09/04/2008 - 21:57

Hàn Quốc hiện thực hóa giấc mơ chinh phụ vũ trụ

Tối 8-4 vừa qua, người dân xứ kim chi đã nức lòng khi chứng kiến qua truyền hình thời khắc tàu Soyuz TMA-12 của Nga vụt khỏi sân bay vũ trụ Baikonour của Kazakhstan mang theo nhà du hành đầu tiên của nước này, cùng 2 phi hành gia Nga, thẳng tiến vào không gian.

 Tàu Soyuz rời bệ phóng ở sân bay Baikonour. Ảnh: Reuters

Khoảng 10 phút sau khi Soyuz rời bệ phóng, phi trường Baikonour thông báo tàu đã bay vào quỹ đạo cách mặt đất 240 km, hay nói cách khác vụ phóng đã thành công. Sự kiện lịch sử này là bước ngoặt trong lịch sử thám hiểm không gian của Hàn Quốc, đưa nước này trở thành quốc gia thứ 9 ở châu Á và thứ 37 trên thế giới có người vào vũ trụ. Trong khi đó, Tiến sĩ Yi So-yeon trở thành nữ phi hành gia thứ hai ở châu Á (sau một đồng nghiệp Nhật) và thứ 49 trên thế giới bay vào không gian.

“Vụ phóng này là bước đi đầu tiên của Hàn Quốc trong mục tiêu lọt vào tốp 7 cường quốc vũ trụ trong vòng 10 năm tới, đồng thời sẽ giúp Hàn Quốc phóng tàu vũ trụ mang vệ tinh do chính mình chế tạo vào năm 2020”, Tổng thống Lee Myung-bak nhấn mạnh như vậy khi cùng hàng ngàn người dân Seoul xem truyền hình trực tiếp quá trình phóng tàu Soyuz.

 Nữ phi hành gia Yi So-yeon dự kiến sẽ quay về Trái đất vào ngày 19-4 tới. Ảnh: Xinhua

Hiện nay, với sự trợ giúp kỹ thuật của Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga, Hàn Quốc đang xây dựng trung tâm vũ trụ Naro tại tỉnh Nam Jeolla, dự kiến sẽ được khánh thành vào tháng 9 tới. Tiếp đó, tên lửa KSLV-1 do Hàn Quốc chế tạo sẽ phóng lên không gian một vệ tinh nặng 100 kg. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ 9 trên thế giới phóng tên lửa tự tạo ngay trên nước mình vào cuối năm nay.

Dự kiến khoảng 10 giờ tối ngày 10-4 khi tàu Soyuz ráp nối an toàn với Trạm Không gian quốc tế (ISS) ở độ cao 350 km so với mặt đất, Yi So-yeon sẽ bắt tay thực hiện 18 cuộc thử nghiệm khoa học trong điều kiện phi trọng lực. Tháp tùng cùng cô trong chuyến đi lịch sử này là đàn ruồi giấm gồm 1.000 con. Trong khoảng 1 tuần lưu lại trên ISS, Yi sẽ theo dõi đời sống của những sinh vật bé tí này cũng như tác động của môi trường không trọng lực đối với hoạt động của chúng, vốn được cho có thể gây đột biến gien. Các nhà khoa học cho rằng cuộc sống 7 ngày trên ISS của ruồi giấm tương đương 10 năm sống trong môi trường không trọng lực của người.

Các thử nghiệm khác bao gồm nghiên cứu quá trình nảy mầm, phát triển và đột biến của thực vật trong vũ trụ, ảnh hưởng của môi trường không gian đối với hệ tim mạch, nhãn áp và hình dạng gương mặt của Yi. Ngoài ra, tiến sĩ sinh học 29 tuổi này cũng sẽ theo dõi quá trình bão cát hình thành và di chuyển từ Trung Quốc sang Hàn Quốc. Một trong những sứ mệnh quan trọng của cô là tìm giải pháp hạn chế tiếng ồn trong ISS. (Để phòng ngừa hỏa hoạn, ISS được xây dựng bằng vật liệu cách điện nhưng không cách âm, vì thế phi hành đoàn luôn phải hứng chịu tiếng ồn và rung động dữ dội từ dàn máy trên ISS). Toàn bộ các thử nghiệm của Yi đều được ghi hình và sẽ được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy cho học sinh – sinh viên Hàn Quốc.

VIỆT QUỐC (Theo Korea Times, BBC, AP, Dong A)

Chia sẻ bài viết