Trường Trung cấp nghề Cần Thơ được thành lập 8-2010 trên cơ sở nâng cấp từ Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ. Sau 4 năm thành lập, Trường Trung cấp nghề Cần Thơ đã từng bước thực hiện tốt chức năng tổ chức đào tạo nhân lực ở trình độ trung cấp nghề và sơ cấp nghề cho thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay Trường còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần được các cấp, các ngành thành phố quan tâm tháo gỡ.
Ông Hà Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Cần Thơ, cho biết: Trường Trung cấp nghề Cần Thơ có nhiệm vụ đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất dịch vụ ở trình độ trung cấp nghề và sơ cấp nghề. Qua đó, trường trang bị cho người học năng lực thực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; nâng cao đạo đức nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Bên cạnh đó, trường còn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật, kinh tế, công nhân bậc cao các ngành kỹ thuật đạt tiêu chuẩn quy định; tổ chức các hoạt động dạy và học, thi, kiểm tra, công nhận tốt nghiệp, cấp bằng, chứng chỉ nghề theo quy định
|
Lễ bế giảng và trao bằng cử nhân ngành tài chính ngân hàng hệ vừa làm vừa học do Trường Trung cấp nghề Cần Thơ liên kết với Trường Đại học Công đoàn Việt Nam đào tạo.
|
Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, hàng năm, trường xây dựng kế hoạch đào tạo, ra thông báo gửi các cơ quan, doanh nghiệp và các cấp công đoàn để chiêu sinh. Trường cũng chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên có chất lượng, đồng thời đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố hỗ trợ kinh phí để mua sắm máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất từng bước đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo. Với những nỗ lực đó, 4 năm qua, Trường Trung cấp nghề Cần Thơ từng bước khẳng định được vị trí của mình, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Bà Lê Thị Ý Nhi, Phó Trưởng phòng Đào tạo, cho biết: “4 năm qua trường đã đào tạo tin học văn phòng, chứng chỉ thợ máy, chứng chỉ lái phương tiện, thuyền trưởng, nghiệp vụ bảo mẫu
hệ sơ cấp nghề và ngắn hạn cho 7.437 người; đào tạo trung cấp công nghệ ô tô cho 128 người; liên kết với các trường đại học đào tạo đại học bảo hộ lao động, đại học quản trị kinh doanh, đại học tài chính ngân hàng, đại học mỹ thuật công nghiệp cho 226 người. Trong tổng số 7.791 người tham gia học tập, đào tạo tại trường 4 năm qua, có hơn 3.500 người học là cán bộ, công nhân, viên chức, lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp thành phố. Ngoài ra, Trường còn phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức nhiều lớp luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ, bồi dưỡng văn hóa, đào tạo kỹ năng sử dụng phần mềm cho công nhân, viên chức, lao động”.
Cùng với công tác đào tạo nghề, 4 năm qua, Trường Trung cấp nghề Cần Thơ còn đẩy mạnh công tác tiếp nhận đăng ký tìm việc làm và tư vấn học nghề cho người lao động, góp phần không nhỏ trong giải quyết việc làm cho lao động. Theo thống kê, 4 năm qua, trường đã tư vấn tiếp nhận đăng ký tìm việc cho 12.070 người và giới thiệu việc làm cho 958 người.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, hoạt động của Trường Trung cấp nghề Cần Thơ thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được các cấp, các ngành thành phố quan tâm hỗ trợ. Theo ông Hà Văn Huệ, Hiệu trưởng, đến nay Trường Trung cấp nghề Cần Thơ đã thành lập 4 năm nhưng các phòng, ban của trường chưa đầy đủ, cơ sở vật chất hiện tại vẫn còn chật hẹp, thiết bị phục vụ công tác đào tạo còn thiếu thốn nên trường chưa thể mở thêm được các ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu người học. Phần lớn cán bộ, viên chức của trường đều kiêm nhiệm nhiều việc nên chưa phát huy hiệu quả trong công tác chuyên môn. Mặt khác, chính sách phân luồng trong đào tạo chưa thích hợp; các trường đại học, cao đẳng chỉ tiêu tuyển sinh lớn, điểm tuyển sinh thấp, thời gian tuyển sinh kéo dài đã thu hút một lượng lớn học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, dẫn đến các cơ sở đào tạo nói chung, Trường Trung cấp nghề Cần Thơ nói riêng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Từ năm 2012 đến nay, Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố không giao chỉ tiêu cho Trường về đào tạo nghề cho lao động thuộc diện chính sách, hộ nghèo và lao động chưa có việc làm, lao động nông thôn nên Trường gặp khó khăn trong tìm kiếm nguồn đào tạo
Ông Hà Văn Huệ cho biết: Nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, tay nghề của công nhân, viên chức lao động thành phố, hiện nay Trường Trung cấp nghề Cần Thơ đang đề nghị UBND thành phố bố trí nguồn vốn bồi thường, tái định cư cho người dân để Trường lập thủ tục trình Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp vốn xây dựng Trường và mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất của trường như đã quy hoạch. Trường cũng đang đề nghị Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố hằng năm phân bổ cho trường chỉ tiêu đào tạo nghề, cấp kinh phí đào tạo lao động nông thôn; xin ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để liên kết với Trường Đại học Công đoàn Việt Nam và các trường đại học khác mở các lớp đào tạo tại Trường để tạo điều kiện cho công nhân, viên chức, lao động thuận lợi trong học tập nâng cao trình độ. Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2014, trường liên kết với Trường Đại học Công đoàn Việt Nam mở 2 lớp đại học luật và đại học kế toán tại trường; liên kết với Trường Cao đẳng nghề đường thủy II đào tạo các lớp lái, thợ máy, thuyền trưởng, máy trưởng phương tiện thủy nội địa; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ bảo mẫu, bồi dưỡng nghiệp vụ cấp dưỡng; bồi dưỡng nâng bậc nghề cho công nhân lao động
Bài, ảnh: ANH DŨNG