25/02/2016 - 20:53

GÓP SỨC ĐỂ “CÁNH ĐỒNG LỚN” LỚN HƠN

Về ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, hỏi thăm nhà nông dân Nguyễn Văn Thành, Tổ trưởng Tổ Hợp tác (THT) Đồng Vạn, người dân nơi đây ai cũng nhiệt tình chỉ đường. Bởi ông Thành là người có công đầu đưa những người nông dân ấp Thầy Ký gắn kết với nhau, đồng lòng xây dựng "Cánh đồng lớn" (CĐL).

Khởi nguồn hợp tác

Theo lời kể của ông Thành, qua nhiều năm canh tác lúa theo kiểu truyền thống, mạnh ai nấy làm, không những hiệu quả canh tác không cao mà có khi lỗ vốn. Vì vậy, ông đã nảy ra ý nghĩ vận động người dân tập hợp, liên kết lại để tìm "tiếng nói chung", cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất lúa. "Chúng tôi xuống giống, bơm rút nước đồng loạt; cùng ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến giảm chi phí đầu tư... Cũng vào thời điểm này (năm 2009), tôi được cán bộ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh gợi ý làm thử nghiệm "Cánh đồng một giống" với giống lúa OM 7347 và giới thiệu doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Từ gợi ý này, tôi cùng bà con mạnh dạn xây dựng THT Đồng Vạn" – ông Thành nói.

Ông Nguyễn Văn Thành (trái) đại diện nông dân THT Đồng Văn nhận giấy chứng nhận sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP.

THT Đồng Vạn những ngày đầu thành lập chỉ có 7 thành viên, với tổng diện tích là 21ha. Thế nhưng, đến vụ lúa sau, thấy tổ hoạt động hiệu quả, đã có thêm 12 hộ đăng ký tham gia, nâng tổng diện tích lên 43,5ha. Và đến cuối năm 2010, THT Đồng Vạn đã có đến 133 hộ tham gia, diện tích là 285ha. Ông Thành kể lại: "Tham gia THT, người dân sạ hàng với lượng giống từ 100-120kg/ha, trong quá trình chăm sóc, phải áp dụng bón phân cân đối theo bảng so màu lá lúa, giảm lượng phân đạm để hạn chế sâu bệnh. Khâu thu hoạch được cơ giới hóa hoàn toàn bằng máy gặt đập liên hợp. Tôi rất mừng vì mô hình này được duy trì và phát triển có bài bản. Hơn nữa đây còn là tiền đề để hình thành nên CĐL hôm nay". Năm 2011, trước những thành công bước đầu mà THT sản xuất Đồng Vạn đạt được, cùng với chủ trương xây dựng CĐL của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở NN&PTNT TP Cần Thơ chọn nơi đây làm mô hình thí điểm về xây dựng CĐL đầu tiên của thành phố.

CĐL quy mô 400ha ra đời ngay trong vụ đông xuân 2011-2012 với nhiều kỳ vọng, sự bỡ ngỡ và không ít cản ngại đối với các thành viên của THT. Mô hình vừa được triển khai thì vướng ngay khó khăn, bởi diện tích lúa trong THT không đủ để làm CĐL nên phải vận động các hộ dân lân cận tham gia. Bên cạnh đó, nhiều người e ngại vào CĐL vì nhiều lý do. Đặc biệt là phải làm theo sự hướng dẫn nghiêm ngặt về kỹ thuật của ngành chuyên môn, phải ghi nhật ký đồng ruộng… Để người dân hiểu rõ hơn về những lợi ích khi vào CĐL, ông Thành cùng với chính quyền địa phương gõ cửa nhiều nhà dân, tổ chức nhiều cuộc họp ở các khu vực khác nhau để vận động, tuyên truyền. Song song đó, ông Thành cùng với người dân, cán bộ khuyến nông, chính quyền địa phương chia thành các nhóm nhỏ theo dõi sát từng cánh đồng, từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Không những đi thực tế ngoài đồng ruộng, ông Thành còn tổ chức họp nhóm thường xuyên để mọi người cùng phân tích, đóng góp ý kiến… Khởi đầu của mô hình CĐL đầy gian nan, nhưng sự nhiệt tâm của người đứng đầu và sự hợp sức, thấu hiểu của người dân trong mô hình đã đưa CĐL ấp Thầy Ký đến những thành công. Người dân tin tưởng mô hình vì họ thực sự thấy có lợi.

Nhân rộng CĐL

Ông Thành kể vui: "Vụ lúa đầu tiên làm theo CĐL, có nhiều chuyện xảy ra. Theo quy định, trong 1 vụ nông dân chỉ được phun thuốc vài lần và phải ghi sổ nhật ký đồng ruộng mỗi ngày. Thế nhưng nhiều hộ lén phun thêm để ngừa bệnh vì "chưa yên tâm". Còn sổ nhật ký đồng ruộng thì có người ghi, người không hoặc có mục ghi, mục không ghi. Về sau, sự việc được khắc phục, bởi người dân dần thấy rõ phun thuốc nhiều lần không mang lại hiệu quả cao hơn các ruộng khác, trái lại tốn thêm tiền mua thuốc bảo vệ thực vật. Vụ thu hoạch đầu tiên, năng suất lúa trong CĐL khá ổn định, đồng đều giữa các hộ (khoảng 8,5 -9 tấn/ha), lúa tươi bán cho doanh nghiệp với giá cao hơn 300-400 đồng/kg so với lúa ngoài mô hình và chi phí sản xuất giảm đáng kể.

Theo ông Thành, thời gian đầu, người dân trong CĐL chưa đánh giá cao về lợi nhuận nhưng có thể khẳng định chi phí sản xuất đã thật sự giảm. Đây cũng thành công đối với mục tiêu đặt ra ban đầu. "Nhận thấy mô hình làm CĐL do ông Thành phát động có hiệu quả cao, đặc biệt là "đầu ra" có doanh nghiệp bao tiêu. Vì vậy, tôi cùng 10 hộ dân khác trong ấp đăng ký tham gia. Chúng tôi đã thực sự thay đổi cách thức sản xuất và không còn phải nơm nớp lo cảnh "được mùa rớt giá" nữa"- ông Nguyễn Văn Đoan, ngụ ở ấp Thành Ký cho biết. Đến nay, tổng diện tích CĐL ở thị trấn Thạnh An vẫn duy trì khoảng 400ha, với sự tham gia của 208 hộ. Trong số đó, có 96 ha của 40 hộ được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Điều mà ông Thành tâm đắc nhất là nhờ tham gia làm CĐL mà đời sống người dân địa phương ông đã đổi thay. "Cuộc sống người dân đã cải thiện rất nhiều, cụ thể là thu nhập tăng thêm từ 8- trên 10 triệu/ha/vụ so với sản xuất lúa ngoài mô hình. "CĐL mà chúng tôi đã làm là mô hình thành công đầu tiên ở TP Cần Thơ. Nhờ mô hình này mà trong một thời gian ngắn, ấp Thầy Ký đã nổi tiếng với nhiều nông dân làm kinh tế giỏi ngay trên mảnh đất quê hương của mình" – ông Thành tự hào.

Ngoài việc tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật sản xuất lúa, nông dân trong CĐL còn luôn tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước. Nhờ được hỗ trợ lãi suất vay, đến nay, THT Đồng Vạn đã mua 8 máy gặt đập liên hợp, được tài trợ 2 máy bơm, 20 bộ dụng cụ sạ hàng, nhiều thiết bị văn phòng (máy vi tính, nhà kho, bồn rửa tay)… Từ đây, nhiều hộ nâng năng suất lúa lên đạt từ 10 -10,5 tấn/ha/vụ. Vụ lúa đông xuân 2014-2015 và vụ hè thu vừa qua, 16 hộ dân ở ấp Thầy Ký còn được Viện Lúa quốc tế IRRI chọn làm điểm thí nghiệm chương trình sản xuất lúa "1 phải, 5 giảm" trên 16ha. Không chỉ vậy, các tổ chức quốc tế, các đoàn chuyên gia về nông nghiệp ở Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản,… cho đến các đoàn nông dân, ngành chức năng ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc, lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan thường xuyên đến thị trấn Thạnh An để tìm hiểu, học hỏi mô hình...

Với sự nỗ lực không mệt mỏi, từ năm 2009 đến nay, ông Thành nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của UBND huyện Vĩnh Thạnh, UBND TP Cần Thơ, Liên minh Hợp tác xã TP Cần Thơ, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ. Riêng năm 2015, ông còn được Bộ NN&PTNT tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2015. Về định hướng trong tương lai, ông Thành, tâm huyết: "Tôi mong muốn tiếp tục làm nhịp cầu nối giữa những người nông dân, nông dân với doanh nghiệp và truyền tải chính sách, ưu đãi của Nhà nước đến với bà con. Đồng thời, tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của địa phương, đơn vị trong và ngoài nước để CĐL của ấp Thầy Ký thêm rộng, thêm lớn và người nông dân chúng tôi ăn nên làm ra hơn nữa từ cây lúa…".

Bài, ảnh: CHI MAI

Chia sẻ bài viết