24/08/2010 - 22:09

Ứng dụng khoa học và công nghệ

Góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng dẫn đầu cả nước về sản lượng thủy sản xuất khẩu và là vùng sản xuất nhiều loại cây, trái nổi tiếng. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông sản của vùng ĐBSCL còn yếu, nhất là đối với thị trường xuất khẩu. Không có thương hiệu được xem là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng vừa nêu. Vì thế, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm được xem là một trong những việc cấp thiết.

Thương hiệu yếu- nông sản “vất vả” trên trường quốc tế

PGS.TS.Nhà giáo nhân dân Huỳnh Văn Hoàng, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam, cho rằng: “ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất cả nước. ĐBSCL cũng là vùng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Phải nhìn nhận rằng, bên cạnh lợi thế về điều kiện tự nhiên, bằng việc ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ mới vào việc tuyển chọn, thử nghiệm giống cây, con mới khiến cho năng suất cây trồng, vật nuôi vùng ĐBSCL ngày càng cao, chất lượng tốt, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL vẫn còn khó khăn, chậm phát triển so với các vùng khác trong cả nước. Cây lúa, con cá, con tôm, trái cây đặc sản của vùng vẫn còn vất vả khi ra thị trường quốc tế. Nguyên nhân chủ yếu ở đây là hầu hết hàng hóa chưa xây dựng được thương hiệu riêng. Chưa kể đến đội ngũ tri thức vẫn chưa xứng tầm với vị trí tiềm năng của vùng”.

Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, các sản phẩm thương hiệu Dược Hậu Giang ngày càng nâng cao chất lượng, khẳng định uy tín trên thị trường. 

Nói đến sản phẩm của ĐBSCL có thể kể ngay đó là hạt lúa. Từ lâu, vùng đất này được mệnh danh là “bát cơm châu Á” nhưng cho đến bây giờ hạt gạo vẫn chưa có thương hiệu riêng. Chính vì vậy, tuy sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu cao nhưng từ nhiều năm qua, hạt gạo ĐBSCL khá “chật vật” trên trường quốc tế. Theo các chuyên gia đánh giá, việc không có thương hiệu đã làm cho năng lực cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam kém xa hạt gạo Thái Lan vốn đã có thương hiệu từ lâu. Những trái cây nổi tiếng của vùng cũng vậy, mặc dù sản lượng hàng năm khoảng 3,3 triệu tấn nhưng về giá vẫn khó cạnh tranh với trái cây nhập khẩu do không đảm bảo ổn định về chất lượng trước các yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu. Vì vậy, nghịch lý “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn thường xảy ra không chỉ đối với nông dân mà ngay cả đối với các doanh nghiệp trên mảnh đất trù phú này.

Nhiều năm qua, ngành hàng thủy sản Việt Nam tuy phát triển mạnh nhưng cũng gặp không ít khó khăn, do các vụ kiện dai dẳng “bán phá giá”. Hiện nay, hầu hết các sản phẩm thủy sản của Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu riêng nên khi đưa vào hệ thống siêu thị ở thị trường Mỹ, hầu như cư dân Mỹ không hề biết đến thương hiệu Việt Nam mà chỉ biết xuất xứ sản phẩm sau khi mua (như cá basa, tôm khi đã qua tay các nhà sản xuất Mỹ và đưa vào hệ thống siêu thị trên thị trường Mỹ ít ai biết đến đó là sản phẩm của Việt Nam). Hạn chế này đã khiến doanh nghiệp Việt Nam phải chịu những thiệt thòi vô hình kinh tế, nhất là khi tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu thủy sản của Mỹ từ Việt Nam trong 5 năm là 424%, chiếm 16% tổng doanh số xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam.

Ứng dụng KH&CN: góp phần gầy dựng thương hiệu

Theo các nhà khoa học, muốn tạo cho sản phẩm có sức cạnh tranh cao cho vùng ĐBSCL, một trong những việc cấp thiết phải làm là xây dựng thương hiệu. Nghĩa là phải tạo ra những hình ảnh đẹp, những cảm xúc tốt, những thông điệp đặc sắc, đáng nhớ trong lòng khách hàng trong và ngoài nước đối với sản phẩm và đối với doanh nghiệp. Theo đó, việc xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ các doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp chính là khâu cuối cùng trong chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh để đưa sản phẩm ra thị trường. Ứng dụng tiến bộ KH&KT nhằm tạo uy tín chất lượng sản phẩm thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, các nhà khoa học, giới truyền thông... sẽ giúp tạo ra các thương hiệu mạnh và bền vững.

Thời gian qua, TP Cần Thơ thực hiện được các đề tài, dự án mang tính ứng dụng KH&CN phục vụ doanh nghiệp. Tuy chưa nhiều nhưng đã mang lại những kết quả hết sức thiết thực. Từ những năm 2000, Công ty cổ phần Thủy sản Mêkông thực hiện Dự án “Cải tiến thiết bị đông lạnh và hệ thống nước cấp nhằm nâng cao chất lượng thủy sản chế biến xuất khẩu”. Kết quả của dự án này, theo Công ty cổ phần Thủy sản Mêkông: Hằng năm, công ty tiết kiệm được 1 tỉ đồng, nâng 2% sản lượng hàng loại II lên loại I. Điều đáng quan tâm ở đây chính là nhờ ứng dụng tiến bộ KH&CN giúp giảm được sản phẩm phụ, sản phẩm làm ra 100% đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Từ đó góp phần khẳng định thương hiệu thủy sản Mêkông trên thị trường quốc tế.

Ông Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ: Nền KH&CN nước ta nói chung và TP Cần Thơ nói riêng còn nhiều mặt yếu kém, chưa đáp ứng ngay và đầy đủ được yêu cầu làm nền tảng và động lực phát triển các mặt sản xuất, đời sống cũng như hỗ trợ cho doanh nghiệp trong cạnh tranh, phát triển. Ngoài những lý do khách quan vẫn còn tồn tại nhiều các vấn đề như: đội ngũ cán bộ KH&CN còn yếu và thiếu; đầu tư cho KH&CN còn thấp; hệ thống dịch vụ thông tin, tư vấn chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng còn yếu; thị trường KH&CN chậm phát triển. Ngoài ra, vấn đề cốt lõi nhất là thiếu sự liên kết hữu cơ giữa nghiên cứu KH&CN và sản xuất - kinh doanh. Do đó, hoạt động KH&CN cần được cải thiện và đổi mới nhiều mặt so với yêu cầu phục vụ doanh nghiệp, để từ đó tạo ra thương hiệu mạnh cho sản phẩm trong cạnh tranh ở nền kinh tế thị trường trong thời kỳ hội nhập thế giới.

Ngoài dự án nêu trên, từ năm 2002 Sở KH&CN TP Cần Thơ hỗ trợ thực hiện Dự án “Nâng cao khả năng cạnh tranh trong phát triển xuất khẩu thủy sản TP Cần Thơ” bằng thực hiện hệ thống tiêu chuẩn quốc tế HACCP (phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn), SQF 1000-2000CM (tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm) cho các hộ nuôi thủy sản xuất khẩu trên địa bàn thành phố. Dự án này góp phần rất lớn vào việc nâng cao nhận thức về an toàn chất lượng thủy sản của hộ nuôi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt là có thể kiểm soát được chất lượng thủy sản xuất khẩu từ vùng nuôi đến bàn ăn, có thể truy xuất nguồn gốc hàng hóa khi cần thiết.

Không dừng lại ở việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu, một số doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động thực hiện nghiên cứu và ứng dụng KH&CN trong cải tiến, đổi mới sản phẩm mang lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Điển hình như Công ty cổ phần Dược Hậu Giang thành lập trung tâm nghiên cứu KH&CN phục vụ phát triển sản phẩm ngành dược; hay Công ty cổ phần Thủy sản Bình An tự đầu tư xây dựng Viện Nghiên cứu thủy sản để phục vụ kiểm định, nghiên cứu giống và cải tiến chất lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa vào thị trường châu Âu, Mỹ...

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết