17/07/2018 - 20:54

Gỡ "vướng" để kiểm soát chặt thị trường 

Trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, mặc dù nỗ lực triển khai nhiều giải pháp và đem lại những kết quả tích cực, nhưng lực lượng của Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu và gian lận thương mại TP Cần Thơ (BCĐ 389/TP) vẫn gặp không ít khó khăn...

Lực lượng PC 46 kiểm tra gỗ vi phạm.

Quyết liệt

Qua báo cáo của Ban Thường trực BCĐ 389/TP, vi phạm gia tăng 6 tháng đầu năm 2018 là vấn đề  an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn còn sử dụng hóa chất, chất phụ gia không được phép sử dụng trong bảo quản và chế biến thực phẩm. Theo đó, các cơ sở đã dùng hóa chất không rõ nguồn gốc dùng để làm trắng giá, mì sợi, tàu hũ ky có chứa chất hàn the, thực phẩm đông lạnh nhập lậu. Trong tháng 5, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3, thuộc Chi cục QLTT TP Cần Thơ phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Cần Thơ kiểm tra cơ sở sản xuất trà sữa Chin tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, đã phát hiện hành vi vi phạm là sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc để sản xuất thực phẩm. Cơ sở đã bị phạt tiền 40 triệu đồng và buộc tiêu hủy nguyên liệu vì đình chỉ hoạt động 2,5 tháng… Đó là kết quả của BCĐ 389/TP đã kịp thời triển khai các văn bản liên quan đến lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm; chỉ đạo lực lượng chức năng thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực y tế và tập trung vào các đợt cao điểm như: Tết Nguyên đán, lễ hội,… và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật.

Các vụ việc vi phạm điển hình trong tháng đầu năm 2018 nổi bật là vụ việc gian lận pha trộn dung môi solmix với xăng A95 tại Doanh nghiệp tư nhân Vạn Nguyên 2 (phường An Bình, quận Ninh Kiều) do Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46), Công an TP Cần Thơ kiểm tra phát hiện. Ngày 30-3, Đội chống buôn lậu thuộc Chi cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ kiểm tra phương tiện đầu kéo sơ-mi-rơ- móc tải chở gỗ đang dừng tại bãi gỗ (phường Phú Thứ, quận Cái Răng), qua kiểm tra đã vi phạm về bán lâm sản không có hồ sơ hợp pháp, có nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp nhưng không chấp hành các qui định của pháp luật về hồ sơ lâm sản liên quan trình tự pháp lý. Theo đó, đã phạt tiền 165 triệu đồng, tịch thu 11 thanh gỗ căm xe có khối lượng 4,18m3, trị giá khoảng 35 triệu đồng. Trong tháng 4, PC 46 cũng đã kiểm tra xe vận chuyển gỗ và phát hiện số lượng gỗ thực tế trên xe nhiều hơn số lượng gỗ trên hóa đơn do tài xế cung cấp (hóa đơn là 38 hộp gỗ căm xe trong khi số lượng thực tế là 130 hộp gỗ)…   

Trong 6 tháng qua, Cục Thuế thành phố đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác chỉ đạo điều hành công tác kê khai, kế toán và thu nợ thuế,…  đã phát hiện 80 doanh nghiệp có sai phạm chủ yếu là hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp và sai về thủ tục hành chính, với tổng số tiền hơn 7 tỉ đồng. Ông Lê Tấn Nẫm, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Cần Thơ cho biết, bên cạnh tăng cường công tác thanh, kiểm tra doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay ngành thuế đặc biệt tập trung tại các đơn vị khai lỗ nhiều năm (khoảng 2.000 doanh nghiệp), theo đó đã truy thu thuế được 166 tỉ đồng từ các đối tượng doanh nghiệp này. Cùng đó, việc dán tem trên các cột bơm xăng dầu mang lại hiệu quả rất tích cực. Số tiền thu thuế kinh doanh xăng dầu đã tăng 20%, tương đương số thuế thu tăng 5 tỉ đồng/tháng, so với trước khi thực hiện dán tem.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 13 đoàn thanh, kiểm tra, trong đó có 7 đoàn theo kế hoạch và 6 đoàn thanh tra đột xuất. Qua thanh tra 551 cơ sở (gồm: 51 tổ chức, 500 cá nhân) đã phát hiện 219 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt trên 1 tỉ đồng.Các hành vi vi phạm chủ yếu: sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng, kinh doanh thức ăn chăn nuôi giả, không có giá trị sử dụng, công dụng, vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, sản xuất thực phẩm không phù hợp quy định an toàn thực phẩm, sản xuất thực phẩm không có giá trị công dụng sử dụng,…

Gỡ "vướng" để kiểm soát

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: Khó khăn trong xử lý những vụ việc bắt giữ thuốc lá điếu nhập lậu với số lượng từ 500 bao đến dưới 1.500 bao. Đó là, theo  Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018, tại Điều 190 quy định tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; đối với hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao thì phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm. Trong khi đó Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19-11-2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Chính phủ quy định xử phát vu phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán  hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định: Đối với hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính; trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Trong khi đó không có văn bản hướng dẫn giải quyết việc bắt giữ thuốc lá từ 500 bao đến dưới 1.500 bao cơ quan chức năng có chuyển hồ sơ đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự hay không.

Đối với mặt hàng xăng dầu và khí, tại Điểm a, Khoản 2, Điều 19 Nghị định số 67/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, thực hiện phạt tiền từ 40 triệu đến 60 triệu đồng đối với hành vi "Tổng đại lý, Đại lý kinh doanh xăng dầu, cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi mua, bán xăng dầu với các đối tượng ngoài hệ thống phân phối, trừ trường hợp bán trực tiếp cho người tiêu dùng", điều này chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm do lợi nhuận thu được từ việc mua bán xăng dầu ngoài hệ thống quá lớn.

Trong quá trình kiểm tra các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, lực lượng thanh tra gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, hiện nay nhiều công ty bán hàng theo hình thức phân phối trực tiếp người nông dân, hàng hóa bán không có hóa đơn, chứng từ nên lực lượng thanh tra khó để xử lý. Ông Lê Tấn Nẫm, Phó cục Trưởng Cục thuế TP Cần Thơ, cho biết: Tình hình kiểm soát thu thuế tại các điểm kinh doanh ăn uống vẫn còn chuyển biến chậm, nguyên nhân cũng là do người tiêu dùng không có thói quen đề nghị xuất hóa đơn khi sử dụng dịch vụ. Chưa kể, hình thức online (trực tuyến) ngày càng  phát triển,… những vấn đề này làm thất thu thuế khá nhiều. Để đối phó với vấn đề này, ngành thuế thiết lập 10 đường dây nóng tiếp nhận tố giác không xuất hóa đơn khi mua hàng.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trưởng BCĐ 389/TP cho rằng, để việc kiểm soát thị trường được chặt chẽ,  BCĐ 389/TP cần đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các đơn vị chức năng và địa phương. Những tháng cuối năm, thường các đầu môi cơ sở kinh doanh bắt đầu chuẩn bị hàng hóa Tết, do vậy Thường trực BCĐ 389/TP cần ban hành kế hoạch kiểm tra kiểm soát  để ngăn chặn những kẻ làm ăn gian dối tuồn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng… làm lũng đoạn thị  trường.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết