02/02/2008 - 22:04

Truyện ngắn

Gói bánh cuối năm

PHƯƠNG HUY

Trang trải tấm lá chuối đã phơi dốt dốt xuống chiếc mâm nhôm, lau sơ mặt lá bằng một vuông vải the rồi rải nếp đã ngâm lên một lớp dày khoảng lóng tay trên lá. Trang lại rải thêm chính giữa nếp một dải nhưn bằng đậu xanh ngâm rút sạch và một miếng thịt ba chỉ. Sau cùng cô cuốn tròn lớp lá chuối bên ngoài thành như một ống tre, bẻ góc hai đầu bánh rồi buột dây. Công đoạn nầy cũng đòi hỏi sự ăn ý vì buột chặt quá bánh sẽ khó chín, còn buột lỏng bánh sẽ nhão. Những đòn bánh tét riêng lẻ sẽ được cột lại thành cặp, để vào cái thúng giạ giữa bộ ván ngựa chờ đem nấu.

Cả bốn cô gái vừa gói bánh vừa nói cười rúc rích nhưng năng suất vẫn tăng đều. Bốn cô tuổi tác sàn sàn nhau, cô nào cũng có nét xinh xắn riêng và đều khéo léo, trong đó nổi trội hơn cả là cô Trang, con gái lớn bà chủ lò. Trang đang học năm thứ hai Trường Cao đẳng Sư phạm ở quận nội ô thành phố nầy, nhưng gần Tết năm nào cũng tranh thủ về Bình Thủy sớm, giúp mẹ gói bánh. Trang bẻ đầu bánh khéo lắm, bốn góc vuông vức nở đều, nhìn vào đống bánh có thể nhận ra ngay đòn nào là của cô, không lẫn vào bánh của ai khác. Đặc biệt những thao tác của Trang thật dịu dàng, hai bàn tay thoăn thoắt như múa trên mâm nên có người đã khen lén: “Chỉ cần nhìn hai bàn tay Trang, chưa kịp ăn đã thấy ngon”. Sở dĩ Trang thạo việc đến như thế vì mẹ cô là bà Hai Viên, chủ lò bánh tét nức tiếng ở vùng nầy.

 

Lò bánh của mẹ Trang hoạt động quanh năm, trước còn đem bán lẻ hay bỏ mối cho những chỗ quen, dần dà về sau chỉ đủ sức cung cấp cho những người đến tận nơi đặt hàng. Thế nhưng khi ai hỏi về bí quyết, mẹ Trang chỉ cười trừ. Không phải bà giấu nghề vì việc nấu bánh tét có khó khăn gì đâu, đàn bà con gái xứ nầy ai cũng đã làm nhấp nhem từ lần đầu tiên biết đi đám giỗ. Nếu có chỗ khác biệt nào đó chắc là do mẹ Trang tính vốn cầu toàn và đã quá lão luyện trong nghề: bà biết tánh ý từng loại nếp, biết chọn đúng thứ đậu, thứ thịt mình cần để làm nhưn. Đối với đám thợ con cháu trong nhà như mấy cô đang làm việc đây, mẹ Trang luôn căn dặn thật nghiêm là không bao giờ được làm cẩu thả: “Làm chuyện gì cũng phải để tâm vào thì mới nên được. Phải biết gởi cái hồn vào từng khâu từng việc, món ăn mình mới có chỗ trong lòng người ta. Nội cái khâu chụm củi mà vô ý vô tứ cũng đủ làm hư hết bao công lao trước đó. Làm ẩu là tội mạt kiếp. Biết đâu những cái bánh mấy đứa đang làm, chiều hoặc mai sẽ được người mua đặt trên bàn thờ để cúng kiến ông bà”.

Đang làm bỗng nhiên Hạnh, cô sinh viên khoa kinh tế đại học tại chức, nháy mắt với hai cô kia rồi bâng quơ: “Bữa nay hăm bốn rồi mà sao cái anh bánh tét ba màu chưa tới ta, báo hại ở đây có người sốt ruột”. Câu nói của Hạnh làm mấy cô cười vang trong lúc Trang đỏ rần mặt và vói tay đấm vào lưng Hạnh, đứa em bạn dì của mình. Nhưng Trang cũng thầm nhận là hôm nay sao mình lãng quá, hồi sáng đến giờ ngồi làm mà trong lòng cứ như có cảm giác không yên. Thông thường cái anh bánh tét ba màu ấy đến dặn hàng từ bữa hai mươi để đến đúng hôm về quê anh mới ghé lấy. Vậy mà kỳ nầy... Chẳng lẽ anh đã có mối bánh nào khác rồi?

“Mất mối kiếm tối một ngày”. Nhớ lại câu nói đùa cửa miệng của mấy bà bán hàng ngoài chợ, Trang bỗng thấy gợi lại trong lòng mình một kỷ niệm vui vui từ hai năm trước.

Hôm đó cũng nhằm một ngày cận Tết như vầy, mấy chị em Trang đang tất bật làm muốn bở hơi tai thì một chàng trai trẻ đến đặt làm mười đòn bánh tét ba màu để hăm bảy đem về quê. Đặt làm bánh tét ba màu ở lò bà Hai Viên nầy là đúng địa chỉ rồi. Chỉ có điều một cậu trai trẻ đi lại đặt bánh tét, quả là một sự kiện “hơi bị lạ”. Càng lạ hơn nữa khi anh năn nỉ gởi lại cái thẻ sinh viên để thay món tiền ứng trước vì chưa lãnh được thù lao mấy chỗ dạy kèm. Thấy anh lúng túng trước mặt mấy cô gái chưa quen, Hạnh châm chọc:

- Anh đẹp trai ơi! Bộ anh chưa có ai đi chợ sao mà phải “sương gió dặm trường” như vầy? Sau nầy có gì anh cứ kêu lên một tiếng tụi em đến giúp cho.

- Đúng là hồi giờ tôi vẫn đi chợ một mình, nhưng mượn mấy em thì không dám vì sợ...

Thấy anh ta ngập ngừng, Hạnh lại nói hớt:

- Sợ, “nhiều miệng ăn” chớ gì! Chuyện ấy anh đừng lo, chị Trang em ăn ít hao lắm.

Thấy Hạnh nói toạc tên mình trước người lạ, Trang định phản ứng thì mẹ cô đã ra tới “chăm sóc khách hàng”:

- Cái con Hạnh nầy, miệng mồm bây chua quá coi chừng mất khách!

Cái anh chàng đặt bánh cũng không vừa, khi thấy đã ở vào thế thượng phong, anh tinh nghịch nhìn Hạnh nháy nháy châm chọc. Qua nghe lóm câu chuyện anh trao đổi với mẹ, Trang biết anh Tân (tên anh ta) sống có nghĩa có tình. Thông qua một người bạn trong ký túc xá, anh biết bánh tét ở đây gói khéo và ngon nên nhân dịp Tết muốn đem một ít về cho mẹ làm quà. Sau lời trần tình của anh, cả bốn cô đều lặng yên, chia sẻ...

Năm rồi anh Tân cũng đúng hẹn với số lượng hàng tăng lên gấp đôi vì bà con ở quê ai cũng khen nức nở. Thấy anh Tân tăng số lượng, Hạnh châm chọc:

- Bánh tét của tụi em gói ăn mau ghiền lắm. Cứ theo đà nầy thì năm tới anh Tân phải thuê xe tải chở bánh về quê.

- Đúng là anh đã ghiền bánh ở đây rồi! Nhưng mỗi năm mỗi bao xe chở về bất tiện. Anh tính cách nầy, anh sẽ nhờ má anh dọn một chiếc xe hoa chở cô thợ khéo nhất ở đây về quê anh làm bánh ăn suốt đời.

Tân vừa nói vừa liếc nhìn Trang làm cả nhà được một dịp phá lên cười, đến nỗi nghiêm túc như mẹ Trang cũng góp vào nói vui, vẻ như phân bua:

- Thôi! Bác bán bánh chớ không bán nghề đâu, cả đời bác làm dâu trăm họ cũng đủ lắm rồi. Bởi vậy bác mới ráng cho tụi nhỏ đi học để sau nầy thong dong tấm thân với người ta.

Năm rồi vui vẻ là vậy, năm nay đưa ông Táo từ hôm qua rồi sao vẫn chưa thấy tăm hơi. Hồi sáng đến giờ Trang cứ giật mình, mừng hụt mỗi khi ngoài sân có tiếng xe của khách tắt máy. Càng cố bình tĩnh để che giấu tâm trạng, Trang càng bị lộ tẩy vì những sơ hở vụn vặt như mới lỡ tay làm rớt đòn bánh lên thau đậu vừa rồi. Ngay cả cái miệng ưa lanh chanh như Hạnh hôm nay cũng chỉ trêu Trang cho có lệ. Hình như cả mấy cô đều thấy lo lo. Hay là anh Tân gặp chuyện gì? Bận học thi quá chưa có thì giờ hay nhà có chuyện gì đến nỗi quên bánh tét ba màu Bình Thủy?

Đang trong tâm trạng thấp thỏm mấy cô thợ gói bánh bỗng gặp một cô gái trẻ dừng xe ngoài rào nhìn dáo dác vừa hỏi thăm mẹ Trang. Nhịp tim Trang như đập chậm hẳn lại khi chờ nghe cô gái phân trần:

- Thưa, đây có phải lò bánh bác Hai Viên mà những năm trước anh Tân ở Lai Vung hay đến mua?

- Phải! Vậy cháu đây là...

- Dạ, cháu là Nương, em kế anh Tân, hỗm rày xuống nuôi má cháu ở Bệnh viện 121.

- Cơ khổ chưa! Hèn chi hỗm rày không thấy cậu Tân ghé. Mà bà chị ở nhà bệnh thế nào và đã đỡ chưa?

- Thưa,ngày mốt nầy xuất viện, nên anh Tân dặn cháu đến đặt một ít bánh để bữa đó đem về quê. Tội nghiệp hỗm rày vừa học vừa chạy vô chạy ra với bà má nên ảnh đừ lắm rồi, vậy mà cũng không quên bánh tét.

Như vừa trút được một gánh nặng đang đè nén trái tim, Trang như linh hoạt hẳn, ngưng tay bước xuống làm nước mời khách, thân tình như đã quen lâu. Xong xuôi Trang còn tiễn Nương ra khỏi cổng rào. Đứng nép dưới giàn hoa huỳnh anh, hai cô gái ríu rít chuyện trò một hồi lâu khá vui vẻ làm ba cô ngồi làm ở trong sốt ruột.

Khi Trang quay trở vào, mấy cô làm bánh thấy mới đó mà hình như chị mình đã có gì đổi khác. Bước chân Trang trên thềm thật nhẹ, cặp mắt cô như long lanh hơn và trên đôi má đang ưng ửng ánh hồng.

Chia sẻ bài viết