28/03/2021 - 08:40

Hạnh phúc gọi tên 

Truyện ngắn: Nghiêm Quốc Thanh

Gió từ bờ sông lùa vào nhà ngoại lành lạnh. Phía đó thưa dần những tiếng tàu hú trong đêm. Dì giăng mùng cho tôi rồi trở ra võng nằm, giọng nói khẽ đủ để mình tôi nghe. Vào năm Phong rớt tốt nghiệp trung học phổ thông, dì cũng thức với tôi ở nhà ngoại như thế này. Lúc đó tôi đã khuyên dì rằng Phong không chỉ đi duy nhất bằng con đường đại học. Sau đó dì cho Phong đi học nghề. Rồi dì lại buồn lo khi Phong ra nghề có thu nhập ổn định bao năm mà chưa một lần bộc bạch với dì về chuyện lứa đôi. Phong không phải là mẫu con trai hào hoa, nhưng rất chịu khó kiếm tiền và ít ra đường. Có lẽ kiểu cách đơn giản vậy đã định hình nên hạnh phúc hiện tại của Phong. Nay thì dì đã an tâm về mối nhân duyên của Phong và mãn nguyện khi sự cố công của dì đi tìm mối mai tác hợp cho Phong được đền đáp.

Bây giờ, dì có một băn khoăn ngược lại. Tôi hỏi dì có tin vào duyên số không. Dì trả lời có. Vậy nếu đã là duyên số, mình muốn chọn lựa khác đi hay né tránh cũng không dễ dầu gì. Chi bằng hãy để mọi thứ thuận theo lẽ tự nhiên. Nói ra cho dì bớt bồn chồn, chứ duyên ở trời, phận ở người. Người buông xuôi là người vô trách nhiệm. Dì thở một hơi dài nghe mồn một. Dì đã luôn vun vén cho gia đình. Còn dượng thì bên cạnh làm việc cật lực, là cứ toe toét cười để tiếp sức cho dì và hai đứa em bạn dì của tôi. Cốt yếu đêm nay dì kể chuyện của Như và tôi thầm tán thành cách của dượng, dù cách nghĩ này đang làm dì giận dượng: Như thương đâu thì gả đó. Có ép Như cũng không được. Rồi có một ngày, dù đi được đến đâu, Như sẽ thấm thía những lời từ trái tim của người mẹ.

“Ai đời, không hề nghe con trai đòi vợ lại nghe con gái nôn nao lấy chồng”. “Vậy chứ hồi đó làm sao mà dượng biết tới dì mà đề ý xin qua nhà dạm hỏi? À mà dì thương dượng nhất ở điểm nào?”. Dì bỏ một chân xuống sàn ván, trả lời tôi: “Ông ngoại gả thì dì nghe theo”. Rồi dì lảng sang chuyện khác, lái lại câu chuyện của Như, con gái dì, thợ may, hai mốt tuổi, nhưng mà chưa biết đánh vảy con cá đem kho cho dì dượng ăn được một bữa cơm. Dì khẽ than tiếng được tiếng mất: “Mai này nó về làm dâu người ta, có khi nào họ dắt đem về trả”. Tôi cười nói với dì một tràng: “Dượng đó, có để dì động móng tay đâu, đi đồng về là gom đồ đem giặt, ăn uống chưa bao giờ khen chê bất cứ điều gì. Dì út đó, lấy chồng sanh con rồi tự khắc biết chăm sóc gia đình, nội trợ ngày càng sắc lẻm. Tình thương và trách nhiệm sẽ là động lực, dì chờ coi”. Tôi tin đôi trẻ biết nhìn vào người lớn mà bắt chước, xử sự. Tôi và các em tôi thần tượng hết thảy các dì. Có lẽ với họ, hôn nhân và yêu thương thì cái nào ở vị trí xuất phát không quan trọng, quan trọng là nhẫn nại dẫn dắt đi từ cái có trước sang cái còn lại. Hạnh phúc không đâu xa, chỉ quanh quẩn chơi trò cút bắt cho người trong cuộc mải miết tìm.

Tôi vừa thiu thiu mắt vừa mường tượng về những hình ảnh tự vẽ ra trong đầu. Việc đó không khó với nghề “phó nhòm” của tôi. Tôi bắt đầu mê chụp hình từ cái hồi mà nhà ngoại tôi muốn chụp một tấm ảnh là phải đón thợ đi qua, bấm một kiểu là phim ghi lại một tấm, nên chuẩn bị rất kỹ. Điều đó cũng khiến tôi thích sưu tầm hình của người trong dòng họ đem về sắp xếp vô một cuốn album lớn. Tết vừa rồi, tôi soạn lại cái tủ, thấy cuốn album gia đình, vội đem lên cho dì bất ngờ với hai tấm hình trắng đen của thời thanh xuân. Dì cười: “Ở đâu mà có mấy tấm này vậy ông con?”. “Ở nhà con chớ ở đâu”. “Thì tấm hình lúc dì vô nhà con chơi, biết là ở nhà con rồi; còn tấm hình cưới á, đâu mà hiếm vậy, hèn gì dì kiếm hoài không ra”. Dì trong tà áo cưới, khuôn mặt sáng ngời nổi bật đôi gò má hơi cao, tóc búi, đầu đội vương miện… trông rất giống nghệ sĩ Hồng Vân thời trẻ. Dì kêu tôi để lại tấm hình cưới được ép nhựa bảo vệ từng đường nét chân phương ấy. Dì tôi chân hơi dài nghiêng đầu vào vai dượng, theo sự “chỉ đạo” của thợ ảnh, nhưng đôi mắt có vẻ như đang mông lung. Dáng dượng thấp hơn một chút, lưng ngắn và gương mặt chơn chất với hai đuôi mắt nheo lại và khuôn miệng luôn chực cười. Lúc đó, tôi vừa lên bốn. Tuổi đó tôi chưa hiểu gì về hạnh phúc.

Tôi nhớ thời cứ lẽo đẽo theo chân dì những trưa dọn bàn ra trước nhà tôi ngồi bán chè, đường đột hỏi sao dượng không vô đây với dì, mà dì đi có một mình. Cho đến một ngày dì lén cả nhà tôi bắt xe về ngay trong đêm. Điều gì khiến mọi người thót tim đến vậy khi dì hành động đường đột, tôi còn nhỏ nên không ai nói cho tôi biết. Không lâu tôi nghe tin dì sanh em bé. Không tưởng tượng nổi trong đêm đó dì đã biết mình đang mang thai, lại leo lên lan can nhà dượng cao cỡ khỏi đầu tôi. Không ai nghe thấy, chỉ có dượng, đang loay hoay sửa soạn đồ định sáng hôm sau vô nhà tôi năn nỉ dì về, nghe tiếng bước chân đã biết dì về thì ra mở cửa…

Đang nghĩ lan man chuyện xưa, tôi nghe dì nói sẽ nghe tôi thêm lần nữa. Con gái lớn rồi, không tạo điều kiện để người ta cưới xin, thiên hạ cười cho. Bên kia chủ động hẹn rồi, ngày mốt sẽ sang chơi. “Thì dì cứ mời họ sang chơi, người lớn cởi mở với nhau, sẵn tiện để mắt từng cử chỉ cần thiết của hai đứa nhỏ. Chứ dì lướt sơ qua cái hình trong điện thoại của Như thôi cũng chỉ có cảm giác chàng rể coi bộ hiền hiền”, dì nói. “Hiền cỡ dượng hông dì?”. “Ông con này ghẹo dì miết hen”.

Câu chuyện vừa đến đó thì điện thoại của dì reo inh ỏi trong đêm. Hay tin dượng bị bò đá, dì đứng ngồi không yên. Vậy mà từ trước tới giờ, hễ ai nhắc tới dượng là dì đánh trống lảng. Trong hết thảy bốn người dượng và ba tôi, dượng là người hiếm khi xuất hiện ở nhà ngoại. Mà dượng cũng ít khi đi đâu lâu được. Lúc mọi người còn nghiêng qua lăn lại trong mùng cho thật tỉnh giấc đầu ngày, thì dượng đã ra đồng cắt cỏ. Về còn cho bò ăn. Kế đó là lo một bầy gà đủ giáp dưới sàn nhà. Trong mắt tôi, dượng nhỏ con bề ngoài nhưng lòng rộng lượng, suy nghĩ không khúc mắc. Ngoại không biểu tôi cũng dắt xe ra chở dì về. Tôi nóng ruột, còn dì không nói câu nào suốt đoạn đường gần hai mươi cây số.

Tôi ghé lại bên bờ kinh xáng, không như bao lần tôi chở dì từ nhà ngoại về luôn có dượng ra đón, nhà chỉ có vợ Phong với con gái. Phong và Như đang ở bệnh viện với dượng. Dì đứng lặng vài giây, quay sang lắc lắc tay tôi. “Mau, mau chở dì lên bệnh viện”.

Phía ngoài phòng chờ, tôi nghe tiếng dì thút thít. Chưa bao giờ tôi thấy dì khóc vì dượng. Hay tại tôi chưa hiểu những ngấm ngầm sau sự giả đò của một người phụ nữ ngộ ra muộn chữ yêu thương. Tôi thiếp đi lúc nào không hay. Khi tỉnh lại nhìn vô phòng đã thấy dì nằm gối đầu bên giường trải ga trắng toát. Dượng đưa mắt nhìn ra, vẫn khuôn mặt cười không lẫn vào đâu được.

Tôi tưởng đến chưa đầy một tháng nữa, dì dượng nắm tay nhau đi lên lễ đài trong ngày vui trọng đại của Như. Tôi cũng vui theo khuôn mặt hay cười của dượng.

Chia sẻ bài viết