09/03/2020 - 12:44

Gom hàng chạy dịch, lợi bất cập hại! 

Những ngày qua, bệnh nhân thứ 17 nhiễm COVID-19  do không khai báo y tế đã gây lây lan dịch bệnh. Nhưng dù sao sự việc đã xảy ra, mong rằng qua đó sẽ là bài học  để mỗi người chúng ta phải hết sức cẩn trọng, nâng cao ý thức cá nhân hơn bao giờ hết, nhất là những ai đã từng đi qua vùng dịch nay trở về nước hoặc đến các quốc gia khác.

Nhân viên siêu thị ở Co.opmart Cần Thơ “ngao ngán” trước đống hàng hóa sẽ phải  chuyển cho khách hàng.

Sáng ngày 8-3, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo (tin nhắn SMS), hãy có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng để chung tay chặn đứng dịch bệnh COVID-19. Từ 6 giờ ngày 7-3-2020, khi nhập cảnh vào Việt Nam phải thực hiện khai báo y tế chính xác, trung thực. Khai báo y tế thực hiện tại tất cả các cửa khẩu bằng Tờ khai y tế có sẵn, hoặc trên điện thoại bằng cách quét QR code, hoặc khai báo y tế điện tử trước khi nhập cảnh vào Việt Nam tại: https://suckhoetoandan.vn/khaiyte.....

Thời điểm này, mọi người lo an toàn, bảo vệ sức khỏe phải đặt lên hàng đầu mới phải, thế nhưng, từ khi ca nhiễm COVID-19 thứ 17 được công bố, người dân đô thị Hà Nội lại đua nhau đi mua hàng ở các siêu thị về dự trữ tại nhà. Việc này gây ra tình trạng thiếu hàng cục bộ tại các siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mai.... Và ngay tại TP Cần Thơ  tình trạng người dân xếp hàng tại các siêu thị mua hàng hóa thực phẩm về cất trữ cũng diễn ra hết sức sôi động(!). Từ chiều thứ bảy (7-3), tình trạng này đã xuất hiện ở tất cả các siêu thị, trung tâm thương mại ở nội ô thành phố. Tâm lý đám đông đã tác động thật sự khủng khiếp, trong đó có lợi lẫn có hại (do quá tải) đến hoạt động mua bán của các đơn vị kinh doanh… 

Nhưng qua đây, người tiêu dùng cũng nên “dừng tay”  để nghĩ lại: Chúng ta đến các trung tâm thương mại là đang tập trung nơi đông người, rất dễ bị lây lan bệnh dịch, đi ngược lại khuyến cáo của ngành Y tế. Thực phẩm mua về nếu không cần dùng ngay, sẽ dẫn đến dư thừa, chính họ sẽ phải ăn đồ ôi, đồ thiu, thậm chí để đến quá hạn (date) mà không hay! Nhiều người đang lên án bệnh nhân thứ 17 ý thức kém, nhưng có thể người tiêu dùng cũng vô tình đang tiếp tay cho các điểm kinh doanh hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng bán đi lượng hàng gần kề quá “date”, hàng giả, mà chính người mua không hề để tâm tới hoặc không biết?... Và rất nhiều bất cập, hệ lỵ khác.

Chính phủ đã lưu ý rằng, đây không phải là đợt dịch cuối cùng, còn có thể phát sinh trong thời gian tới, thậm chí cả những năm tiếp theo. Chính vì vậy, người tiêu dùng không nên vô tình “tiếp tay” cho cả những ai tranh thủ thời cơ này nâng giá, tạo khang hiếm hàng hóa giả, tung tin giả… để lừa dối, trục lợi khách hàng.

Hơn hết vào thời điểm này, mỗi người chúng ta nên tập trung, bình tĩnh, tự tin để chống dịch hiệu quả. Bởi nếu các nhà khoa học chưa thể nghiên cứu thành công thuốc để ngăn chặn dịch, hoặc dịch kéo dài thêm nữa thì chúng ta phải tìm cách khác khả thi hơn, cứ đua nhau trữ hàng, lúc đó không biết cần dự trữ đến số lượng bao nhiêu mới gọi là đủ?...

Bài, ảnh: AN KHÁNH

Chia sẻ bài viết