Bài, ảnh: KIẾN QUỐC
Với mục tiêu nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, những năm qua, các cấp Hội LHPN huyện Phong Điền đã có nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ hội viên; nhất là khuyến khích chị em tham gia các mô hình kinh tế tập thể. Từ đó, từng bước giải quyết những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; giúp chị em vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao mức sống.
Lãnh đạo Hội LHPN huyện Phong Điền và Hội LHPN xã Trường Long thăm hỏi tình hình sản xuất tại HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A (xã Trường Long).
Trong những ngày tháng Giêng, bà con Hợp tác xã (HTX) vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, phấn khởi khi nhắc về chuyện trái vú sữa của HTX được "xuất ngoại". Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A, chia sẻ: “HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A do Hội LHPN xã thành lập. Hiện nay, HTX có 45 thành viên trồng vú sữa trên diện tích khoảng 25 ha. Vụ mùa vừa qua, HTX cung ứng hơn 250 tấn vú sữa; trong đó có khoảng 90 tấn xuất khẩu thị trường Mỹ. Bình quân thu nhập của mỗi xã viên đạt trên 250 triệu đồng/ha, đời sống ngày càng vươn lên khấm khá”. Có được kết quả này, ngoài nỗ lực của các thành viên HTX còn có sự quan tâm rất lớn từ các ngành, Hội LHPN xã trong việc hỗ trợ HTX sản xuất, canh tác theo quy trình VietGAP, GLOBALGAP gắn với kết nối quảng bá và tiêu thụ nông sản.
Theo chị Nguyễn Thị Kim Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Long, đa phần hội viên phụ nữ trên địa bàn xã sinh sống chủ yếu nghề nông. Phát huy thế mạnh làm vườn, Hội luôn tích cực vận động chị em tham gia các mô hình kinh tế tập thể. Toàn xã Trường Long hiện có 3 tổ hợp tác (THT), 3 HTX do Hội LHPN xã quản lý, thu hút gần 200 hội viên phụ nữ và nông dân tham gia, như: THT may gia công, HTX chanh không hạt ấp Trường Hòa; HTX vườn cây ăn trái Trường Thọ 2A,… Trong quá trình xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, Hội LHPN xã luôn quan tâm, tìm hiểu quá trình sản xuất của hội viên để có hướng hỗ trợ kịp thời; tích cực liên kết với các công ty ký hợp đồng thu mua nông sản với giá cao. Hiện nay, 100% xã viên tại các HTX đều sản xuất đạt chuẩn VietGAP, GLOBALGAP. Hội đã xây dựng được 2 nhãn hiệu “Chanh không hạt Trường Long”, “Vú sữa Trường Khương A” và đang hỗ trợ xây dựng sản phẩm “Vú sữa bơ và vú sữa Lò Rèn” đạt chuẩn OCOP.
Mới đây, Hội LHPN xã Trường Long phối hợp Công ty TNHH Đầu tư phát triển Vạn Hòa ký kết biên bản ghi nhớ về việc phối hợp tạo điều kiện để trái sầu riêng mạnh mẽ thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A và HTX vườn cây ăn trái Trường Thọ 2A. Tin vui này khiến cho các thành viên HTX vô cùng phấn khởi. Bà Bùi Thị Châm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Trường Thọ 2A, Giám đốc HTX vườn cây ăn trái Trường Thọ 2A, xã Trường Long, cho biết: “HTX chúng tôi hiện có 27 thành viên, chủ yếu trồng sầu riêng và mít Thái trên tổng diện tích hơn 26ha. Trong đó, có 12,5ha sầu riêng đã cho trái. Khi nghe thông tin vui trái sầu riêng được thu mua bằng đường chính ngạch sang Trung Quốc, chúng tôi rất phấn khởi. Càng vui hơn khi Hội LHPN xã và các đơn vị chuyên môn đã hỗ trợ HTX hoàn tất hồ sơ thủ tục đăng ký mã vùng trồng để sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu”.
Không riêng Hội LHPN xã Trường Long, các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện đã nỗ lực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế; nhất là vận động, khích lệ chị em tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Số mô hình kinh tế tập thể tăng cả về lượng và chất, nội dung hoạt động thiết thực, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Hiện nay, các cấp Hội đang duy trì hiệu quả hoạt động của 3 THT, 4 tổ liên kết, 4 HTX và 15 mô hình kinh tế khác với 650 thành viên. Ngoài ra, các cấp Hội LHPN huyện cũng duy trì hiệu quả hàng trăm tổ, nhóm phụ nữ và các tổ ngành nghề: may gia công, làm bánh dân gian, đan dây nhựa,… tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động nữ. Để hỗ trợ chị em phát triển kinh tế gia đình, các cấp Hội LHPN huyện tạo điều kiện cho các chị tham gia tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ 4.0 vào kinh doanh; phối hợp với các đơn vị có liên quan hỗ trợ hội viên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Song song đó, các cấp Hội LHPN huyện còn đang quản lý 114 tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, giúp 5.454 hộ vay vốn với tổng dư nợ trên 212 tỉ đồng; duy trì hiệu quả các nhóm phụ nữ tiết kiệm giúp 1.265 lượt chị vay trên 1,92 tỉ đồng để đầu tư phát triển kinh tế.
Thông qua nhiều hình thức hỗ trợ cùng với sự năng động, sáng tạo của bản thân, nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh sẵn có ở địa phương để xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, vươn lên trở thành hộ khá, giàu và phát triển kinh tế bền vững.