Trong gian nhà nhỏ, chật hẹp ở khu vực 4, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, chị Lê Ngọc Liễu, sau khi kiểm tra lại sổ sách ghi chép công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của khu vực, thì bắt tay vào nấu bữa ăn chiều cho gia đình 4 người. Nhìn từng động tác gọn gàng, vén khéo, tôi cảm nhận được tình yêu nồng ấm của chị dành cho chồng con.
 |
Hằng ngày, tự tay nấu bữa cơm ngon cho chồng con là niềm vui của chị Liễu
|
Sinh trưởng trong gia đình lao động nghèo ở phường An Hòa, 8 chị em chị Liễu (chị Liễu thứ sáu) nếm trải tuổi thơ cơ cực, khốn khó, nhưng vẫn được học hành như bao bạn bè trang lứa. Cha đột ngột lâm bệnh nặng qua đời, gia cảnh càng thêm khó khăn, thương gánh nặng áo cơm oằn vai mẹ, đến lớp 11, chị Liễu phải nghỉ học, gác lại ước mơ vào ngành y. Hằng ngày, chị phụ mẹ bán dạo bánh kẹo, nước giải khát ở Bến xe mới. Năm 1987, chị quen và kết hôn với anh Bùi Thanh Liêm, là bộ đội xuất ngũ, chạy xe đạp ôm kiếm sống. Nhớ lại chuyện cũ, chị Liễu nói: "Lúc đó, gia đình anh Liêm nghèo và đông anh em, nhưng tôi không ngại, vì gia cảnh mình cũng như thế
". Lật giở từng tấm hình đám cưới cũ kỹ, hoen ố, chị Liễu kể tôi nghe những phấn đấu không ngừng của hai vợ chồng để gầy dựng hạnh phúc trong căn chòi rách nát, che chắn tạm bợ bởi những miếng các tông, cất nhờ trên mảnh đất 8m2 của gia đình chồng cho để ra riêng. Vợ chồng chị bươn chải buôn bán, tích lũy và chăm sóc, nuôi nấng 2 người con trai là Bùi Thanh Luân (sinh năm 1988) và Bùi Lê Hoàng Nam (sinh năm 1990).
Thêm 2 miệng ăn, khó khăn càng thêm chồng chất. Anh chị không ngại cực nhọc, tìm nhiều việc làm thêm. Chị Liễu nói: "Mình thì sao cũng được, nhưng phải lo cho các con để chúng phát triển mạnh khỏe, trở thành công dân tốt
". Khi các con học cấp I, chị Liễu nghỉ bán trái cây, chuyển sang nghề bán vé số dạo để có thu nhập nhiều hơn. Mỗi sáng sớm, chị Liễu lo dọn dẹp, chuẩn bị cơm trưa cho chồng con, rồi quầy quả đi bán. Khi Luân lớn thêm vài tuổi, thì cháu một buổi đi học, một buổi phụ mẹ bán vé số, để trang trải chi tiêu gia đình. Thương con biết phụ giúp mẹ, nhưng lo con xao nhãng việc học tập, chị Liễu không bằng lòng nhưng Luân hứa: "Để con đi bán tiếp mẹ, con sẽ cố gắng học, mẹ đừng lo". Hơn 10 năm ròng rã, chị Liễu giong ruổi với xấp vé số, cùng chồng dành dụm vun quén gia đình, với tâm niệm nuôi dạy các con nên người.
Cuộc sống tiếp tục thử thách chị với bao khó khăn vây bủa, khi năm 2004, anh Liêm bị bệnh phổi khá nặng, do quá lao lực. Suốt một năm dài, chị Liễu vừa đi bán vé số, vừa chăm sóc, động viên chồng trị bệnh. Lúc đó, do gia cảnh quá thắt ngặt, Luân phải nghỉ học khi tốt nghiệp THPT, thi trượt đại học; còn Nam nghỉ học khi đang dở dang lớp 10, để kiếm việc làm. Năm 2005, sức khỏe anh Liêm dần hồi phục, hàng ngày mướn xe chạy hon-đa ôm chở khách. Năm 2008, anh Liêm được phường hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết. Cả gia đình cùng ra sức làm việc, dành dụm tu bổ và mua sắm vật dụng sinh hoạt. Hơn năm qua, chị Liễu nghỉ bán vé số, chuyển sang nghề phụ việc bếp ăn tập thể ở công ty tư nhân, mức lương 1,7 triệu đồng/tháng. Luân và Nam làm bảo vệ, thu nhập hằng tháng khá ổn định, có thể phụ mẹ trang trải các khoản chi tiêu. Sau một thời gian, chị Liễu dành dụm được tiền, mua xe gắn máy trả góp, làm phương tiện để anh Liêm chạy xe ôm. Chị Liễu nói: "Theo tôi, mỗi thành viên gia đình tích cực lao động, cùng chia sẻ khó khăn, chi tiêu tiết kiệm, là nền tảng xây dựng gia đình thuận hòa, hạnh phúc".
Nhiều năm qua, chị Liễu dành thời gian tham gia cộng tác viên dân số ở khu vực và luôn làm tốt nhiệm vụ nên được địa phương và người dân tin cậy, quý mến. Do biết sắp xếp thời gian, công việc hợp lý và được chồng con hỗ trợ, tạo điều kiện nên chị Liễu không chỉ giỏi việc nhà mà còn chu toàn công tác xã hội. 16 giờ chiều mỗi ngày, sau khi xong việc phụ bếp, chị về nhà, nhanh tay dọn dẹp nhà cửa, bếp núc, tranh thủ đi một vòng khu vực, lân la trò chuyện, thăm hỏi tình hình đời sống chị em, vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Những khi vào chiến dịch dân số, phải tham gia tập huấn hay công tác đột xuất, thì anh Liêm thay chị quán xuyến việc nhà. Theo chị Liễu, sở dĩ chị làm tốt công tác này là do chị rất đồng cảm với hoàn cảnh, hiểu và nói đúng suy nghĩ, trăn trở của chị em nên được ủng hộ. Nhờ vậy, 12 năm liền, khu vực 4 giữ vững thành tích không có người sinh con thứ ba.
Năm 2012, chị Liễu tình nguyện trả lại sổ hộ nghèo. Chị Liễu cho biết: "Hiện nay, cuộc sống gia đình tạm ổn định, ai cũng có việc làm. Bao nhiêu năm qua, nghèo khó đeo mang, cuối cùng phải lùi bước trước sự kiên trì vượt khó của gia đình tôi. Qua năm 2013, hết nghèo rồi, vợ chồng tôi rất vui và cùng nhau cố gắng lao động, dành dụm thêm rồi tính chuyện gia thất cho các con, để có cháu nội ẵm bồng".
Ông Dương Văn Dở, Trưởng khu vực 4, cho biết: "Trước đây, gia đình cô Liễu rất khó khăn, nhưng nhờ các thành viên nỗ lực vượt khó, không ngại vất vả, mỗi người mỗi việc để có thu nhập, nên cuối cùng đã thoát nghèo. Đáng quý là, tuy cuộc sống chật vật, nhưng vợ chồng cô Liễu luôn quan tâm dạy dỗ các con nên người. Riêng cô Liễu còn tích cực tham gia các hoạt động ở khu vực, đạt hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy phong trào địa phương".
Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG