20/03/2010 - 09:50

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Hạn, xâm nhập mặn đang vào cao điểm

Ngoại trừ TP Cần Thơ ảnh hưởng nhưng không lớn, 12 tỉnh còn lại trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều đang phải dồn sức đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng gay gắt. Theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, đỉnh điểm của hạn, xâm nhập mặn tại ĐBSCL rơi vào tháng 4, tháng 5-2010. Đây cũng là thời điểm nông dân xuống giống lúa hè thu chính vụ và vụ nuôi tôm sú chính vụ 2010. Các địa phương trong vùng đang đẩy mạnh nạo vét, duy tu các công trình thủy lợi chống hạn, xâm nhập mặn, nhưng thiệt hại do hạn, nước mặn năm nay được dự báo là gay gắt hơn mọi năm.

Thừa mặn, thiếu ngọt

Các nhà khoa học, chuyên gia cho rằng, tình trạng hạn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang diễn ra bất thường và khó kiểm soát. Đây là hệ lụy của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ, nói: “Hiện nay, kiểm soát hạn, mặn rất khó và tốn kinh phí lớn. Song, nếu chúng ta không có giải pháp ứng phó và thích nghi ngay từ bây giờ, hạn, xâm nhập mặn sẽ tiến sâu vào nội đồng, làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Tương lai, ĐBSCL khó đảm nhiệm vai trò an ninh lương thực quốc gia, đời sống của người dân cũng bị ảnh hưởng”. Cũng theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, lượng mưa tại ĐBSCL giảm so với vài năm trước rất nhiều, mực nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng (2- 3m), tình trạng nước biển dâng làm mặn lấn sâu vào nội đồng. Trong khi đó, nước ngọt ngày càng cạn kiệt, các công trình thủy lợi nội đồng chưa được đầu tư bài bản, đồng bộ và nhiều công trình đã phát huy tác dụng ngược, đất bị nhiễm mặn không thể nuôi tôm, hay trồng lúa. Có nơi, người dân phải đi “mót nước”, tại vùng sông nước nhưng đang thiếu nước ngọt trầm trọng.

Khẩn trương thi công công trình thủy lợi tại Sóc Trăng để ứng phó với hạn, xâm nhập mặn. Ảnh: X. TRƯỜNG 

Theo Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ, từ tháng 10- 2009 đến tháng 2- 2010, lượng mưa ở khu vực Nam bộ đã thiếu hụt từ 30-60%. Trong khi đó, số giờ nắng lại tăng, độ ẩm giảm đã làm cho nền nhiệt độ tăng cao. Chỉ mới tháng 3, mực nước trên sông Mê Công đã thấp chưa từng thấy và còn sụt giảm suốt mùa khô này. Ngay tỉnh đầu nguồn như Đồng Tháp, mực nước trên các sông, kênh nội đồng cũng đang thấp hơn 0,15- 0,2m so cùng kỳ nhiều năm. Riêng 8 tỉnh ven biển, nước ngọt trên tuyến kênh nội đồng hiện gần như cạn kiệt, do các cống bị đóng lại để ngăn mặn, gây thiếu nước tưới cho cây trồng và sinh hoạt của người dân. Nhiều vùng, người dân phải mua nước sinh hoạt vào mùa khô có thời điểm nắng hạn gay gắt giá nước lên tới 60.000 đồng/m3, có nơi phải đi lấy nước xa nhà trên chục cây số.

Hiện xâm nhập mặn đã lấn sâu vào nội đồng 50- 70km. Khu vực biển Tây, xâm nhập mặn cũng đến sớm và gay gắt không kém. Theo Cục Thủy lợi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn qua các cửa sông lớn vào sâu nội địa 40- 60km với độ mặn đo được từ 2%0 đến 7%o và có khả năng lấn sâu tới 70km vào cuối tháng 4-2010. Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Toàn vùng ĐBSCL trên 100.000 ha lúa đông xuân thiệt hại nặng bởi xâm nhập mặn trong tổng số 620.000 ha bị ảnh hưởng của các tỉnh ven biển. Trong khi đó, cuối tháng 3-2010, mặn đạt đỉnh ở các tỉnh ven biển sẽ tác động đến 120.000 ha lúa xuân hè, gây thiếu nước tưới trầm trọng. Đồng thời, diện tích lúa hè thu chính vụ cũng đứng trước nguy cơ thiếu nước cao”. Vụ hè thu 2010, toàn vùng sẽ xuống giống khoảng 1,62 triệu ha lúa hè thu. Theo báo cáo của các tỉnh, thành trong vùng, khoảng 550.000ha lúa hè thu cần được hỗ trợ bơm tưới ngay đầu vụ (từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 6); tập trung nhiều nhất ở Kiên Giang 120.000 ha, Long An 50.000 ha, Sóc Trăng 40.000 ha... Tổng kinh phí hỗ trợ bơm tưới trong tháng 4 cho diện tích hè thu ước khoảng 220 tỉ đồng.

Đến nay, các tỉnh ĐBSCL đã triển khai công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn. Thời điểm này, thiệt hại tuy chưa nhiều, nhưng các ngành chức năng dự báo, thời gian tới nguy cơ bị ảnh hưởng và thiệt hại sẽ gia tăng.

Đảm bảo nước sản xuất và sinh hoạt: khó!

Tình trạng hạn, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt ở nhiều địa phương. Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo các địa phương cần tiến hành gia cố đê bao, tu sửa cống đập và hiệp thương điều tiết nước giữa những địa phương giáp ranh với nhau. Song song đó, mở cống điều tiết nước ngọt để pha loãng độ mặn trên các kênh rạch và trữ nước ngọt trong các ao hồ gần nơi nhiễm mặn. Theo tiến sĩ Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt, thời gian tới, các tỉnh cần thay đổi cơ cấu giống lúa có tính chống chịu mặn, phèn; đồng thời, bố trí lịch thời vụ né hạn, mặn. Việc tìm giống chống chịu hạn, mặn cao trong điều kiện biến đổi khí hậu, cần có thời gian nghiên cứu với sự tham gia tích cực của các nhà khoa học ở các viện, trường.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học, kiêm Tổ trưởng điều hành công tác phòng, chống hạn phân tích: “Hiện nay, hạn, mặn tác động trực tiếp trên diện tích lúa xuân hè của các tỉnh ven biển và chỉ cần mặn lấn sâu thêm 10km nữa là không thể cứu lúa. Còn 2 tháng nữa mới đến mùa mưa, do vậy cần tính toán cụ thể các vùng có thể trữ nước, phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt người dân”. Hiện tại, các tỉnh ven biển, vùng bị nhiễm mặn có khoảng 30-40% dân cư thiếu nước sinh hoạt. Do vậy, việc tính toán giải pháp khả thi để đảm bảo nguồn nước phục vụ nhu cầu của người dân cần sự phối hợp của các cơ quan trực thuộc Bộ NN&PTNT và địa phương ngay từ bây giờ. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, từng địa phương cần lên kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng vật tư, nhân lực và nguồn tài chính để hỗ trợ nhân dân. Khẩn trương xây dựng đập tạm giúp dân trữ nước ngọt và ngăn chặn xâm nhập mặn sâu hơn. Những nơi làm vụ xuân hè phải có đánh giá kỹ, nếu đảm bảo có nguồn nước mới để dân làm, ngược lại thì kiên quyết không cho. Trong các nỗ lực phòng chống hạn mặn, các địa phương giáp ranh với nhau cần có sự phối hợp đồng bộ để tránh ảnh hưởng lẫn nhau.

Việc chống chọi, hay thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề đang được đặt lên bàn cân của các cơ quan chuyên môn, các nhà quản lý. Trước mắt, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân thay đổi tập quán sản xuất, cơ cấu lại mùa vụ một cách hợp lý. Trong đó, mô hình lúa- tôm, lúa- cá ở các tỉnh ven biển được xem là thân thiện với môi trường, nhưng hạn, xâm nhập mặn đã làm thay đổi chất lượng nguồn nước, dòng chảy đang tác động trực tiếp đến mô hình này. Các nhà khoa học, chuyên gia cho rằng, phải tính toán lại để có hướng điều chỉnh mô hình cụ thể, giúp người dân ổn định thu nhập. Nếu diện tích sản xuất, đất đai thu hẹp, người dân vùng nông thôn có xu hướng chuyển lên đô thị sinh sống, tìm việc và sẽ tạo áp lực lớn trong việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội, việc làm cho người dân là điều không tránh khỏi.

GIA BẢO- XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết