Đã mấy mươi mùa xuân rồi mà sao mỗi lần nhìn trẻ nhỏ lặt lá mai, Lan vẫn nhớ Tết, nhớ quê, nhớ đến day dứt, bần thần không sao chịu nổi. Trong ký ức của Lan, Tết năm đó, hai chị em ra sau vườn cặm cụi lặt lá mai với hy vọng Tết đến sẽ kiếm được ít tiền mua cho mình cây kẹp tóc và cho Tí vài món đồ chơi, ai ngờ mai nở sớm nên không bán được.
Nhà Lan nghèo lắm. Năm lên 10, Lan thấy bạn bè ai cũng có cây kẹp tóc đồi mồi rất xinh. Lan thích đến nỗi có đêm nằm mơ thấy được tặng món quà bé nhỏ đó. Lan mừng quá chạy về khoe với mẹ nhưng giữa đường vấp té, giật mình thức giấc khiến Lan bàng hoàng tiếc nuối. Chiều 30 Tết năm đó, nhân lúc ba uống rượu say mèm, Lan đã lấy của ba 30.000 đồng. Khi tỉnh rượu, ba của Lan gọi hai chị em đến tra hỏi, vừa quát vừa dùng roi tre quất tới tấp. Lan sợ điếng nhưng không dám hé răng. Mẹ Lan càng van xin, ông càng giận nên bà đành nhìn con mà ứa nước mắt.
Mỗi lần tiếng roi tre chạm vào da thịt, hai đứa nhỏ lại cong giò lên, nước mắt tuôn như mưa. Lan kêu "Ba ơi tha cho em con. Thằng Tí không có lấy. Con lấy, con xin chịu tội ba ơi". Vừa nghe qua, ông liền quất túi bụi vào mình Lan. Nhìn thấy chị bò lăn, Tí nhào tới ôm chặt ba.
- Số tiền đó con lấy chứ không phải chị Lan.
- Lấy để làm gì? Nói nghe coi.
Nghe Tí ú ớ, ông biết Tí nói láo bèn quay sang Lan:
- Nói. Nói mau.
- Dạ con muốn mua cây kẹp tóc đồi mồi. Con xin chừa từ nay không dám nữa.
***
Tối hôm đó, đúng đêm giao thừa, ba Lan lại bỏ đi uống rượu. Mẹ Lan ôm hai chị em mà lòng tức tưởi. Mãi tới khuya ông mới lò dò về nhà, người say túy lúy, tay chân quờ quạng, ngả nghiêng nhưng vẫn còn hậm hực chuyện hồi chiều.
Lan nhớ mẹ suốt ngày tần tảo mua gánh bán bưng, nào lo cho chồng, nào lo cho con, cơm bữa đói bữa no nhưng không có một ngày nào yên ổn bởi cơn nghiện rượu của ba Lan. Hai chị em thương mẹ nên siêng năng học hành, nhịn đói nhịn khát đến trường mà chưa bỏ học một buổi nào. Cả hai đều là học sinh giỏi nên được bạn bè, thầy cô yêu thương.
Khó khăn lắm bà con lối xóm mới giúp ba Lan tìm được việc làm. Ai ngờ mới vào làm phụ hồ chưa tròn tháng lại bị tai nạn giao thông, vừa chở đến phòng cấp cứu ông đã tắt thở. Lan vừa học vừa giúp mẹ nấu xôi, gói bánh. Ngoài ra Lan còn làm giúp những nhà khá giả trong xóm rửa chén, giặt giũ. Tí thì rành nghề mò cua bắt ốc hái rau phụ mẹ và chị.
Tốt nghiệp phổ thông, Lan thi một lần là đậu đại học nhưng nhìn cảnh nhà, nhìn thành tích học tập của Tí, Lan quyết định tạm dừng việc học để tìm việc làm đỡ đần mẹ nuôi em. Lan tâm sự với mẹ: "Con là chị, phải có trách nhiệm với em. Lo cho em học xong, con lại đi học. Bây giờ có nhiều cách để học lắm mẹ à".
Vài ngày sau đó, ngủ dậy Lan thấy trên đầu giường có một lá thư, Mở ra xem, là nét chữ của Tí: "Em đi khỏi nhà không dám nói với mẹ và chị. Em biết chị thương em, nhưng em nghĩ rằng mình cũng có thể đỡ đần mẹ và chị. Chị đã thi đậu đại học rồi thì không nên bỏ cuộc. Em đã tìm được việc làm. Đường đời còn dài. Sau khi ra trường, chị sẽ nuôi em, em sẽ học tiếp. Nhớ nhe chị". Đọc xong thư, Lan không muốn khóc mà nước mắt cứ trào ra tức tưởi.
Vài tuần sau, Tí đã gởi quà về cho Lan. Là cái kẹp tóc bằng đồi mồi có đính ngọc trai và một số tiền nhỏ. Thỉnh thoảng Tí còn mua cho Lan túi xách, đôi dép và cho mẹ áo ấm, thuốc bổ, dầu cù là
Nghĩ đến em nước mắt Lan vẫn chợt ứa ra. Mỗi lần Tí về thăm nhà mẹ và Lan đều khóc, lo nghĩ không biết Tí đang làm việc gì, có cực khổ, nguy hiểm hay không. Tí thì nói công việc của mình thiện lương, không cực nhọc lại có thời gian học tập. Lan đã nhờ bạn bè thăm hỏi công việc của Tí. Sau một thời gian, Lan mới biết Tí đang làm công nhân vệ sinh đường phố, ca trực từ 10 giờ đêm cho đến 2- 3 giờ sáng nên ít ai gặp được. Ban ngày Tí ngủ bù và mua sách tranh thủ tự học. Khi biết tin nầy, Lan giấu mẹ, chỉ đóng cửa buồng ngồi khóc một mình và quyết phải học thật giỏi để xứng với em.
Ngày Lan đã tốt nghiệp và được phân công giảng dạy ở một trường phổ thông trung học, Tí đã được đề bạt làm công tác quản lý ở công ty vệ sinh đô thị. Không bao lâu thì Lan lấy chồng. Mẹ Lan do thời trẻ lao động quá sức, vừa qua tuổi 50 sức khỏe đã suy sụp, thuốc men không còn tác dụng.
Ngày chít khăn tang cho mẹ, Lan vừa bàng hoàng vừa buồn vì chưa kịp trả ơn trả hiếu cho mẹ. Cũng kể từ ngày mẹ qua đời, căn nhà trở nên lạnh lẽo đến nao lòng. Trong lòng chị em Lan lúc nào cũng mênh mông nỗi nhớ những lúc mẹ ôm hai chị em vượt qua nghèo khó.
***
Thời gian cứ bay qua đầu tuổi thanh xuân. Nhờ chịu khó siêng năng, Tí đã lấy được bằng quản lý. Còn Lan tưởng đâu hạnh phúc sẽ kéo dài đến răng long đầu bạc, ấy thế mà chỉ mới hai mặt con, chồng của Lan đã thay lòng đổi dạ, chạy theo người phụ nữ khác khiến gia đình tan vỡ. Biết không thể hàn gắn, Lan ly dị. Trước lúc chia tay, Lan nhìn hai con mà xót xa như muối đổ vào lòng, nhưng vẫn can đảm dứt khoát, để bảo vệ các con.
Từ khi biết chuyện của Lan, Tí rất buồn nhưng vẫn gượng vui vẻ rước mẹ con chị về căn nhà của ba mẹ, để chăm sóc cho hai đứa trẻ.
Kể từ hôm ấy, Tí vừa đi làm vừa tranh thủ đưa rước hai cháu đến trường. Từ ngày dọn về nhà xưa, đêm nào Lan cũng không sao chợp mắt. Càng cố dỗ giấc ngủ, hình ảnh quá khứ trở về như một cuốn phim nhiều tập. Hồi nào còn mẹ, khó khăn gian khổ nào ba mẹ con cũng bọc đùm lấy nhau. Bây giờ, sự run rủi của số phận đã khiến Lan trở thành con chim lẻ bạn, ngẩn ngơ nỗi niềm. Lan từng có một bầu trời ước mơ, say đắm về gia đình, vậy mà giờ đây tình cảm nguội lạnh như đóng tro tàn.
***
May nhờ có sự vững chãi của Tí. Lan cũng dần nguôi ngoai. Hai chị em ngồi uống trà nhắc lại chuyện ngày xưa. Lan không khỏi ngậm ngùi: Không có em, không biết giờ này chị và hai đứa nhỏ sẽ ra sao. Trải qua bao sóng gió, chị mới thấm tình thân gia đình luôn ở lại với cuộc đời mỗi người.
Tí chỉ nhìn ra khoảng sân đầy ắp kỷ niệm của hai chị em, khẽ nói: Suốt cả tuổi thơ chị đã che nắng che mưa cho em, dìu dắt, bênh vực, hứng đòn cho em. Chị em mình đã từng chia nhau viên kẹo, củ khoai, miếng bánh, thậm chí cái nón lá che mưa cũng nhường nhau. Chỉ những việc làm đó thôi, cho dù nước biển mênh mông cũng không đong đầy tình thương chị dành cho em.
Ừ, Lan nhủ thầm thật may còn có chị có em trong đời.