Bằng nhiều cách làm sinh động, sáng tạo, Hội LHPN xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Hội đã giúp 18 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo; thành lập mới 3 tổ hợp tác (THT) đan ráp lú; khai giảng 2 lớp nghề đan dây nhựa; giới thiệu 90 lao động nữ làm việc tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài địa bàn...
Đan ráp lú là công việc khá nhẹ nhàng, giúp hội viên, phụ nữ xã Trung Thạnh có thêm thu nhập, nâng cao mức sống. Ảnh: Đơn vị cung cấp.
Nghề đan ráp lú ở xã Trung Thạnh hình thành cách nay khoảng 10 năm. Ban đầu, người dân địa phương chỉ đan ráp nhỏ lẻ, nhưng vài năm trở lại đây, nghề đã có “thương hiệu”, giúp nhiều hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã tăng thu nhập, nâng cao mức sống. Nhận thấy nghề đan ráp lú phù hợp với phần đông hội viên phụ nữ, tháng 5-2018, Hội LHPN xã Trung Thạnh thành lập THT Đan ráp lú tại ấp Thạnh Phú, thu hút 29 thành viên. Hội LHPN xã quan tâm tìm đầu mối tiêu thụ, giao nhận sản phẩm... Chị Hồ Thị Nhung, thành viên THT Đan ráp lú ấp Thạnh Phú, xã Trung Thạnh, chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ hái ớt, giặm lúa mướn theo mùa vụ nên thu nhập bấp bênh. Thấy bà con trong ấp đan lú, tôi học và gắn bó với nghề. Tôi từng làm việc đơn lẻ, tự tìm đầu mối để nhận gia công. Từ khi tham gia THT, chị em trong ấp tập hợp làm nghề; Hội LHPN xã liên hệ đầu mối tiêu thụ, giao nhận sản phẩm... Hiện nay, tranh thủ lúc rảnh rỗi, mỗi ngày, tôi và con gái học lớp 7 có thể đan 4 cái lú, thu nhập 200.000 đồng”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, thành viên THT Đan ráp lú ấp Thạnh Phú, xã Trung Thạnh, có hơn 9 năm gắn bó với nghề. Chị Hồng Thắm bộc bạch: “Gia đình tôi không có đất sản xuất. Trước đây, chồng tôi làm mướn, còn tôi ở nhà lo nội trợ nên không có nguồn thu nhập. Thấy chị em đan ráp lú, tôi học và nhận hàng gia công. Chồng và các con tôi cũng đan ráp lú để tăng thu nhập. Mỗi ngày, gia đình tôi đan 8-9 cái lú với giá gia công 50.000 đồng/cái. Tham gia THT Đan ráp lú, tôi rất yên tâm vì có việc làm ổn định, đời sống gia đình được cải thiện”.
Theo chị Võ Thị Ngọc Hân, Chủ tịch Hội LHPN xã Trung Thạnh, kể từ khi thành lập THT Đan ráp lú, hội viên phụ nữ ấp Thạnh Phú rất phấn khởi vì có công việc ổn định, chị em cùng nhau sản xuất kinh doanh. Đến nay, THT Đan ráp lú thu hút trên 50 hội viên phụ nữ; mỗi gia đình hội viên đều có 2-4 người tham gia. Từ hiệu quả của mô hình THT Đan ráp lú tại ấp Thạnh Phú, Hội LHPN xã đã nhân rộng ra các ấp lân cận, như Thạnh Phước, Thạnh Lợi, Thạnh Lộc 1, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 150 hội viên phụ nữ.
Cùng với mô hình THT Đan ráp lú, Hội LHPN xã Trung Thạnh phối hợp mở các lớp dạy nghề đan dây nhựa; duy trì nhiều mô hình giúp nhau làm kinh tế, như: THT Cơm rượu, Câu lạc bộ Nữ tiểu thương đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp hội viên, phụ nữ có thu nhập, ổn định cuộc sống. Chị Võ Thị Ngọc Hân, Chủ tịch Hội LHPN xã Trung Thạnh, nhấn mạnh: “Hội LHPN xã xác định hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là nhiệm vụ ưu tiên, xuyên suốt trong quá trình công tác. Hội tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo bước chuyển mạnh mẽ cho chị em trong cách nghĩ, cách làm; xây dựng các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế hiệu quả”. Hằng năm, Hội LHPN xã chủ động rà soát số lượng hội viên, phụ nữ nghèo và hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để xây dựng kế hoạch giúp đỡ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp hoàn cảnh từng người. Cụ thể là hỗ trợ vốn vay ưu đãi; đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; tập huấn kỹ thuật canh tác, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ hội viên, phụ nữ tiếp cận thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương...
Hiện nay, từ nguồn ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội đã phát vay trên 25 tỉ đồng; duy trì 1 tổ góp vốn xoay vòng giúp nhiều chị em vay vốn phát triển kinh tế hiệu quả. Song song với việc hỗ trợ về vốn, nửa đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Hội phối hợp tổ chức 2 lớp nghề đan dây nhựa với 60 học viên tham gia; giới thiệu 90 lao động nữ làm việc tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài địa bàn; thường xuyên tạo điều kiện để chị em tham gia giao lưu, kết nối tiêu thụ sản phẩm...
Thông qua nhiều giải pháp thiết thực, nửa đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Hội LHPN xã Trung Thạnh đã phát huy tốt vai trò đồng hành, hỗ trợ nhiều hội viên, phụ nữ xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, mạnh dạn và chủ động hơn trong lao động sản xuất; giúp 18 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.