Đặng Lâm
Sông nước Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI
Tòa soạn vừa nhận được bài của nhà phê bình Đặng Lâm có tựa đề “Hạnh phúc gắn với dòng sông” nói cảm nghĩ về bài thơ “Cùng chờ mùa lũ” của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
“Tháng bảy, nước nhảy vào bờ”(1)
Vậy mà đã tuần cuối tháng
Nước vẫn lững lờ nửa sông
Sớm chiều bữa cơm nhạt miệng
Lưới chài vừa kịp vá xong
Mấy dớn(2) đã đặt trên đồng
Đợi lũ về nhanh đón cá
Mà nay nước vẫn chưa dâng?!
Lo âu mất vụ thu đông
Nước ngọt cạn kiệt nhiều vùng
Phù sa còn nơi xa lắm
Phận người gắn một đời sông!
Hàng cau thẫn thờ dưới nắng
Chùm quả lốm đốm sắc vàng
Thế là lỡ ngày dạm hỏi
Đêm về giấc ngủ chẳng an!
Bỗng khuya anh nhận dòng tin:
“Nước nổi dù về trễ muộn
Cau không còn xanh, quả bóng
Lửa yêu chắc nguội rồi chăng”
Lời em như cởi tấm lòng
Thêm tin vào lời hẹn ước:
Dù trời hạn hán, mưa giông
Ta gắng bên nhau tiếp sức!...
Tin vui lan truyền buổi sáng
Nước lũ đầu nguồn đã dâng
Hớn hở cùng em đặt dớn
Khấp khởi đợi lúa thu đông!...
Tháng 8/2023
Nguyễn Hồng Vinh
(1) Câu tổng kết về quy luật mùa lũ của nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
(2) Dớn là một trong những công cụ bắt cá trong mùa nước nổi ở Nam bộ.
Bài thơ “Cùng chờ mùa lũ” của Nguyễn Hồng Vinh khái quát trâm trạng của nông dân vùng đất Chín Rồng, nhất là những đôi trai gái đang yêu, thắc thỏm mong đợi mùa lũ về để “lên xe hoa” sau bao tháng ngày hẹn ước. Đã hàng trăm năm nay, người dân nơi đây sống chung với lũ, coi lũ như “ân nhân” mang lại nguồn cá, tôm bất tận, đặc biệt là mang nguồn phù sa quý giá tưới tắm cho đồng lúa, vùng rau mướt xanh, để rồi đón một vụ thu hoạch bội thu! Cũng giống như nhiều năm trước đây, khi lũ sắp về, nhiều người đã kịp vá lưới, thử chài, đặt dớn, thả lờ để đón tôm, cá - nguồn tài nguyên trời cho, giúp nông dân tăng thêm thu nhập suốt 3 tháng lũ về (từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm).
“Vậy mà đã tuần cuối tháng/ Nước vẫn lững lờ nửa sông” khiến nhiều người “ra ngẩn, vào ngơ”, thấy “bữa cơm nhạt miệng”. Đi theo nỗi lo mất mùa tôm, cá là “mất vụ thu đông/ Nước ngọt cạn kiệt nhiều vùng”; bà con sẽ đối diện với cảnh nước mặn xâm nhập lên sát vùng thượng lưu - như đã có năm diễn ra cảnh xót xa ấy. Chính từ cảnh tượng bất ổn đó, sao tránh khỏi nỗi thẫn thờ, mong ngóng từng phút, từng giây: “Phù sa còn nơi xa lắm/ Phận người gắn một đời sông!”. Cơ ngơi hiện tại, tương lai một vùng quê, hạnh phúc của một gia đình, tình yêu đôi lứa... đều trao gửi vào một dòng sông tải nước lũ về! Xem thế đủ biết, “LŨ” là bạn tri ân; là đối tác “cứu rỗi” nhiều phận người đi từ thất vọng, tới hy vọng; từ buồn rầu đến niềm vui òa vỡ...
Thiếu nữ Tây Đô duyên dáng bên vườn dâu Hạ Châu vào mùa nước nổi. Ảnh: DUY KHÔI
Với đôi trai gái trong bài thơ này, ngoài tâm trạng chung giống bà con, còn đau đáu nỗi lo riêng khi ngắm “Hàng cau thẫn thờ dưới nắng/ Chùm quả lốm đốm sắc vàng/ Thế là lỡ ngày dạm hỏi/ Đêm về giấc ngủ chẳng an!”. Đúng là “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”. Nắng vẫn rải lửa, cành cau rũ lá, chùm quả đang xanh bóng bỗng ngả màu vàng - một thứ sính lễ quan trọng, không thể thiếu vắng trong ngày dạm hỏi cũng như lễ thành hôn, mà nay biến dạng! Lòng anh cồn cào lửa đốt, bỗng đêm nhận được dòng tin có ý “thăm dò” sự kiên nhẫn nơi anh: “Nước nổi dù về trễ muộn/ Cau không còn xanh, quả bóng/ Lửa yêu chắc nguội rồi chăng?!”. Thật ra, đây là sự thăm dò tế nhị, nhưng qua cách gợi vấn đề, “anh” hiểu lòng em cũng như anh muốn chia sẻ một “thông điệp”: dù lũ chưa về, dù cau không còn xanh quả, nhưng lửa yêu vẫn đượm, cả hai hãy hướng tới ngày hôn lễ! Nỗi băn khoăn, lo lắng của anh giờ đã được “giải thoát”, lời hẹn ước nguyện thề hôm nào lại vang dậy trong tâm! Và điều tưởng như ngẫu nhiên đã thành tất nhiên: “Tin vui lan truyền buổi sáng/ Nước lũ đầu nguồn đã dâng/ Hớn hở cùng em đặt dớn/ Khấp khởi đợi lúa thu đông!”...
Đoạn kết bài thơ nhẹ nhàng nhưng hàm chứa ý tứ sâu xa: trời không phụ lòng người kiên nhẫn; lũ đã về và mùa lúa thu đông sẽ lại mướt xanh, trĩu hạt. Chính thời điểm đó diễn ra lễ thành hôn của đôi bạn trẻ đã trải qua năm tháng bền bỉ nuôi dưỡng sự thủy chung và nhẫn nại đợi chờ!