26/11/2018 - 19:59

Hạn chế ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa 

Ngày nay, sử dụng túi nylon, hộp xốp, ly nhựa, ống hút… đã trở thành thói quen trong sinh hoạt hằng ngày của người dân. Có nhiều sản phẩm sử dụng một lần rồi thải ra môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe con người. Tình trạng này càng thêm nguy hiểm hơn nếu rác thải nhựa, túi nylon không được ngăn chặn, hạn chế vứt, thải ra môi trường…

TÁC HẠI CỦA RÁC THẢI NHỰA

Túi nylon là vật dụng quen thuộc, không thể thiếu trong hầu hết các gia đình. Từ đựng đồ, đi chợ mua rau, mua thịt, cho tới đựng rác... cũng được người dân sử dụng. Bởi, các sản phẩm này có nhiều ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp. Tuy nhiên, trong đó có nhiều sản phẩm sử dụng một lần rồi thải ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Các nhà khoa học cho rằng túi nylon làm từ những chất khó phân hủy, khi thải ra môi trường phải mất hàng trăm năm đến hàng nghìn năm mới bị phân hủy hoàn toàn. Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, bởi túi nylon lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxi đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng; đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nylon, sản phẩm nhựa sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người…

Phần lớn rác thải nhựa, túi nylon được thu gom, đốt tại các lò đốt rác trên địa bàn TP Cần Thơ.

Theo thống kê, mỗi ngày Việt Nam thải ra 18.000 tấn chất thải nhựa và túi nylon; hằng năm 1,8 tỉ tấn chất thải nhựa và túi nylon thải ra biển và Việt Nam đứng thứ 17 trên tổng số 109 quốc gia thải nhiều chất thải nhựa nhất thế giới. Riêng, ở TP Cần Thơ hằng ngày thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt khoảng 690 tấn, trong đó rác thải nhựa, túi nylon chiếm từ 7 đến 10%. Điều này khiến giải pháp xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Bởi, rác thải nhựa, túi nylon phải mất thời gian phân hủy lâu, chi phí xử lý tốn kém. Quan trọng hơn là khả năng tái sử dụng lại bãi chôn lấp bị kéo dài trong khi thành phố đang rất thiếu quỹ đất dành cho xử lý chất thải. Mặt khác, nếu xử lý túi nylon bằng phương pháp đốt cũng không ổn vì túi nylon chứa 2 chất PE và PP, khi đốt sẽ tạo thành khí cacbonnic, mê tan và khí dioxin cực độc.

Bà Cao Thị Minh Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP Cần Thơ, cho biết: “Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi nylon, hộp đựng đồ ăn, cốc nhựa…) cùng với các chất gây ô nhiễm khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người. Chất thải nhựa trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội. Lượng rác thải nhựa, túi nylon phần lớn do thói quen sử dụng trong sinh hoạt của người dân và thải ra môi trường. Nếu chúng ta không cải thiện được thói quen tiêu dùng thì mọi gánh nặng về việc sử dụng túi nylon sẽ đổ dồn lên hoạt động thu gom và xử lý chất thải cho đơn vị chức năng...”.

NHIỀU GIẢI PHÁP XỬ LÝ

Thời gian qua, không chỉ trong sinh hoạt mà trong sản xuất cũng thải ra nhiều chất thải nhựa, gây ô nhiễm môi trường. Theo Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh - Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật TP Cần Thơ, hiện nay sản xuất nông nghiệp cũng sử dụng các sản phẩm từ nhựa, như: nhựa làm bầu cây ăn trái, bao bảo vệ trái, màng phủ nông nghiệp, che sáng, giàn leo, bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Tuy nhiên, nếu không quản lý, xử lý tốt sẽ có nhiều tác hại đối với đất, tích nhiệt lượng trong đất và là nơi tồn trú của côn trùng, nấm bệnh, cản trở rễ cây phát triển... Đối với bao bì thuốc bảo vệ thực vật gây độc nguồn nước, tiêu diệt các sinh vật tự nhiên, thủy sản…

Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh đưa ra giải pháp: “Để hạn chế tác hại từ nhựa đối với môi trường đất, nước, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để nông dân giảm dần sử dụng chất thải nhựa không phân hủy; cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định về hạn chế sử dụng nhựa trong bao bì nông nghiệp; thay thế các đồ nhựa bằng các vật dụng sinh học hay tái sử dụng được như sử dụng lưới, bao bố, bầu cây bằng lá chuối, dùng rơm rạ để phủ đất; sậy, tre làm giàn trồng cây; quy định công ty sản xuất công cụ, bao bì nhựa có trách nhiệm thu hồi tái sử dụng rác nhựa… Từ đó lượng rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp sẽ được hạn chế”.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ cũng đưa ra kế hoạch tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố cắt giảm sử dụng nhựa, giảm thiểu đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và nylon; tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi nylon, sử dụng các sản phẩm nhựa có khả năng tái chế, sử dụng… Đồng thời, thành phố cũng tăng cường các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa vào môi trường tự nhiên.

Siêu thị Co.opmart Cần Thơ cũng đã sử dụng túi bao bì tự hủy, túi môi trường canvas và túi xanh môi trường để bao gói hàng hóa cho khách hàng. Đây là sản phẩm có khả năng tái sử dụng nhiều lần và việc sử dụng túi bao bì tự hủy, túi môi trường canvas và túi xanh môi trường sẽ góp phần giảm phát thải bao bì nhựa vào môi trường. Thời gian tới, Siêu thị Co.opmart cũng yêu cầu các đối tác cung cấp hàng hóa giảm thiểu tối đa sử dụng bao bì nhựa trong đóng gói sản phẩm.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Rác thải nhựa và nylon đang gây ô nhiễm môi trường đất, nước. Do đó, để hạn chế được loại chất thải này cần phải có cơ chế chính sách quản lý nhà nước; đồng thời các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm dần rác thải nhựa, túi nylon khó phân hủy, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường (túi bao bì giấy tự hủy), thu gom - tái chế rác thải nhựa khó phân hủy; sử dụng vật liệu đóng gói, gói quà sản phẩm bằng giấy... Đặc biệt, các cấp, các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, giáo dục để người dân thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng túi nylon, giảm ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa thời gian tới”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết