Nội dung cuốn sách “Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh”, NXB Ðại học Quốc gia Hà Nội ấn hành tháng 11-2023, như lời giới thiệu của người chủ biên, là nhằm “cùng góp sức kiến tạo con đường dân giàu nước mạnh của Việt Nam”...
.webp)
Sách “Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh” có 4 phần, 23 chương. Phần đầu nói về xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển; phần thứ hai tập trung vào chủ đề nông công nghiệp, doanh nghiệp và nguồn nhân lực; phần thứ ba đề cập đến hội nhập và tận dụng ngoại lực để phát triển đất nước; phần thứ tư, các tác giả xoay quanh đề tài hướng đến phát triển bền vững, bao trùm. Nhóm tác giả sách là 25 chuyên gia hàng đầu về phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Cuốn sách dày 422 trang này tập hợp những kết quả nghiên cứu, nhận định, phân tích, kiến giải về một tương lai phát triển bền vững, hùng cường của Việt Nam vào năm 2045. Bằng cách kết hợp kinh nghiệm thực tiễn, góc nhìn sâu sắc cùng sự nhạy bén của nhiều chuyên gia, sách mang đến cho người đọc một cái nhìn tổng quan về kinh tế - xã hội, những vấn đề đặt ra cũng như giải pháp cần thiết vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh.
Hai đồng chủ biên sách là GS Trần Văn Thọ, Giáo sư danh dự Ðại học Waseda (Nhật Bản), từng là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, hiện là thành viên Hội đồng cố vấn dự án Việt Nam 2045 của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam; và nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến, chuyên gia tư vấn giáo dục và nghiên cứu lịch sử.
Theo GS Trần Văn Thọ, chỉ còn 2 năm nữa Việt Nam tròn 50 năm hòa bình thống nhất và Ðại hội 13 của Ðảng đã đặt mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập cao. Cuốn sách ra đời để góp vào cuộc thảo luận của toàn xã hội về mục tiêu phát triển dài hạn này của Việt Nam. Cụ thể sách sẽ trả lời câu hỏi: Ðể đạt mục tiêu dân giàu nước mạnh trong khoảng hai thập niên tới, Việt Nam cần chuẩn bị những tiền đề gì? Về các tiền đề này, cuốn sách sẽ bàn cần đổi mới thể chế ở những lĩnh vực nào? Cần chiến lược, chính sách cụ thể gì để kinh tế phát triển nhanh, bền vững?
Trong sách, GS Trần Văn Thọ đã đóng góp bài “Ðiều kiện để tham gia sâu và cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu”. Bài viết nhấn mạnh, để làm được điều này, Việt Nam cần khẩn trương thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao từ các công ty đa quốc gia (MNCs), đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và cải thiện thể chất của doanh nghiệp trong nước nhằm giúp họ tham gia sâu và cao hơn vào mạng lưới cung ứng, kể cả việc liên doanh với các MNCs.
Nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến có bài “Phát huy giá trị đô thị di sản để làm giàu kinh tế và nhân văn cho đất nước qua điển hình Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Ðông” trong sách này. Theo ông, những nội dung đề cập trong sách cũng là đề tài để các bạn sinh viên tranh luận, đồng thời mong muốn nhiều trí thức trẻ sẽ trở thành tác giả của các công trình nghiên cứu, các tác phẩm phản biện tương tự trong tương lai.
Ðơn cử như trong sách, TS Huỳnh Thế Du, tác giả bài “Tài chính và bất động sản: Ðể tránh những chu kỳ khủng hoảng”, đề nghị Nhà nước cần quy định chặt chẽ các yêu cầu đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tài chính; các doanh nghiệp cần nâng cao khả năng quản lý rủi ro; và người dân cần trang bị kiến thức cần thiết về tài chính và đầu tư. TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trong bài “Vài suy nghĩ về vấn đề hoàn thiện nhà nước pháp quyền”, đã phân tích trách nhiệm giải trình từ ba thể chế chính (tổ chức quần chúng công, truyền thông và tổ chức xã hội dân sự) và có những kiến nghị về xây dựng hành lang pháp lý. Còn Kỹ sư Võ Quang Huệ (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bosch Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup), trong bài “Giáo dục nghề nghiệp trước sức ép của nền kinh tế mới”, nhấn mạnh để đạt được những mục tiêu về xây dựng nguồn nhân lực ở bậc trung (huấn luyện nghề nghiệp), cần đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với nhà nước và thay đổi nhận thức xã hội về nghề để con đường “nhất nghệ tinh” thu hút được giới trẻ. PGS.TS Lê Anh Tuấn, Trường Ðại học Cần Thơ, đóng góp bài “Phát triển ÐBSCL: nơi thể hiện sâu sắc nhất vấn đề tam nông” và cho rằng liên kết tam nông (nông dân, nông nghiệp, nông thôn) là quan trọng nhưng hiện vẫn còn nhiều rào cản. Việt Nam cần nhắm đến một nền nông nghiệp thông minh, áp dụng cho một nông thôn mở theo hướng kinh tế thị trường và người dân sẽ là những nông doanh gia (aro-bussinessmen) quyết định và thụ hưởng các giá trị gia tăng từ nông sản của mình.
Tuần rồi, cuốn sách này đã được tổ chức ra mắt và giao lưu tại Trường Ðại học Cần Thơ. Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, để tiến tới một Việt Nam có nền kinh tế phát triển vào năm 2045 là một hành trình dài, nhiều gian nan, thử thách và nhấn mạnh: “Kinh tế thế giới lẫn Việt Nam luôn có sự chuyển biến nhanh chóng, vì vậy, thế hệ trẻ khi đọc cuốn sách này cần hiểu những giá trị mà thời đại mới đặt ra nhằm nắm bắt thời cơ đưa đất nước phát triển thịnh vượng”. Chị Lê Thị Thúy Kiều, đang công tác tại Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP Cần Thơ, chia sẻ: “Cuốn sách như một phản biện xã hội giúp chúng tôi hiểu được điểm mạnh, yếu cũng như giải pháp căn bản để phát triển kinh tế nước nhà” và cho biết sẽ thành lập một “Câu lạc bộ những người thích đọc sách và thích cho đi” tại Cần Thơ nhằm lan tỏa văn hóa đọc và giới thiệu cuốn sách này đến những người trẻ tuổi đang muốn khởi nghiệp.
Huỳnh Kim - Lạc Long