24/09/2014 - 20:17

Hành trình tìm lại “Những đứa con rải rác trên đường”

Trong tiểu thuyết vừa ra mắt “Những đứa con rải rác trên đường”, nhà văn Hồ Anh Thái thử nghiệm cấu trúc mới: “1 tiểu thuyết = 3 truyện dài” để kể một câu chuyện đặc biệt. Một câu chuyện kéo dài từ thời chiến sang thời bình, từ châu Á sang châu Âu, từ đời cha qua đời con… đầy phức tạp và không kém phần hấp dẫn.

Sách do NXB Trẻ xuất bản quí III-2014.

 

Tiểu thuyết được chia làm 3 phần: “Thư đi không thấy thư lại”, “Đời biết mấy chuyến xe” và “Chuyến thu gom xuyên Việt”. Mỗi truyện có từ 20-25 chương, có thể tách ra làm một truyện dài độc lập và khi ghép lại thì trở thành một tiểu thuyết hoàn chỉnh.

Truyện thứ nhất kể về con trai một quan lớn du học trời Tây, chuyên viết thư qua email xin tiền bố để ăn chơi, đến khi bị đuổi học, trục xuất về nước vẫn nói dối đang học để tiếp tục xin tiền. Khi tiền đã cạn, thư gửi nhiều mà không thấy hồi âm, cậu gọi về nhà mới biết bố mình đã bỏ trốn vì làm thất thoát của Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng. Truyện thứ hai kể về cuộc đời và sự nghiệp của ông bố: từ một anh lính lái xe Trường Sơn, có tài xã giao, biết “chớp cơ hội” mà dần được thăng quan tiến chức, trở thành quan chức cấp cao. Từ thời chiến cho đến khi hòa bình, suốt chiều dài đất nước, ông đã quan hệ với rất nhiều phụ nữ và có con rải rác khắp nơi. Cuối đời, ông cặp với cô người mẫu, giúp cô vay tiền làm những dự án lớn, đến khi bể nợ, cô vào tù, còn ông lặng lẽ bỏ đi. Truyện thứ ba kể về hành trình xuyên Việt của ông để thu gom những đứa con rơi rớt của mình. Ông thuê một chiếc xe du lịch 40 chỗ, tìm được hơn 30 đứa con, sau khi chở chúng ra Hà Nội họp mặt, ông đi tự thú.

Ở “Những đứa con rải rác trên đường”, Hồ Anh Thái vẫn giữ phong cách quen thuộc là hiện thực xen lẫn huyền ảo nhưng chất huyền ảo rất ít, chỉ xuất hiện vào đoạn cuối, còn cả câu chuyện là một kho tư liệu về thực tế cuộc sống. Người đọc có thể gặp những chuyện rất phổ biến và cả những chuyện ít ai biết từ trong nước đến ngoài nước, từ chiến tranh đến hòa bình, từ thời bao cấp sang kinh tế thị trường... Tất cả tưởng chừng vụn vặt nhưng tác giả đã khéo léo xâu chuỗi lại với nhau trong một bối cảnh cụ thể, rồi kết nối với những số phận nhân vật, tạo thành một đường dây cốt truyện mạch lạc và logic, đậm chất bi - hài. Đặc biệt, các nhân vật trong truyện không ai có tên cụ thể mà được gọi theo nghề nghiệp, tính cách hay biệt danh. Cách gọi đó không để định danh một người mà có thể nói đến bất cứ ai trong xã hội có điểm tương đồng với nhân vật.

Dù giọng văn lạnh lùng, châm biếm, nhưng tác giả vẫn cho các nhân vật cơ hội để chuộc lỗi, hướng thiện. Nhân vật anh chàng ngủ như trăn khi giàu có đã tìm lại những nạn nhân của mình để hoàn trả lại số tiền mà anh đã lấy cắp trước kia. Hay cô ca sĩ của đoàn văn công ngày xưa cuối đời tìm đến cái chết để tạ tội với những người cô đã cố ý và vô tình làm hại. Điển hình nhất là nhân vật chính của truyện: ông “Kễnh”. Sau khi gây thất thoát tài sản của Nhà nước, ông đi thu gom những đứa con rơi trước khi vào tù như một sự sám hối muộn màng. Cuộc tái ngộ của ông với những người phụ nữ ngày xưa mở ra cho người đọc chuyện về những con người kiên cường, nghị lực…

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết