21/09/2013 - 21:24

Hang Tám Cô - nơi sáng mãi tuổi hai mươi

Mùa hè, Đông Trường Sơn gió Lào thổi mạnh. Trời Bố Trạch xanh, cao đầy mây trắng. Nắng như thiêu. Hoa phượng đỏ rực, chói chang màu lửa. Cỏ cây bơ phờ, nhưng nước sông Son vẫn biêng biếc chảy về xuôi. Dòng sông quanh co, uốn khúc qua những dãy núi đá vôi kỳ vĩ…

Chúng tôi xuất phát từ bến phà Son, ngược đường bộ theo đường Hồ Chí Minh (Tây) khoảng 2km nhập vào đường 20 Quyết Thắng. Đi tiếp chừng 15km đến ngã tư Trạ Ang, tẽ vào thêm 2km đến "Di tích lịch sử quốc gia hang Tám Cô". Đường vào hang Tám Cô xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn thuộc vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng.

 Trong hang Tám Cô.

Đường Hồ Chí Minh thời chiến tranh có nhiều nhánh đi qua đây. Mỹ đã dùng không quân đánh phá rất ác liệt khu vực này. "Đường 20 Quyết Thắng" là một trong những đầu cầu, đầu mối rất quan trọng của hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh nên đã chịu rất nhiều bom đạn của kẻ thù dội xuống hầu như cơm bữa. Khu vực này có rất nhiều thanh niên xung phong (TNXP) bám đường, bảo vệ, làm nhiệm vụ cứu hộ, thông xe trên đường 20.

Sau khi xuống một con dốc dài, sâu thẳm, bụi đỏ mù trời, không gian mở ra thoáng đãng. Xe đậu ở nhà chờ. Chúng tôi xuống xe, đi một quãng ngắn chừng non 100m đến đền thờ Tám Cô nằm dựa lưng vào một sườn núi có nhiều cây cao bóng mát.

Đền thờ Tám Cô giống như những đình chùa, điện thờ các danh nhân lịch sử thường thấy ở đồng bằng sông Hồng và vùng Bắc Trung Bộ. Trước cổng đền có hai trụ đăng đỉnh vuông, trên đầu có búp sen. Qua chín bậc tam cấp, ta đến sân đền. Giữa sân cạnh chánh điện đền có một lư đỉnh khói hương nghi ngút.

Chúng tôi mang lễ vật, nhang đèn vào đền cúng viếng. Mâm cỗ bày xong, mọi người đứng trang nghiêm lắng nghe người chủ lễ là tổ trưởng tổ chăm sóc đền thờ đọc điếu văn tưởng niệm các liệt sĩ. Trong không khí im ắng đầy trang nghiêm, nghe lời điếu văn trầm cảm, hùng hồn, mọi người như thấy một thời quá khứ hào hùng, oanh liệt hiển hiện về với anh linh của các anh hùng liệt sĩ như còn phảng phất đâu đây trong gió núi mây ngàn…Bên cạnh bàn thờ có treo hai câu đối:

Sử đỏ nghìn năm lưu danh thơm anh hùng đất Việt
Bia vàng vạn thuở tạc kỳ tích liệt sĩ 
                                        Trường Sơn

Phía trên bệ thờ treo bằng chứng nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tám liệt sĩ thanh niên xung phong thuộc Đại đội 217, Đội Thanh niên xung phong 25, Ban Xây dựng 67, Đoàn 559, hy sinh ngày 14-11-1972, tại Km16+200, đường 20 Quyết Thắng. Bên phải bàn thờ có treo bài phú "Đây đường 20 quyết thắng" của Giáo sư Vũ Khiêu viết cho đền thờ hang Tám Cô vào năm 2006. Có hai câu đề rất ấn tượng:

Vươn cao muôn trượng bóng anh hùng
Tỏa sáng mười phương gương dũng liệt".

Làm lễ xong, chúng tôi ra trước sân, cạnh cây "Rao Ráng" (nơi treo kẻng báo động của TNXP) và nghe cán bộ khu di tích kể chuyện về sự tích bi tráng, cảm động của hang Tám Cô:

… Cách nay hơn 40 năm, một buổi chiều ngày 14-11-1972, máy bay B.52 ném bom rải thảm tuyến đường 20 từ km 16. Đội thanh niên xung phong đang làm việc ở hiện trường vội vã chạy vào hang đá bên đường núp bom. Khẩu đội pháo phòng không lập tức nhả đạn chiến đấu. Cung đường qua Km 16 bị bom cày nát, một loạt bom đã làm năm chiến sĩ pháo binh hy sinh ngay gần cửa hang. Tiếp liền sau đó là một tiếng đổ ầm kinh động, khủng khiếp vang lên. Phiến đá lớn ở vòm cửa hang nặng hàng trăm tấn bị sập đổ, cắm, găm sâu xuống lòng đất, bịt chặt kín miệng hang.

Trận bom vừa dứt, người ta nghe thấy tiếng kêu cứu của các TNXP trong hang đá. Mọi người tập trung trước hang để tìm cách phá cửa hang. Những chiếc máy ủi gom lại choàng xích vào tảng đá để kéo nó ra, nhưng tảng đá vẫn không mảy may nhúc nhích! Có đề nghị đánh thuốc nổ phá cửa hang nhưng lại sợ sức ép làm chết mọi người trong hang. Cuối cùng người ta phải luồn ống tuy- ô (ống thủy lực mềm) qua kẽ đá, rồi nấu cháo nghiền nhuyễn, rót qua đường ống để tiếp tế cho các chiến sĩ trong hang hòng cầm cự, kéo dài sự sống. Nhưng tất cả những cố gắng đều thất bại. Chỉ cách nhau không xa, bên ngoài nghe tiếng gọi chơi vơi của đồng đội nhưng cũng đành chịu bó tay, đau đớn, xót xa nhìn từng người chết dần…Sang đến ngày thứ 9 thì không còn ai nghe thấy tiếng gọi của những người trong hang nữa. Sau này, có nhiều người kể rằng đến ngày 23-11, tiếng kêu cuối cùng mà mọi người nghe được là tiếng gọi thảng thốt "Bầm ơi! cứu con với" của một cô gái. Hang đá từ đó trở thành nấm mộ chung cho tám chiến sĩ thanh niên xung phong. Đằng đẵng suốt gần một phần tư thế kỷ. Năm 1996, tỉnh Quảng Bình cho lực lượng công binh lên phá cửa hang Tám Cô để tìm thi hài liệt sĩ. Sau 59 ngày đêm khoan, cưa phá đá, đánh mìn, cửa hang Tám Cô đã được mở.

Lê Hữu Duật, cán bộ khu di tích hang Tám Cô giải thích cho khách nghe vì sao gọi là hang Tám Cô trong khi tám liệt sĩ hy sinh trong ấy lại là bốn nữ và bốn nam?- Có một số ngươi nói rằng sở dĩ có tên hang Tám Cô, do trước đây bộ đội đi ngang thường gặp "tám" cô gái xung phong hay trú ẩn ở hang nầy. Ngày 14-11-1972, trong khi đang san lấp hố bom, chuẩn bị thông xe thì máy bay Mỹ ập đến đánh phá, tám thanh niên xung phong gồm bốn nữ và bốn nam, chạy vào ẩn nấp trong một hang đá. Có một giả thiết khá thuyết phục cho rằng, phút cuối, người ta nghe được tiếng kêu xé lòng, đắng đót cả ruột gan: "Bầm ơi" (mẹ ơi!) giọng con gái, do đó đoán trong hang là tám cô gái TNXP, bởi lẽ chiến sĩ ta hầu như không ở chung, lẫn lộn giữa nam và nữ! Và thường thì trong lực lượng TNXP các nữ thanh niên chiếm đa số! Do đó, khi nói tới TNXP người ta hay liên tưởng ngay đến các "cô" gái. Tên gọi hang Tám Cô có lẽ có xuất xứ từ những giả thiết trên!

Chúng tôi theo người hướng dẫn trực tiếp vào hang quan sát và thắp hương. Trước cửa hang có bia ghi tên những người đã hy sinh trong hang và trên đường 20, gồm tám chiến sĩ thanh niên xung phong bị bom lấp và năm chiến sĩ pháo binh hy sinh trong buổi chiều định mệnh, nghiệt ngã ấy.

***

Hang Tám Cô hiện nay có chiều rộng khoảng 6m, sâu dài chừng 8m. Người ta đã chặn một phần hang bằng một sàn gỗ ngay bệ thờ để làm mặt bằng cho hang do phần dưới hang là một ngách hẹp không thuận tiện cho việc tham quan, cúng viếng. Tôi ngước nhìn lên vòm hang: Vòm hang xưa kia là một phiến đá khổng lồ gie ra như một mái che tự nhiên. Phần lớn phiến đá nầy bị gãy ngang, cụp xuống, cắm sâu vào lòng đất trước cửa hang, sau đó đổ ngược vào phía miệng hang và lấp chặt kín nó lại! Trận bom chiều ngày 14-11-1972 đã biến hang Tám Cô thành nơi yên nghỉ vĩnh hằng của những người anh hùng TNXP dũng cảm, như hàng vạn anh hùng liệt sĩ của đất nước. Họ nằm xuống cho quê hương mãi bất tử, tổ quốc muôn đời bất khuất, vinh quang… "Tám Cô" ấy có danh tánh là: Trần Thị Tơ, Lê Thị Mai, Đỗ Thị Loan, Lê Thị Lương và Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Mậu Kỷ, Hoàng Văn Vụ. Tất cả có tuổi từ 19-20 đều cùng quê Hoằng Hóa (Thanh Hóa), nhập ngũ cùng một ngày (5-4-1971).

Tôi đứng trong lòng hang Tám Cô, lòng bồi hồi bao cảm xúc! Chiến tranh đã qua đi. Những bạn bè trang lứa của các anh, các cô ngày ấy, nếu còn sống thì nay cũng đã già, nhiều người có con đàn cháu đống, nhiều kẻ giàu sang, hạnh phúc, và cũng không ít người bất hạnh, lận đận mưu sinh. Có lẽ ai cũng tự hào vì mình đã có một quãng đời, tuổi thanh xuân sống đầy ý nghĩa trong dòng chảy vĩ đại của dân tộc và lịch sử. Dù cho không gian có là bất tận, thời gian có là vô cùng, đến một ngàn năm sau và mai sau nữa… "tám cô" vẫn "mãi mãi vẫn là tuổi hai mươi" trong sáng, đẹp vô ngần!

Đặng Hoàng Thám


* :  Bài viết có tham khảo tư liệu của đền thờ hang Tám Cô thuộc Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình (2013).

Chia sẻ bài viết