07/01/2012 - 14:28

Gốm Việt Nam – hiển hiện quá khứ văn hóa dân tộc

Đông đảo khách tham quan triển lãm gốm Việt.

Từ ngày 27-12-2011 đến 16-4-2012, Bảo tàng Cần Thơ tổ chức triển lãm chuyên đề “Gốm Việt Nam qua bộ sưu tập Võ Minh Mẫn và Trần Quốc Đoàn”. Hơn 200 hiện vật gốm từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX được trưng bày tại triển lãm, dù chưa thật sự đầy đủ nhưng thể hiện sự đặc sắc của gốm Việt Nam qua các thời kỳ, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngay ngày khai mạc, triển lãm đã thu hút hàng trăm lượt khách. Không chỉ có giới mê cổ vật, người yêu gốm sứ mà còn có nhiều sinh viên, học sinh, người dân... đến chiêm ngưỡng những hiện vật gốm quí giá. Nhiều người xuýt xoa trước những hiện vật gốm được chạm trổ công phu, khéo léo hay ngắm nghía những vật dụng sinh hoạt bằng gốm cách đây 5 thế kỷ... Anh Trần Hoài Nam ở quận Ninh Kiều, bày tỏ: “Tôi không ngờ, gốm của nước mình lại đa dạng và đẹp như vậy. Những chiếc bình, lọ hoa không chỉ là vật dụng mà còn khắc họa cuộc sống, con người thời xưa”.

Việt Nam là quốc gia được ghi tên vào danh sách những cái nôi của nghề gốm thế giới. Từ những nguyên liệu thô sơ là đất, nước và lửa nhưng với bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của các nghệ nhân Việt, những vật dụng bằng gốm ra đời và mang nét độc đáo riêng biệt của dân tộc qua từng vùng, miền, từng thời kỳ lịch sử. Hơn 200 hiện vật gốm từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX được trưng bày tại triển lãm thật ra chưa phải là nhiều và cũng chưa phản ánh hết lịch sử nghề gốm nhưng nó đủ làm người xem choáng ngợp trước sự phong phú và đặc sắc của gốm Việt. Từ các loại gốm trong kiến trúc đến gốm trong tín ngưỡng thờ cúng, gốm gia dụng, gốm trang trí... thuộc các dòng gốm tiêu biểu: Chu Đậu, Bát Tràng của miền Bắc; Châu Ổ, Quảng Đức của miền Trung; gốm Cây Mai, Lái Thiêu, Biên Hòa của miền Nam... như những chứng nhân đang kể câu chuyện thầm lặng về bước phát triển của văn hóa và tâm hồn Việt.

Các hiện vật gốm mang đặc thù và phong cách của từng vùng: nét nhuần nhị, tinh tế của gốm Bát Tràng, Chu Đậu; vẻ khỏe khoắn, mộc mạc của gốm Châu Ổ, Quảng Đức hay vẻ duyên dáng, tươi tắn của gốm Cây Mai, Lái Thiêu, Biên Hòa. Các loại bình, tô, dĩa, chung uống nước... làm từ gốm Chu Đậu (Hải Dương) từ thế kỷ XVI tuy dung dị với men trắng, xanh, họa tiết trang trí đơn giản nhưng rất thu hút người xem bởi đây là những cổ vật quí hiếm. Khách tham quan cũng thích thú khi được chiêm ngưỡng các vật dụng bằng gốm phổ biến của những thế kỷ trước như: bình hút, bình đựng rượu, ống nhổ, gối đá... Bao người đã sững sờ trước các loại bình hoa, độc bình, tượng thú... và gốm trong thờ tự gồm các tượng phật, tượng quan âm... có những họa tiết tinh xảo, chạm trổ công phu, sắc sảo.

Những hiện vật trưng bày cho thấy: nét độc đáo riêng biệt của gốm Việt không lẫn với gốm Trung Hoa, Nhật Bản hay châu Âu từ kiểu dáng, chất liệu, họa tiết đến những hình ảnh đặc trưng trang trí trên gốm: chim hạc, hoa mai, hoa đào, quan quân, tướng sĩ hay những người dân trong trang phục áo dài khăn đóng, áo tứ thân, áo bà ba... mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Chủ nhân của các hiện vật gốm được trưng bày là ông Võ Minh Mẫn, ông Trần Quốc Đoàn- hai nhà sưu tập của Câu lạc bộ sưu tập Cổ vật Cần Thơ, hội viên Trung tâm UNESCO Nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam- đã có trên 20 năm sưu tầm di vật văn hóa các dân tộc. Để có được những bộ sưu tập quí, họ đã đi khắp Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới để tìm kiếm, mua bán, trao đổi những hiện vật quí giá. Ông Trần Quốc Đoàn sở hữu các bộ sưu tập về gốm sứ các nước, ông Võ Minh Mẫn sở hữu các bộ sưu tập: gốm Việt Nam, đồ trang sức, tiền các nước, đồ sứ, đồ đồng, con dấu/ mộc... Ông Võ Minh Mẫn tâm sự: “Có những cổ vật chúng tôi tìm kiếm rất khó khăn nhưng cũng có những món mua được rất tình cờ. Chẳng hạn như những hiện vật chén, tô, dĩa... bằng gốm Chu Đậu (Hải Dương) từ thế kỷ XVI là do tôi phát hiện tại một số nhà người dân ở Nam bộ trong một chuyến công tác cách đây mấy năm. Biết tôi mua để bảo tồn, triển lãm các loại gốm Việt Nam, họ vui lòng bán lại với mong muốn những cổ vật này sẽ được giữ gìn để giới thiệu với công chúng. Một số hiện vật tiêu biểu như tượng “Động thủy liêm” làm từ gốm Lái Thiêu thế kỷ XX, tượng La hán Giám Trai làm từ gốm Cây Mai (Sài Gòn) cuối thế kỷ XIX, đầu XX... đã được triển lãm tại Fesival Huế 2009 và một số sự kiện quan trọng khác, được nhiều người thích thú vì sự tinh xảo và nét độc đáo”.

Triển lãm gốm Việt Nam tại Cần Thơ đã giới thiệu với công chúng những hiện vật đánh thức sự cảm nhận về di sản văn hóa Việt Nam của người Tây Đô vào dịp cuối năm.

Bài, ảnh: LỆ THU

Chia sẻ bài viết