05/02/2023 - 13:44

Hài kịch truyền hình đã qua thời hoàng kim?

DUY KHÔI

Câu chuyện chương trình “Gặp nhau cuối năm” (“Táo Quân” 2023, phát trên sóng VTV đêm Giao thừa) bị người khen, kẻ chê vừa qua cũng là dịp để những người làm chương trình hài kịch truyền hình tự ngẫm. Một chương trình có tuổi đời 20 năm, có sự tham gia của một ê-kíp hùng hậu, giỏi nghề... nhưng công bằng mà nói vẫn không thể duy trì sức hút như “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Chương trình năm nay có sự đầu tư công phu cả về ý tưởng, đạo cụ lẫn nội dung, câu thoại, nhưng chưa đủ để khiến khán giả cười - những nụ cười sảng khoái mà thâm thúy về các vấn đề xã hội.

Nhiều TikToker là thí sinh của “Cười xuyên Việt” năm nay. Ảnh: phongcachtreonline.net

Câu chuyện của “Táo Quân” cũng là chuyện chung của hài kịch truyền hình hiện nay. Thử điểm qua “Táo Quân” của các đài truyền hình khác trong cả nước, dường như rất ít, thậm chí không có, dấu ấn nào được nhắc đến trong những ngày Tết vừa qua.

Một ví dụ khác là chương trình truyền hình “Cười xuyên Việt” trên sóng Ðài PT&TH Vĩnh Long. Qua những mùa rất thành công, thu hút lượng khán giả theo dõi rất lớn và góp phần làm nên tên tuổi của những nghệ sĩ trẻ như Lê Dương Bảo Lâm, Mạc Văn Khoa, Dương Thanh Vàng, Minh Dự... thì mùa giải “Cười xuyên Việt” đang phát sóng có vẻ khá yên ắng. Những TikToker, YouTuber... được chọn thi diễn nhưng chưa đủ sức để gây “cười xuyên Việt”. Dù giám khảo đã rất cố gắng khuấy đảo tình huống, các huấn luyện viên cũng nỗ lực “diễn tiếp” thí sinh bằng việc làm trò, gây cười, hoặc... tự cười, nhưng không thể cứu vãn. Những tập phát sóng đã qua, nếu đem so sánh với những mùa giải đầu, quả là có khoảng cách không nhỏ.

Cũng trên sóng Ðài PT&TH Vĩnh Long, trước đây đơn vị này rất mặn mà và thành công với hài kịch truyền hình. Những chương trình như “Làng hài mở hội”, “Cười xuyên Việt”, “Danh hài đất Việt”... là những ví dụ. Thậm chí, do sức hút của hài kịch truyền hình mà ngay cả các cuộc thi hát, nhà đài cũng kết hợp hài kịch, như “Kịch cùng Bolero”, để thu hút khán giả.

Nhắc lại để thấy, hài kịch truyền hình dường như đã qua thời hoàng kim, không còn là bữa tiệc lạ miệng với khán giả. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là sự xuất hiện của rất nhiều thể loại phim chiếu mạng, hài kịch chiếu mạng... khiến khán giả có nhiều sự lựa chọn hơn. Kế đến, mạng xã hội phát triển, các vấn đề xã hội được thông tin rất nhanh nên việc các vở hài kịch truyền hình “đi sau” sẽ không dễ để chọc cười khán giả, nếu kỹ năng diễn xuất, kịch bản chưa tốt thì sẽ thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Một nguyên nhân nữa là do thiếu hụt nguồn nhân lực nghệ sĩ hài kịch. Ðể gỡ rối, các nhà sản xuất tìm kiếm những người được biết đến nhiều qua các mạng xã hội để đưa lên sân khấu. Nhưng dường như họ quên, không gian mạng và không gian sân khấu rất khác nhau. Trở thành nghệ sĩ đâu phải dễ!

Xu hướng thưởng thức nghệ thuật thay đổi, cách làm nghệ thuật cũng phải thay đổi theo. Ðó cũng là bài toán cần giải đối với những người làm hài kịch truyền hình.

Chia sẻ bài viết