“Hai di tích một bên sườn núi
Mặt trời chiếu qua mỗi buổi như nhau
Một ăn mặn và một ăn chay
Cũng đều vì đất chết cho đất
Một danh tướng với một nhà sư
Ai thoát trần ai còn lụy tục”.
Đó là những vần thơ của nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang Hồ Thanh Điền viết về hai di tích gắn liền với hai danh nhân đã có công lớn trong quá trình xây dựng và phát triển vùng đất biên thùy An Giang. Đó là Lăng Thoại Ngọc Hầu và mộ Đức Phật Thầy Tây An, cùng nằm bên sườn núi Sam, TP Châu Đốc.
Chùa Tây An.
Từ trung tâm thành phố đi theo đường Tân Lộ Kiều Lương vào đến núi Sam, sẽ gặp chùa Tây An đồ sộ và cổ kính tọa lạc ngay tại ngã ba. Đây là di tích khách phương xa sẽ gặp đầu tiên trong “Hai di tích một bên sườn núi” nói trên. Chùa ban đầu được Tổng đốc Doãn Uẩn cho xây dựng năm 1847, với tên Tây An - mang thông điệp đầy ý nghĩa là ước mong bờ cõi phía Tây của đất nước được yên ổn.
Chùa thuộc chi phái Lâm Tế, dòng đạo Bổn Nguyên, trụ trì đầu tiên là Tổ sư Tiên Giác - Hải Tịnh. Song hòa thượng được thỉnh làm trụ trì trên danh nghĩa chứ không trực tiếp quản lý và hành đạo ở đây, vì lúc này thầy đang trụ trì chùa Giác Lâm ở Gia Định. Năm 1849, Đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên (1807-1856) đến tu tại chùa. Ông là một nhà dinh điền, nhà yêu nước, đặc biệt là người sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương - tôn giáo bản địa đầu tiên ở Nam Kỳ.
Khoảng năm 1847-1849 quanh vùng Hậu Giang xảy ra dịch bệnh, ông đi nhiều nơi trị bệnh cho dân và khuyên mọi người tu hành. Bị triều đình nghi ngờ là “gian đạo sĩ”, nên họ buộc ông đến chùa Tây An xuất gia. Tại đây, ông tiếp tục trị bệnh cho dân và phổ truyền giáo lý của mình, làm ngôi chùa càng thêm nổi tiếng. Người đời tôn xưng ông là Đức Phật Thầy Tây An. Ông viên tịch ngày 12 tháng 8 âm lịch, ngày này hằng năm trở thành lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, thu hút hàng chục ngàn người khắp miền Tây về dự.
Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương dạy tín đồ báo đáp Tứ ân: ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam bảo, ân đồng bào nhơn loại. Tu không coi trọng hình thức, không bày trí hình tượng mà chỉ thờ trần điều (tấm vải đỏ sẫm), cũng không tụng kinh. Tín đồ không xuất gia, vừa làm ăn sinh sống, vừa tạo tác phước điền. Chủ trương của Đức Phật Thầy là không ngồi chờ đắc đạo mà phải làm lụng phục vụ cuộc sống, không “xuất thế” mà “nhập thế”. Do đó ông đã cùng các đệ tử khẩn hoang nhiều nơi, lập nên những mô hình gọi là “trại ruộng” mang chức năng vừa canh tác vừa tu tập, dần dần hình thành làng xóm.
Ngày nay, chùa Tây An là một công trình kiến trúc đạt đến trình độ nghệ thuật điêu luyện. Chùa được trùng tu nhiều lần qua các đời trụ trì, nhưng diện mạo như hôm nay là có từ lần đại trùng tu năm 1958 do hòa thượng Thích Bửu Thọ công đức. Với dáng dấp kiến trúc Ấn - Hồi, chùa nằm trên nền cao thoáng rộng, tựa lưng vào núi Sam vững chãi phía sau. Trước chánh điện có ba cổ lầu, ngôi giữa nóc tròn và đỉnh nhọn như các tháp Ấn Độ, có tượng Phật đứng bên trong, hai bên là lầu chuông và lầu trống. Nhìn chung, nội - ngoại thất chùa Tây An được tạo tác công phu và tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ, làm nên sự hài hòa mà cũng rất sáng tạo và khác biệt.
Lăng Thoại Ngọc Hầu.
Đặc biệt, chùa Tây An là một trong những ngôi chùa có nhiều tượng nhất An Giang, với khoảng 200 pho tượng. Đa số các tượng được làm bằng gỗ, chạm trổ sắc nét, đậm triết lý Phật giáo. Bước vào chánh điện chùa Tây An là bước vào một không gian cổ xưa trầm mặc. Quanh chánh điện, những bức tượng đầy màu sắc được điêu khắc sinh động nằm xen lẫn giữa những hoành phi liễn đối được thếp vàng, tạo nên không khí u tịch. Phía sau chùa ngày nay vẫn còn ngôi mộ đơn sơ của Đức Phật Thầy Tây An, mộ để đất bằng chứ không đắp nấm - theo như lời dặn của ông.
Cách chùa Tây An không xa, một di tích khác cùng “một bên sườn núi” là Lăng Thoại Ngọc Hầu. Lăng nằm trên nền cao tựa lưng vào núi Sam, là nơi an nghỉ của Trấn thủ Vĩnh Thanh Thoại Ngọc Hầu và nhị vị phu nhân. Lăng còn được gọi là Sơn Lăng hoặc Lăng Quan lớn Bảo hộ, Lăng Bảo hộ Thoại hay đơn giản là Lăng Ông. Dân gian có câu ca dao: “Đi ngang qua cảnh núi Sam/ Thấy Lăng Ông Lớn hai hàng lụy rơi/ Ông ngồi vì nước vì đời/ Hy sinh tài sản không rời nước non”.
Thống chế Thoại Ngọc Hầu (1761-1829) là bậc công thần của triều Nguyễn, người đặt nền móng trong việc hình thành và xây dựng đất An Giang. Ông tên thật là Nguyễn Văn Thoại, quê ở Quảng Nam, theo mẹ chạy loạn về cù lao Dài (Vĩnh Long). Năm 16 tuổi, ông đầu quân với Chúa Nguyễn Ánh, sau đó lập nhiều công lớn. Sau nhiều nhiệm vụ khác nhau, ông được giao Trấn thủ Vĩnh Thanh. Trong thời gian ở Vĩnh Thanh, ông đã thực hiện các công trình đào kinh, đắp đường, góp phần phát triển miền biên viễn.
Năm 1818, ông chỉ huy đào kinh Thoại Hà dài 30km nối Long Xuyên - Rạch Giá. Sau đó, ông tiếp tục chỉ huy đào kinh Vĩnh Tế từ năm 1819 đến 1824, nối Châu Đốc - Hà Tiên, dài 90km. Ghi nhận những công lao đó, triều Nguyễn lấy tên ông và vợ để đặt cho hai dòng kinh và hai ngọn núi là Thoại Sơn (núi Sập) và Thoại Hà, Vĩnh Tế sơn (núi Sam) và Vĩnh Tế hà. Ngoài ra, năm 1826-1827, ông cho đắp đường Tân Lộ Kiều Lương dài 5km nối từ thành Châu Đốc đến núi Sam. Ông cũng cho lập nhiều làng xóm dưới chân núi Sam, núi Sập và ở cù lao Dài, phát triển sản xuất, thúc đẩy giao thương…
Lăng Thoại Ngọc Hầu là công trình kiến trúc cổ kính, với tổng thể hài hòa từ cổng vào đến bình phong, khu mộ, đền thờ, cây cảnh… mang phong cách lăng tẩm triều Nguyễn. Muốn lên đến lăng, phải bước qua chín bậc thang đá ong. Toàn bộ khu lăng được xây bằng hồ ô dước, bao bọc bởi bức tường dày và cao, bền chắc. Cổng vào lăng có hình bán nguyệt đồ sộ.
Trong khu chính có ba ngôi mộ xây bằng hồ ô dước. Ngôi mộ ở giữa là của Thoại Ngọc Hầu, bên phải của chánh thất Châu Thị Tế, bên trái nhỏ hơn là của thứ thất Trương Thị Miệt. Mỗi ngôi mộ có kiến trúc mang dáng dấp đền miếu, trước mộ có bức bình phong dày dặn che chắn. Phía sau khu mộ là đền thờ Thoại Ngọc Hầu nhỏ gọn, đậm nét truyền thống. Trong đền bày trí trang nhã, tôn nghiêm, với điểm nhấn là tượng bán thân Thoại Ngọc Hầu.
Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại và Đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên là bậc danh nhân đã có công lao to lớn với miền viễn Tây của Tổ quốc. Như lời nhà thơ Hồ Thanh Điền đã viết, hai con người ấy “cũng đều vì đất chết cho đất” mặc dù vị thế của họ khác nhau “một danh tướng với một nhà sư”. Di tích gắn liền với hai vị danh nhân mãi mãi là nơi người dân đời sau dành sự tưởng nhớ và thành kính tri ân.
Bài, ảnh: VĨNH THÔNG