29/03/2008 - 22:53

Giới trẻ đang nghĩ gì về phim "Thái Tổ Lý Công Uẩn"?

Trong hai tuần qua, hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng đều nói về những bất cập quanh dự án làm phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội “Thái Tổ Lý Công Uẩn”, do Hãng phim Truyện Việt Nam thực hiện với dự toán kinh phí lên đến 200 tỉ đồng. Rất nhiều ý kiến của những người trong cuộc lẫn các nhà chuyên môn quanh bộ phim đã được nêu lên.

Những người trẻ yêu thích phim ảnh đang nghĩ như thế nào về sự việc đang gây tranh cãi này?

Trên các trang web chuyên về điện ảnh như dienanh.net, moviesboom.com, yxine.com, phimviet.net và mục phản hồi trên các tờ báo điện tử Tuổi Trẻ, Thanh Niên online, VietNamNet, VNExpress... tràn ngập những ý kiến bày tỏ quan điểm riêng về bộ phim “Thái Tổ Lý Công Uẩn”.

Phác thảo cảnh thuyền rồng trên sông trong phim “Thái Tổ Lý Công Uẩn”. Ảnh: dienanh.net 

Nhiều người cho rằng nhờ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội mà khán giả nước nhà mới có dịp xem phim lịch sử Việt Nam được đầu tư lớn, các nhà làm phim có thêm cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các nhà sản xuất phim nước ngoài khi mời họ dựng phim, thực hiện kỹ xảo... Phim “Thái Tổ Lý Công Uẩn” sẽ giúp giới trẻ hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, con người thời nhà Lý – một trong những triều đại huy hoàng nhất lịch sử nước ta. Trên moviesboom, nick theone1984 hy vọng: “Đây sẽ là bộ phim hoành tráng, vì có thời gian thực hiện đến hai năm và để kỷ niệm 1.000 năm Hà Nội, sẽ không ai dám làm ẩu đâu! Biết đâu sau phim này mà được xem nhiều phim về nhà Trần, nhà Lê, nhà Nguyễn...”.

Một luồng dư luận khác ngược lại cho rằng không nên làm phim “Thái Tổ Lý Công Uẩn” chỉ vì lý do kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Bởi lâu nay phim được làm để kỷ niệm, trình chiếu trong những dịp lễ, để rồi xếp kho. Điện ảnh Việt Nam lâu nay đã tốn không ít tiền của để thực hiện, các phim loại này đều từ tiền ngân sách. Đây cũng là ý kiến nhận được nhiều ủng hộ nhất, vì rất nhiều người cho rằng một tác phẩm nghệ thuật không nhất thiết phải ra đời để kịp ngày lễ hay kỷ niệm, mà là sự “chín mùi” trong xây dựng chủ đề tư tưởng, trong tìm tòi nghệ thuật thể hiện, chỉnh chu trong chuẩn bị bối cảnh và quá trình nghiền ngẫm kịch bản thấu đáo của cả ê-kíp làm phim. Trong khi đó, chỉ còn 2 năm nữa là đến 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhưng đến nay những người làm phim vẫn chưa thống nhất với nhau sẽ làm phim về Lý Thái Tổ theo hướng nào (!).

Có những ý kiến dung hòa giữa hai luồng dư luận trên: vẫn làm phim “Thái Tổ Lý Công Uẩn” nhưng phải căn cứ trên năng lực hiện có của điện ảnh nước ta để chọn cách làm phim thích hợp. Quan trọng nhất là nội dung kịch bản phải sâu sắc, bối cảnh gọn nhưng phải tinh, nhiều chi tiết “đắt” để khắc họa chân dung Lý Thái Tổ một cách toàn vẹn nhất. Không nên “tham” những đại cảnh hoành tráng trong khi điện ảnh Việt Nam chưa đủ kinh nghiệm. Một bạn trẻ có nick yeuphimviet viết trên dienanh.net: “Điện ảnh nước ta vốn không có nền tảng về phim lịch sử thời phong kiến, ngoài mấy phim đơn giản như “Lửa cháy thành Đại La”, “Đêm hội Long Trì”... được thực hiện cách đây mười mấy năm. Trong khi đó, xem phim lịch sử Trung Quốc – nước gần gũi nhất với ta – có thể thấy quá trình đi lên từ từ trong suốt gần 20 năm qua. Khởi đầu là những bộ phim chân dung nhân vật lịch sử bám sát với chính sử, sau đó mới đến các bộ phim về sự kiện lịch sử, rồi đến phim hoành tráng về nhân vật hòa quyện trong sự kiện”.

Qua những ý kiến khác nhau quanh dự án làm phim “Thái Tổ Lý Công Uẩn”, có thể thấy giới trẻ rất trông chờ được xem phim lịch sử Việt Nam được đầu tư đàng hoàng, nội dung kịch bản sâu sắc - điều chính yếu là những người thực hiện nghiêm túc và tác phẩm phải có giá trị thực sự.

XUÂN VIÊN

Chia sẻ bài viết