Gia đình của chị Lâm Thị Hương và anh Sơn Đel ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, đã giữ gìn nghệ thuật Rô-băm trải qua 5 thế hệ, khoảng 200 năm.

Nghệ nhân Lâm Thị Hương và nghệ nhân Sơn Đel đang làm mặt nạ.
Nghệ nhân Lâm Thị Hương học nghề từ cha chị - nghệ nhân Lâm Vel, sinh năm 1924 - thế hệ thứ tư của gia đình lưu truyền nghệ thuật Rô-băm. Từ những năm 50-60 của thế kỷ XX, nghệ nhân Lâm Vel kế tục truyền thống gia đình, lập ra đoàn Rô-băm lấy tên Res-xmay (Ánh Sáng) Bưng Chông với khoảng 22 người, đi diễn nhiều nơi trong tỉnh như Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Thạnh Trị, Long Phú… Từ năm 1975 đến những năm 1990, đoàn Res-xmay Bưng Chông tạm ngưng hoạt động. Lúc này, tuy nghỉ lưu diễn nhưng nghệ nhân Lâm Vel vẫn giữ nghề, tiếp tục truyền dạy lời ca, điệu múa cho con gái và dạy cách làm mặt nạ Rô-băm cho con rể là nghệ nhân Sơn Đel, để nghệ thuật truyền thống được giữ gìn.
***
Kịch múa Rô-băm là loại hình nghệ thuật cung đình cổ điển của đồng bào dân tộc Khmer. Sân khấu Rô-băm là nghệ thuật tổng hợp gồm có múa, hát, trang phục, mặt nạ… Nghệ thuật Rô-băm dùng ngôn ngữ múa để diễn tả các câu chuyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết, dã sử. Các tích cũ khai thác từ đề tài đạo Phật, đạo Bà-la-môn, trích trong bộ sử thi đồ sộ Ramayana của Ấn Độ. Những điều răn dạy, giáo dục và đạo lý: ở hiền gặp lành, cái thiện thắng cái ác, gieo gió gặt bão… được sân khấu hóa trong kịch múa Rô-băm.
Do có nguồn gốc cung đình nên trang phục, hành động kịch, thoại kịch… của các nhân vật trên sân khấu này là vua chúa, quan lại. Sân khấu kịch múa Rô-băm được thiết kế đúng quy cách, bài bản, chặt chẽ và mang tính ước lệ cao; có nhiều tương đồng với hát tuồng, hát bội của người Việt và nhiều loại hình sân khấu cổ điển châu Á.
Trong một kịch múa Rô-băm thường có hai tuyến nhân vật. Tuyến nhân vật đại diện cho cái thiện không đeo mặt nạ, chỉ đội mão. Tuyến đại diện cho cái ác có đeo mặt nạ, mà tiêu biểu là nhân vật chằn. Các nhân vật trong kịch múa Rô-băm biểu diễn các động tác chân, tay, vai theo quy ước riêng cho từng loại nhân vật. Theo chị Lâm Thị Hương, trong nghệ thuật Rô-băm có 33 điệu múa, thể múa. Trong đó, thể tay cơ bản có 8 điệu, múa chằn có 12 điệu, mỗi điệu có cách tạo hình và ý nghĩa khác nhau. Mặt nạ sử dụng trong nghệ thuật này có sự tiếp thu sân khấu Ấn Độ, được tạo hình rất công phu, mỹ thuật.
Sân khấu Rô-băm sử dụng từ 12-16 loại mặt nạ. Riêng mặt nạ chằn, có đến 10 mặt, được làm nhiều tầng, xoay tròn 4 phía, thể hiện sự biến hóa khôn lường, tâm địa, hành vi. Các loại mặt nạ trên sân khấu Rô-băm được sử dụng hết sức sinh động, biến hóa, thu hút khán giả. Việc sử dụng này còn thể hiện một quan niệm xưa của người Khmer: các nhân vật nói trên sẽ “nhập hồn” vào mặt nạ thay vì vào người thật trong cuộc sống đời thường.
Bên cạnh các điệu múa và nhiều loại mặt nạ, y trang trong sân khấu Rô-băm cũng có quy ước riêng. Bộ y trang thường có: yếm cổ, khăn nịt ngực, yếm bụng, yếm lưng, bao buộc chân, tay... màu sắc sặc sỡ. Cùng với các nhân vật thiện, ác, trên sân khấu Rô-băm còn có vai hề để gây cười, làm sôi động sân khấu. Sân khấu Rô-băm sử dụng các nhạc cụ chính: trống vỗ bằng tay, trống đánh bằng dùi, chiêng và kèn Slay-rom. Trống dùng thúc giục những trận chiến đấu với chằn, kẻ ác; kèn đệm vào những cảnh ai oán, nhân vật gặp khổ nạn…
***
Nghệ nhân Sơn Đel (61 tuổi), người chuyên thủ vai chằn, vừa làm các loại mặt nạ cho đoàn hát, cho biết mỗi mặt nạ được làm khá công phu, với 5 công đoạn. Phần cốt mặt nạ được tạo bằng bộp dừa nước tươi chẻ nhỏ cột lại, sau đó dùng đất sét trét, nặn, tạo hình. Kế đến dùng vải mỏng cắt vuông 3x3cm nhúng mủ cây mặc nưa đắp bên ngoài. Chờ cho lớp thứ nhất khô (khoảng 1 ngày), đắp lớp kế tiếp; mỗi mặt nạ thường đắp từ 8-10 lớp vải nhúng mủ cây mặc nưa. Sau khi lớp vải cuối khô, nghệ nhân tạo chi tiết: mũi mắt, tai bằng chai trét ghe, xuồng. Sau khi tạo chi tiết, dùng sơn dầu vẽ trang trí thêm các đường nét khác. Cuối cùng, đục bỏ cốt bộp dừa, đất sét và sơn vẽ hoàn thiện mặt nạ. Mỗi mặt nạ cần khoảng 1 tháng để hoàn thành. Do mặt nạ chủ yếu làm bằng vải quện với mủ mặc nưa nên rất nhẹ, dẻo dai, độ bền từ 20-25 năm.
Từ những năm 2000, kịch múa Rô-băm được Nhà nước quan tâm, đẩy mạnh các biện pháp bảo tồn, phát huy. Năm 2007, Đoàn Rô-băm Bưng Chông được mời tham gia Lễ hội Đời sống dân gian Smithsonian tại Washington DC, Hoa Kỳ; hằng năm tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 18-11 tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Hà Nội. Năm 2019, nghệ thuật Rô-băm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; chị Lâm Thị Hương được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Năm 2020, Đoàn được mời biểu diễn kịch múa Rô-băm, trình diễn các công đoạn làm mặt nạ trong Chương trình Sắc Xuân miệt vườn tại Bảo tàng TP
Cần Thơ…
Nghệ thuật Rô-băm hiện đang gặp không ít khó khăn trong việc lưu truyền. Chị Lâm Thị Hương cho biết, muốn học các vũ điệu cần phải có sự kiên trì, dẻo dai. Theo chị, khó nhất là kịch múa sử dụng nhiều từ ngữ Khmer cổ ngày nay không còn thông dụng trong dân gian, muốn truyền dạy cho học trò, chị phải phiên âm ra tiếng Việt… Chính vì thế mà nhân sự Đoàn Rô-băm Bưng Chông hiện nay chủ yếu là con cháu, anh em, bà con thân tộc trong gia đình chị Hương, anh Đel.
Kịch múa Rô-băm là loại hình nghệ thuật tổng hợp chứa đựng nhiều giá trị truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer. Nghệ thuật này cần sớm được lưu truyền, nhân rộng để được gìn giữ, phát huy mạnh mẽ hơn. Rô-băm không chỉ biểu diễn trong các lễ hội lớn của dân tộc Khmer mà còn có thể khai thác trong các tour du lịch trải nghiệm di sản văn hóa.
------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Ngọc Canh, 2013, Nghệ thuật múa truyền thống Khmer Nam bộ, Nxb Văn hóa.
2. Cao Huy Đỉnh, 2003, Tìm hiểu thần thoại Ấn Độ, Nxb Khoa học xã hội.
3. Sơn Phước Hoan, 1998, Các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ, Nxb Giáo dục.
Bài, ảnh: Ngọc Anh