển theo chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa; xây dựng các điểm và kết nối tuyến du lịch... “Với phương châm mến khách, trọng đối tác, địa phương mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các tỉnh bạn, các DN, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế. Hậu Giang luôn chào đón các DN trong và ngoài nước đến đầu tư”- ông Hùng khẳng định.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng cam kết, đến với Hậu Giang, các nhà đầu tư sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai.

THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC: 
Xây dựng chính quyền đối thoại, trực tiếp giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp

Là tỉnh nông nghiệp, nhưng đang vươn lên mạnh mẽ và có nhiều lợi thế quan trọng cho tỉnh phát triển. Với nguồn nguyên liệu nông nghiệp dồi dào, cây ăn quả lớn được đầu tư tập trung ở đây, có lúa chất lượng cao và nhiểu thương hiệu nông sản. Tại hội nghị này, các nhà đầu tư  đã đánh giá cao sự năng động, đồng hành của chính quyền đối với DN. Đây là nền tảng để tỉnh phát triển.

Để phát triển, tỉnh Hậu Giang cần đặt trong tương quan vùng ĐBSCL, liên kết chặt chẽ với các địa phương; quy hoạch đồng bộ thủy lợi, giao thông… Phải có cách làm sáng tạo trong liên kết. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền đối thoại, đồng hành cùng DN và tạo niềm tin cho DN. Các cấp chính quyền cầu thị lắng nghe, trực tiếp giải quyết các vướng mắc của DN. Phát huy sức mạnh nội lực của cán bộ công quyền, dịch vụ công, đó là kiến tạo phát triển. Kêu gọi DN đầu tư vào nông nghiệp để thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Kỳ vọng hợp tác cùng phát triển

Toàn tỉnh hiện có 4.319 DN với tổng vốn đăng ký trên 45.447 tỉ đồng, 46.211 hộ kinh doanh với tổng vốn đăng ký là 3.005 tỉ đồng; thu hút 489 dự án trong nước với tổng vốn khoảng 123.413 tỉ đồng và 5 dự án xác nhận ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tổng vốn 1.030 tỉ đồng; thu hút được 29 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn 809 triệu USD...

Hậu Giang có 2 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp tập trung, với tổng diện tích là 1.530 ha. Trong 29 dự án đầu tư nước ngoài, có 2 dự án của Nhật Bản với tổng vốn là 1,8 triệu USD còn lại là các DN đến từ Úc, Canada, Đài Loan, Hà Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Hồng Công, Hoa Kỳ...

Các dự án được tỉnh trao Quyết định chủ trương đầu tư tại hội nghị gồm: Dự án nhà máy sản xuất nước mắm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan, vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng; Dự án mở rộng 46 ha của Công ty Cổ phần Nước Aquaone Hậu Giang, vốn đầu tư 700 tỉ đồng; Dự án mở rộng 3 ha của Công TNHH Một thành viên Bê tông Hamaco Hậu Giang, vốn đầu tư 100 tỉ đồng. Dự án mở rộng 7 ha của Công ty Cổ phần Dầu khí Bình Minh, vốn đầu tư 44 tỉ đồng; Dự án mở rộng 13 ha của Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp Miền Nam, vốn đầu tư 100 tỉ đồng...

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, tỉnh Hậu Giang tập trung kêu gọi đầu tư vào 7 dự án trọng điểm, với tổng vốn đầu tư khoảng 261 triệu USD.

Cụ thể: Dự án chế biến gạo xuất khẩu gắn với vùng lúa chất lượng cao (huyện Châu Thành A hoặc huyện Vị Thủy) với diện tích 1.000ha; Dự án Đầu tư hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hậu Giang (huyện Long Mỹ), diện tích chung 5.200ha; Dự án đầu tư và xây dựng kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp tập trung Nhơn Nghĩa A (huyện Châu Thành A), diện tích 100ha. Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp tập trung Đông Phú, diện tích 120ha; Dự án đầu tư và xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A - giai đoạn 3 (huyện Châu Thành), diện tích đất quy hoạch 80ha; Dự án Khu du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, diện tích khoảng 50ha; Dự án Khu dân cư thương mại khu vực 1, phường V, thành phố Vị Thanh, quy mô 10ha.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương đã chứng kiến Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư giữa tỉnh Hậu Giang và các DN, Lễ ký kết “Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Hậu Giang và một số tỉnh trong vùng ĐBSCL như: Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng”. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 5 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan, cho rằng: Các cấp chính quyền tỉnh Hậu Giang đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho Masan đầu tư và xây dựng các nhà máy, trong đó có nhà máy chế biến thức ăn gia súc ANCO tại địa phương, nhãn hiệu cám Bio-zeem có công suất 276.000 tấn/năm. Đây là nhà máy sản xuất thức ăn gia súc có công suất lớn nhất Hậu Giang với trang thiết bị dây chuyền sản xuất tự động và nhập khẩu mới hoàn toàn từ châu Âu.

Chỉ trong vòng 2 năm, Masan đã cam kết và thực hiện đầu tư cho giai đoạn đầu tại Hậu Giang hơn 1.300 tỉ đồng, tạo thêm hàng ngàn việc làm trực tiếp và gián tiếp tại địa phương; đồng thời đóng góp vào ngân sách địa phương hơn 300 tỉ đồng trong năm 2016…

Với những hỗ trợ từ chính quyền tỉnh, ông Nguyễn Đăng Quang cam kết sẽ có những khoản đầu tư lâu dài vào tỉnh; tập trung vào hàng nhu yếu phẩm tiêu dùng hàng ngày nhằm xây dựng Hậu Giang thành “Trung tâm công nghiệp thực phẩm Masan Miền Tây” phục vụ người tiêu dùng ở miền Tây Nam Bộ.

Masan vừa vinh dự đón nhận Giấy chứng nhận đầu tư cho Trung tâm công nghiệp thực phẩm Masan Miền Tây. Giai đoạn 1 của dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, công suất tối đa 100 triệu lít nước mắm thành phẩm mỗi năm...

Nhận định về các cơ hội đầu tư tại Hậu Giang, ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ khẳng định, với vị trí gần TP Cần Thơ, có cảng biển và khi Cần Thơ hình thành trung tâm logistics sẽ tạo lực đẩy rất lớn cho các địa phương trong vùng ĐBSCL.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, dù đang đối phó nhiều thách thức mới, nhưng nhiều DN trong vùng ĐBSCL đã tham gia chế biến theo các tiêu chuẩn mới, tiệm cận gần hơn với tiêu chuẩn quốc tế. Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhưng cũng là cơ hội mới cho vùng. Các DN tập trung chế biến sâu hơn và sáng tạo công nghệ. Hậu Giang có lợi thế về nông nghiệp, có thể tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao. 

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết