09/12/2013 - 22:16

HƯỚNG NGHIỆP HỌC SINH PHỔ THÔNG

Giúp học sinh “nhìn xa, trông rộng”

Giáo dục hướng nghiệp là một bộ phận của giáo dục toàn diện, giúp học sinh hiểu biết về tính chất của ngành nghề và có cơ sở chọn lựa nghề nghiệp phù hợp với mình. Xác định vai trò quan trọng của công tác giáo dục hướng nghiệp, thời gian qua, các trường phổ thông đã đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động liên quan, nhưng vẫn gặp một số khó khăn.

Bạn Nguyễn Thị Cẩm Tiên, học sinh lớp 12B1, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (quận Cái Răng), cho biết: "Sau khi tốt nghiệp THPT, em sẽ thi khối C vào ngành Cử nhân Ngữ văn hoặc báo chí. Với ngành cử nhân Ngữ văn, em có thể công tác ở lĩnh vực truyền thông hoặc sư phạm. Từ khi học giờ hướng nghiệp do thầy giảng dạy, em càng yêu thích ngành Ngữ văn hơn, bởi phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế của mình". Cẩm Tiên là học sinh giỏi của lớp. Không chỉ vậy, các môn khoa học xã hội nhân văn vốn là thế mạnh của Tiên. Để thực hiện ước mơ, Cẩm Tiên đang cố gắng "dùi mài kinh sử" thi đậu tốt nghiệp THPT, mới tính đến chuyện thi đại học. Theo Cẩm Tiên, hầu hết 35 học sinh lớp 12B1 đạt học lực khá, giỏi; có ý định chọn học ngành sư phạm, truyền thông hoặc nghề xã hội đang cần.

Thời gian qua, một số đơn vị truyền thông, Bộ GD&ĐT phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tổ chức Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, thu hút nhiều học sinh phổ thông tham gia.

Trường THPT Nguyễn Việt Dũng hiện có 288 học sinh lớp 12 (trong tổng số 910 học sinh toàn trường). Theo thầy Nguyễn Ngọc Đệ, giáo viên dạy môn Văn (kiêm công tác giáo dục hướng nghiệp học sinh của trường), giáo dục hướng nghiệp là môn học chính khóa. Hằng năm, giáo viên giảng dạy môn này cho học sinh từ tháng 9 đến cuối tháng 3, với 8 chủ đề (mỗi tháng 1 chủ đề). Hoạt động hướng nghiệp còn được linh động lồng ghép vào các giờ: chào cờ đầu tuần, sinh hoạt chủ nhiệm hay phối hợp với các đơn vị truyền thông để tư vấn cho học sinh… Bên cạnh tư vấn về trường, ngành học, công tác hướng nghiệp giúp học sinh biết tự lượng sức mình để chọn lựa ngành học phù hợp với khả năng. Thầy Đệ nói: "Qua công tác hướng nghiệp, năm học 2012-2013, trường có 34% học sinh trúng tuyển đại học, cao đẳng chính quy".

Thực tế, có 2 dạng tư vấn hướng nghiệp học sinh các trường phổ thông: hướng nghiệp nghề và hướng nghiệp tuyển sinh đại học, cao đẳng. Nếu hướng nghiệp nghề giúp học sinh hiểu tổng quan các nghề và học nghề đó để làm gì; thì hướng nghiệp tuyển sinh giúp học sinh nắm trường học, ngành học, khối thi… để chọn ngành học phù hợp sau khi tốt nghiệp THPT. Thông thường, hướng nghiệp tuyển sinh được tổ chức sâu rộng vào khoảng tháng 2, kéo dài đến gần thi tốt nghiệp THPT, đại học, nhằm giúp học sinh chọn ngành, nghề phù hợp cũng như phân luồng hiệu quả học sinh phổ thông. Không riêng Trường THPT Nguyễn Việt Dũng mà ở các trường: THPT Châu Văn Liêm, Nguyễn Việt Hồng, Lưu Hữu Phước, Thới Lai… đều đẩy mạnh hoạt động này. Cô Lê Di Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm, nói: "Vào các buổi chiều thứ ba, thứ năm và ngày thứ bảy, trường dạy giáo dục hướng nghiệp nghề cho học sinh phổ thông. Ngoài ra, trường còn phối hợp với các đơn vị tổ chức tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh cho học sinh".

Hiệu quả công tác hướng nghiệp học sinh thời gian qua ở các trường đã rõ nhưng theo cán bộ các trường, công tác này vẫn còn khó khăn. Thầy Nguyễn Ngọc Đệ nói: "Vẫn còn một số chủ đề giáo dục hướng nghiệp xa rời thực tế, như chủ đề phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010, nhưng thời điểm này đã là năm 2013. Do đó, chúng tôi chỉ dạy lướt qua hoặc đổi chủ đề, tạo điều kiện để học sinh phát biểu ý kiến định hướng nghề nghiệp. Mặt khác, học sinh cần đi thực tế ở các đơn vị, cơ sở đào tạo, bởi "tai nghe không bằng mắt thấy". Song, nhà trường không có kinh phí để tổ chức hoạt động này cũng như không dễ hợp tác với cơ sở đào tạo để tạo điều kiện cho học sinh tham quan…".

Những năm gần đây, thông qua công tác hướng nghiệp, việc chọn ngành học, trường học của học sinh, phụ huynh có chuyển biến nhưng còn chậm. Nhiều học sinh, phụ huynh chuộng thi vào những ngành "hot" (y dược, kinh tế…) hoặc chỉ chọn đại học, chứ ít vào cao đẳng, trung cấp, nghề. Đơn cử như Trường THPT Lưu Hữu Phước (quận Ô Môn), Trường THPT Thới Lai, THPT Nguyễn Việt Dũng, có 70%-80% học sinh khối lớp 12 đăng ký dự thi vào trường đại học hoặc đại học dân lập. Thầy Đệ cho rằng: Phụ huynh học sinh vẫn chưa định hướng cho học sinh, vẫn còn tâm lý chọn nghề theo số đông. Mặt khác, do tâm lý chuộng bằng cấp, trường rất khó định hướng học sinh học nghề theo nhu cầu xã hội (như nghề hàn, tiện). Theo ông Trần Văn Lực, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, tâm lý học sinh muốn vào đại học là phổ biến, bởi mức lương bậc học trung cấp thấp so với đại học… Quan trọng hơn, chính sách hỗ trợ phân luồng và giáo dục nghề nghiệp của Trung ương và địa phương chưa được chú trọng, đội ngũ cán bộ làm công tác hướng nghiệp ở các trường phổ thông hạn chế.

Theo lãnh đạo các trường phổ thông, để giáo dục hướng nghiệp thêm sâu rộng, cần sự hỗ trợ kinh phí từ Trung ương và địa phương để hoạt động hướng nghiệp được thực hiện thường xuyên và đa dạng hơn. Mặt khác, muốn thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh trong chọn ngành nghề phù hợp với khả năng bản thân và nhu cầu xã hội, cần lâu dài, căn cơ, đồng thời, phải cộng đồng trách nhiệm toàn xã hội. Chẳng hạn, chính quyền địa phương tham gia tư vấn hướng nghiệp, thông qua cung cấp thông tin hoạch định chiến lược nguồn nhân lực, ngành, nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội những năm tới, để học sinh tiếp cận đầy đủ, nhiều chiều hơn và chọn ngành, nghề phù hợp.

Bài, ảnh: Đ.Ngọc

 

Chia sẻ bài viết