30/01/2008 - 22:17

Giúp địa phương "xóa nghèo" về pháp luật!

Những ngày cuối tháng 1-2008, Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư và Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Sóc Trăng thực hiện chương trình trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân ở 3 xã Tân Long, Long Bình và Mỹ Bình của huyện vùng sâu Ngã Năm.

Theo bà Cao Thị Thanh Thảo, Phó Chánh văn phòng Bộ Tư pháp, đây là một hoạt động vừa góp phần tuyên truyền pháp luật, giúp người dân gỡ rối những vấn đề phát sinh trong đời sống liên quan đến pháp luật, vừa giúp cho địa phương chấn chỉnh phong cách làm việc, nâng cao trình độ nghiệp vụ để giảm phiền hà cho dân...

8 giờ sáng 27-1-2008, rất nhiều người dân đã có mặt tại trụ sở UBND xã Tân Long - địa điểm thực hiện chương trình trợ giúp pháp luật miễn phí. Có 15 luật sư và chuyên viên trực tiếp giải đáp thắc mắc người dân đặt ra. Trước đó, UBND xã Tân Long đã thông báo công tác trợ giúp pháp luật mang tính hướng dẫn nội dung, trình tự thủ tục theo quy định hiện hành, không tham gia giải quyết vụ việc. Thế nhưng, khi tiếp xúc với phóng viên, bà Huỳnh Thị Nữ (80 tuổi, ở xã Long Tân) vẫn hy vọng Trung ương về trả tiền bồi thường cho bà theo đơn khiếu nại. Trước giải phóng, gia đình bà Nữ khai phá 5,3ha đất trồng lúa. Sau khi Lâm trường Mỹ Phước lấy đất làm rừng, chỉ bồi thường huê lợi cho bà 3 ha, phần còn lại không giải quyết. Bà Nữ đã “ôm” hồ sơ đến nhiều cơ quan chức năng nhưng chỉ nhận được phiếu thông báo chuyển đơn, còn ngành nào giải quyết thực sự thì bà Nữ không biết. Tìm hieu nguyên nhân, luật sư tư vấn mới “vỡ lẽ”, từ trước đến nay, bà Nữ toàn khiếu nại vượt cấp. Vì vậy, bà không nhận được kết quả giải quyết mà chỉ nhận được thông báo chuyển đơn cũng là điều dễ hiểu...

Câu chuyện của ông Lê Hữu Tiến (ở xã Tân Long) liên quan đến công tác hộ tịch của cán bộ tư pháp cấp cơ sở. Theo yêu cầu tư vấn của ông Tiến, người con út của ông kết hôn từ năm 2004, có cưới hỏi đàng hoàng nhưng không đăng ký kết hôn. Hiện nay, con dâu ẵm cháu nội của ông bỏ về nhà mẹ đẻ (ngụ cùng ấp). Gia đình ông đã đến năn nỉ nhiều lần nhưng cô con dâu dứt khoát đoạn tình. Con trai của ông nhờ tới khu vực hòa giải cũng không thành. Vụ việc được chuyển đến UBND xã Tân Long. Tại đây, cán bộ giải quyết cho rằng: Nếu con trai ông Tiến muốn giải quyết ly hôn thì phải làm lại thủ tục đăng ký kết hôn. Vì con dâu không chịu “đã dứt tình còn đăng ký kết hôn” nên suốt thời gian dài, cậu con trai của ông không có cơ hội đi tìm thêm “một nửa của mình”. Luật sư Nguyễn Viết Chinh cho rằng, đây là một quan hệ diễn ra rất phổ biến tại các địa phương và cũng rất đơn giản trong việc giải quyết. Thế nhưng, theo trình bày của ông Tiến thì cán bộ của UBND xã Tân Long đã giải thích sai pháp luật cho người dân. Thay vì hướng dẫn người dân nộp hồ sơ ra tòa án giải quyết lại “đẩy” người dân vào vòng bế tắc. Qua tìm hiểu, phóng viên còn phát hiện: Ông Tiến có 3 người con trai, cả 3 đã kết hôn nhưng không ai làm thủ tục đăng ký kết hôn cả. Ông Tiến cho rằng, hai cậu con thứ hai và thứ tư của ông lập gia đình khi chưa đủ tuổi nên không ai làm đăng ký. Đến nay, ông Tiến đã có 6 đứa cháu nội nhưng các con ông chưa ai có một cuộc hôn nhân phù hợp pháp luật. Ông Tiến thừa nhận: Ở xã vẫn cho các cháu đăng ký khai sinh bình thường, không ai nhắc nhở phải làm thủ tục đăng ký kết hôn cả.

Chuyên viên tư vấn của Báo Pháp luật Việt Nam đang tư vấn cho người dân tại xã Tân Long, huyện Ngã Năm.
Anh Nguyễn Văn Nhanh (ở xã Long Bình) xin tư vấn pháp luật để đòi lại 18 con vịt đẻ bị mất. Theo trình bày của anh này, trước đó, anh có mua 18 con vịt của ông Thi (người cùng ấp). Sau 3 ngày về với chủ mới, đàn vịt lại bỏ sang, nhập đàn với vịt của ông Đường (cũng ở cùng ấp). Mặc dù anh phát hiện và thông báo ngay nhưng ông Đường vẫn kiên quyết không trả vịt. Khi luật sư tư vấn hỏi kỹ mới biết, vì 18 con vịt đẻ mà anh Nhanh đã hơn 3 tháng nay mất ăn mất ngủ... Anh Nhanh cũng cho biết thêm, khi xảy ra sự việc, công an ấp đã đến “đo đạc hiện trường” từ nơi mất vịt đến nơi đàn vịt của ông Đường “cư ngụ” khoảng 200 mét, có cơ sở cho rằng vịt của anh đã nhập đàn với vịt người hàng xóm nên xử cho anh thắng kiện. Đến nay, gần 100 ngày rồi, ông Đường vẫn không trả vịt. Chuyên viên tư vấn vụ việc này cho rằng: Vụ án của anh Nhanh nếu xét về góc độ pháp luật thì rất phức tạp. Tuy nhiên, khi xảy ra sự việc, nếu cán bộ địa phương đến giải quyết ngay, căn cứ vào những quy luật trong chăn nuôi... để giải quyết thì anh Nhanh không phải khổ sở như thế. Đến nay vì thời gian quá dài, nếu muốn được pháp luật bảo vệ thì anh Nhanh chỉ còn cách tập hợp chứng cứ chứng minh 18 con vịt đẻ của mình đang ở trong đàn của nhà hàng xóm để khởi kiện ra tòa án!

Theo thống kê của Ban Tổ chức chương trình, trong 52 vụ việc người dân yêu cầu trợ giúp pháp lý, những vấn đề về chính sách cũng chiếm số lượng lớn. Nhiều người dân cho biết, gia đình họ có người thân hy sinh trong chiến tranh, được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến từ năm 2002 đến nay nhưng không nhận được tiền. Liên hệ với huyện thì được trả lời chưa có tiền! Liên hệ với xã thì cán bộ trả lời: “Nhiều chuyện, cứ chờ khi nào có tiền sẽ gọi...”.

Bà Cao Thị Thanh Thảo, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp, cho rằng: Rất nhiều vụ việc đáng lẽ đã không bị “rắc rối hóa” nếu cán bộ cấp cơ sở chịu khó hướng dẫn hoặc giải thích cặn kẽ với người dân. Công tác trợ giúp pháp lý cũng phát hiện các xã vùng sâu còn rất nhiều khiếm khuyết trong công tác hộ tịch, nhiều vụ việc giải quyết sai thẩm quyền (UBND xã ban hành văn bản công nhận quyền sử dụng đất cho một đồng thừa kế...). Khi nhận được tư vấn của người dân, bà Thảo yêu cầu chính quyền địa phương khắc phục ngay những điểm sai sót, giải quyết nhanh những thủ tục giấy tờ cho người dân.

Bà Nguyễn Bích Loan, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng phía Nam, Báo Pháp luật Việt Nam, cho biết: “Sau những lần tổ chức trợ giúp pháp lý cho người dân nghèo ở các vùng nông thôn sâu, chúng tôi càng phát hiện được cái đói, nghèo về pháp luật của người dân. Chính vì sự “đói, nghèo” đó mà khi xảy ra chuyện tranh chấp, vướng mắc, bà con không biết tìm đến đâu để yêu cầu giải quyết. Họ chỉ còn cách gõ cửa cơ quan chức năng gần gũi nhất, đó là chính quyền địa phương. Vì vậy, vai trò của địa phương vô cùng quan trọng. Bên cạnh công tác tuyên truyền pháp luật, vấn đề đặt ra trước tiên là phải nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ quản lý Nhà nước tại địa phương. Nếu những giải pháp này được tiến hành song song thì công cuộc “xóa đói, nghèo” về pháp luật mới thực sự có hiệu quả”.

Bài, ảnh: THU HUYỀN PHAN

Chia sẻ bài viết