11/02/2024 - 20:44

Gìn giữ cho muôn đời sau 

ĐĂNG HUỲNH


“Văn hóa còn thì dân tộc còn”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại một trong những tư tưởng xuyên suốt trong chỉ đạo của Đảng ta từ ngày thành lập, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Tổng Bí thư đồng thời nhấn mạnh vai trò của di sản văn hóa Việt Nam: “Đó là một tài sản vô cùng quý báu do Tổ tiên, Cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với Tổ tiên, Cha ông chúng ta”.

Qua 2 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL thực hiện với nhiều giải pháp sáng tạo, bằng cả trái tim và trách nhiệm với tiền nhân. Di sản văn hóa đồng bằng sống động, hấp dẫn, với cốt lõi bảo tồn vì mục tiêu phát triển, gìn giữ cho muôn đời sau.

 

“Giữ lửa” văn hóa đồng bằng

 

Nhà Nam Bộ học Sơn Nam cho rằng: “Văn hóa đứng im một chỗ là văn hóa chết. Sống động, thích ứng với hoàn cảnh, đó mới là văn hóa, đúng theo nghĩa của nó” (trích “Nói về miền Nam”, Lá Bối ấn tống năm 1967). Quả vậy, người đồng bằng với tinh thần phóng khoáng, dễ thích ứng đã kiến tạo dòng chảy văn hóa đậm đà như phù sa bất tận và đến hôm nay vẫn bền bỉ bồi đắp, khơi dòng văn hóa hòa vào biển lớn.

Giữ lửa đờn ca tài tử. Ảnh: DUY KHÔI

“Hò xự hò xang xừ xang. Xê cống xê líu công líu...”. Sau tiếng bắt nhịp của Nghệ nhân ưu tú Ái Hằng cùng tiếng gõ song lang “cắc, cắc”, các em thiếu nhi xướng âm lòng bản bài “Long Hổ Hội” to, rõ. Nghệ nhân Ái Hằng chỉnh sửa khẩu hình, phát âm, cách lấy hơi cho từng em. Đó là hình ảnh thân quen tại Nhà Văn hóa thiếu nhi quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ bởi lớp dạy đờn ca tài tử cho thiếu nhi đã duy trì hơn 5 năm qua.

Lớp có khoảng 10 em. Nhiều học viên của lớp từ chỗ tò mò “học cho biết”, nay đã ca rành, được nhiều giải thưởng đờn ca tài tử cấp toàn quốc, khu vực và thành phố, như bé Hạnh Trang, Như Phúc... Lớp truyền nghề cũng minh chứng cho nỗ lực bảo tồn di sản đờn ca tài tử ở Cần Thơ. Nghệ nhân ưu tú Ái Hằng bộc bạch: “Đứng lớp, tôi truyền lửa cho các em, cũng là tiếp lửa cho chính bản thân mình. Tôi thấy mình yêu đờn ca tài tử nhiều hơn, có động lực giữ gìn hơn”.

Ở tuổi 60, nghệ nhân Va Na vẫn tâm huyết truyền dạy các loại hình nghệ thuật của dân tộc Khmer. Ảnh: DUY KHÔI

Suy nghĩ của nghệ nhân Ái Hằng làm chúng tôi nhớ đến nghệ nhân dân tộc Khmer Vong Va Na, ngụ TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Tổ tiên, ông bà, rồi ba mẹ và 9 chị em của chị Va Na đều theo nghề hát, múa Khmer, diễn Rô-băm, Dù kê... 9 tuổi, chị Va Na đã đứng trên sân khấu và nay ở tuổi 60 chị vẫn giữ được ngọn lửa nghề để trao truyền cho thế hệ tiếp nối. Chị kể: “3 con gái của tôi, rồi các cháu, đều theo nghệ thuật dân tộc. Tôi có đến hàng ngàn học trò sau gần nửa thế kỷ làm nghề và truyền nghề, nhiều người thành công và tiếp tục sứ mệnh trao truyền. Điều đó làm tôi vui nhất”.

Chị Va Na nói rằng, chị “rút ruột” truyền nghề, không giấu bất cứ điều gì. Với học trò, sự tận tình của chị giúp các em có thêm động lực tập luyện, gắn bó với di sản dân tộc. Còn chị thì nghĩ, tuổi trẻ chịu học, nghĩa là có thế hệ kế thừa, vậy là chị càng thêm nhiệt huyết. Lịch dạy của chị Va Na dày đặc, khi thì dẫn học trò múa phục vụ điểm du lịch ở TP Sóc Trăng, khi thì về Cù Lao Dung hướng dẫn các bà, các mẹ những điệu múa của dân tộc, khi qua Trà Vinh, lên Cần Thơ... Kể rồi, chị cười: “Đi hoài mà không thấy mệt, còn người học là tôi còn dạy”.

Thanh Thảo giới thiệu sản phẩm vẽ tranh trên gốm đỏ Vĩnh Long. Ảnh: CTV

Còn câu chuyện của cô gái trẻ Hồ Thanh Thảo ở TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long lại là hành trình “nhận lửa”. Tôi biết đến Thảo khi cô đoạt giải Nhất Cuộc thi Ý tưởng và Dự án khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long năm 2023, với việc vẽ di tích, điểm đến của tỉnh nhà lên gốm đỏ Vĩnh Long để làm sản phẩm du lịch. Cô gái tròn 30 tuổi bày tỏ: “Vĩnh Long quê em có nhiều di tích, thắng cảnh, lại có làng nghề làm gốm nổi tiếng từ xưa. Em luôn ấp ủ quảng bá và bảo tồn di sản quê mình”.

Niềm tự hào của Thảo cũng là niềm tự hào của người Vĩnh Long. Gốm đỏ Vĩnh Long không chỉ là thương hiệu mà còn là chỉ dẫn văn hóa. Giữa năm rồi, Vĩnh Long đã khánh thành Con đường gốm đỏ. Đứng giữa những lộc bình gốm đỏ nghệ thuật, những lò gốm tái hiện giữa phố, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, xúc động nói rằng, Vĩnh Long được thiên nhiên ưu đãi khi nằm ở ngã ba giữa 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu, dòng phù sa tụ lại đất này đã kiến tạo những mỏ đất sét quý giá, tạo thành nghề làm gạch gốm trăm năm. 

Những năm 1980, làng nghề có gần 3.000 lò gạch, trải dài gần 30km thuộc huyện Long Hồ và Mang Thít. Gốm, gạch Vĩnh Long có mặt khắp cả nước, xuất khẩu ra nước ngoài. Nhưng cách đây hơn 10 năm, làng nghề trầm lắng do nhiều yếu tố khách quan. Tỉnh Vĩnh Long vì vậy đã lập Đề án “Di sản đương đại Mang Thít”, ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm; trên toàn bộ vùng di sản khoảng 3.060ha thuộc 4 xã của huyện Mang Thít. “Với đề án này, “Vương quốc gốm đỏ” Mang Thít sẽ trở thành một vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm quốc tế” - bà Nguyễn Thị Quyên Thanh kỳ vọng.

*   *    *

Vùng ĐBSCL có hơn 1.230 lễ hội (trong đó khoảng 70% là lễ hội dân gian, truyền thống) và hơn 100 Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, chủ yếu ở các loại hình: lễ hội dân gian, nghề thủ công truyền thống, diễn xướng dân gian và tri thức dân gian. Đây là những “viên ngọc quý” do cộng đồng các dân tộc trên vùng đất Chín Rồng thực hành, gìn giữ. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong bối cảnh hội nhập, đòi hỏi quyết tâm cao, trách nhiệm lớn và hơn hết là tình yêu với vốn quý của quê hương, của tiền nhân. Gần đây, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã có nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng thương hiệu văn hóa. Việc nhiều di sản được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng ở TP Cần Thơ, Nghề làm nem Lai Vung ở Đồng Tháp, hay Nghề gác kèo ong, Nghề muối ba khía, Nghề làm tôm khô ở Cà Mau... là điển hình. Đây không chỉ là cơ sở pháp lý để bảo tồn di sản mà còn làm sống động di sản, để di sản mang hơi thở đương đại.

Hồn cốt của bảo tồn di sản văn hóa đồng bằng vẫn là những “con người di sản”. Họ là những người “đầu sóng ngọn gió”, “buông dầm cầm chèo”, “gìn vàng giữ ngọc”, kế thừa và truyền thừa di sản. Họ còn là những người trẻ đi tìm cái hay, cái đẹp của di sản. TS Ngô Hồ Anh Khôi, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế - Viện Triết học Phát triển, Phó Giám Đốc Ban Văn hóa - Xã hội của Trung tâm UNESCO Khoa học Nhân văn và Cộng đồng, Trưởng Bộ môn Khoa học máy tính - Trường Đại học Nam Cần Thơ, là đại diện cho những người như thế. Vị tiến sĩ sinh năm 1988 nghiên cứu văn hóa Việt Nam, thế giới và đang ấp ủ nhiều dự định về bảo tồn văn hóa trên môi trường số. TS Ngô Hồ Anh Khôi cho rằng, công tác bảo tồn văn hóa phải uyển chuyển, để không bị sa vào chỉ giữ hình thức bề ngoài rồi đóng khung di sản; mà phải tạo điều kiện để nội hàm văn hóa được phát huy, đi vào  đời sống, tạo sức sống mới cho di sản.

Thật vậy, bảo tồn di sản văn hóa đòi hỏi phải có hướng tiếp cận để di sản vừa được giữ gìn vừa hội nhập. Cách làm của nghệ nhân Ái Hằng, nghệ nhân Va Na, của cô gái trẻ Hồ Thanh Thảo hay tại một số địa phương ĐBSCL thời gian qua cho thấy hiệu quả. Những “ngọn lửa” di sản ấy đã tạo nên một góc nhìn mới về ĐBSCL: ngoài gạo ngon lúa tốt, cây lành trái ngọt, trăm sông ngàn rạch, còn là một vùng đất giàu bản sắc văn hóa.


 

Ký ức “Chợ ma”

 

“Hò ơ... Định Yên có vựa chiếu to. Lấy chồng xứ Định... hò ơ... lấy chồng xứ Định khỏi lo chiếu nằm...”, giọng hò Đồng Tháp ngọt ngào vang lên. Xuồng ghe từ rạch Ngã Cạy xuất phát, í ới gọi bạn hàng. Trước sân Đình Định Yên, bà con vác chiếu ra bán, người cầm đèn cốc, người cầm đuốc rọi... Buổi diễn thực cảnh một phiên “Chợ ma” bắt đầu.

1. Tên gọi “Chợ ma”, nhưng lại bán chiếu, ở rạch Ngã Cạy, trước Đình Định Yên (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp).

Buổi diễn thực cảnh đưa người xem về với Định Yên của mấy mươi năm về trước. Những người dân làng chiếu Định Yên bận bà ba, vấn khăn rằn, nửa đêm vác chiếu đem bán. Rồi những ghe bạn hàng từ miệt Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ... tìm về chọn mua chiếu, lác, trân. Những ngọn đèn vặn hết cỡ, những ngọn đuốc rừng rực sáng bừng phiên chợ kỳ lạ.

Vác chiếu ra chợ. Ảnh: DUY KHÔI

Cô Chín Vân, người dân cố cựu của làng nghề, nói với tôi: “”Chợ ma” hồi xưa y như vầy nè. Quá trời nhớ. Từ hồi còn con gái cô đã theo má đi bán chiếu ở chợ này rồi”. Trong phiên chợ thực cảnh, tiếng người bán, người mua xôn xao: “Chiếu hàng mà dệt dày lắm, chú!”, “Chiếu lẫy này đâu dễ mấy người còn dệt”, “Nồi trân này nhiều, ngợi lắm”... Xen giữa là những câu hò, điệu hát rặt xứ Đồng Tháp. Ánh sáng huyền hoặc, âm nhạc trải dài... khách du lịch đi “Chợ ma” ai cũng thấy lời.

Cô Chín Vân nói thêm, ở “Chợ ma” người bán thì đi, mà người mua đứng một chỗ. Bà con làng nghề vác chiếu trên vai đi vòng vòng, bạn hàng ngoắc lại xem chiếu, ưng bụng thì xuống xuồng, ghe mà mua. Tên gọi “Chợ ma” do chợ nhóm họp nửa đêm, không cố định giờ giấc, có khi 11-12 giờ đêm, có khi 1-2 giờ sáng, nên gọi “Chợ ma”.

Giờ họp chợ phụ thuộc con nước, nên vị đạo diễn buổi thực cảnh đã rất hay khi đưa vào câu hò: “Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi...”.

2. Đình Định Yên hương khói tỏa lan trong đêm nhộn nhịp của làng nghề. Người Định Yên có thói quen ghé đình thắp nhang Thần Hoàng Bổn Cảnh, tri ân tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ, trước lập đất dựng làng, sau kiến tạo một cái nghề cho hậu thế sinh cơ lạc nghiệp. Đình Định Yên có Miếu Tiên Sư, là nơi thờ Tổ Nghề. Thần Chủ ghi 200 năm có hơn kể từ khi Định Yên có nghề dệt chiếu, do tiền nhân khai mở, truyền đời. Đó là sợi dây xuyên suốt không đứt gãy, dẫu có lúc chùng lúc thẳng, để nghề quê nuôi nấng người quê và Định Yên có một di sản quốc gia.

Cô Chín Vân và cô Kim Ba trình diễn dệt chiếu. Ảnh: DUY KHÔI

Đình Định Yên là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia và Nghề Dệt chiếu Định Yên cũng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Chiều sâu văn hóa thăm thẳm, không gian văn hóa mênh mông, “Chợ ma” được phục hiện là lắng đọng biết bao giá trị văn hóa của tiền nhân, của hậu thế. Nói như cô Nguyễn Thị Kim Ba, người dân làng nghề dệt chiếu Định Yên: “Nghề dệt chiếu ở đây không biết truyền qua bao nhiêu đời mà nói. Cha truyền thì con phải nối. Nghề của ông bà, của xứ sở mình mà”... Là người con của xứ Định Yên, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nói rằng khi xem thực cảnh “Chợ ma” ông xúc động nhớ không khí nhộn nhịp của chợ chiếu xứ mình bên mái đình rêu phong. Dù “Chợ ma” không xa lạ với ông và bà con Định Yên, nhưng khi xem diễn thực cảnh, vẫn rất bất ngờ, bồi hồi.

3. “Tôi xin cảm ơn người dân Định Yên đã làm nghề và giữ nghề truyền thống. Tôi tin rằng buổi họp hôm nay, dưới mái vỏ ca Đình Định Yên, cũng có sự dõi theo của bao thế hệ người Định Yên, có sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại” - bà Huỳnh Thị Hoài Thu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, khai từ buổi công bố diễn thực cảnh “Chợ ma” Định Yên như thế. Theo bà, dù địa phương có nỗ lực bảo tồn đến mấy, phục hồi ra sao; mà không có sự đồng hành của cộng đồng thực hành di sản thì cũng bằng không.

Trình diễn chấp trân dệt chiếu. Ảnh: DUY KHÔI

Rồi bà Huỳnh Thị Hoài Thu với giới thiệu về ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An (tỉnh Quảng Nam), người được gọi là “cha đẻ” của du lịch Phố Cổ Hội An và bây giờ là “cha đẻ” của chương trình diễn thực cảnh “Chợ ma” Định Yên. Ông Nguyễn Sự từ tốn: “Tôi không dám nhận danh xưng này. “Cha đẻ” của phiên chợ này chính là các thế hệ người dân Định Yên. Chúng tôi chỉ là người “phủi bụi”, lau sạch lớp thời gian, làm mới làng nghề để mọi người gần xa biết rằng Làng nghề Dệt chiếu Định Yên có giá trị”.

Những lời chia sẻ thật thấu tình, khi đặt chủ thể di sản lên trên hết, trước biết ơn tiền nhân, sau ghi công hậu thế làng nghề; nên mới bảo tồn di sản bằng cách đưa di sản về với cộng đồng, về với môi trường thực cảnh. Bà Huỳnh Thị Hoài Thu nói rằng, 150 diễn viên diễn thực cảnh cũng chính là bà con làm nghề. Họ vừa dệt xong đôi chiếu, vừa chấp xong nồi trân, vừa nấu bữa cơm chiều... hối hả tươm tất áo quần, đến đình làng.

Những “diễn viên” có người đã 70, 80 tuổi, cũng có người trẻ hơn, các em thiếu niên... người cầm chiếu, người chong đèn, ai cũng háo hức kể lại câu chuyện của đất, của làng, của nghề và người Định Yên. Chú Lê Văn Bi, người dân Định Yên, cười khà: “Hồi đó mình mua bán ở “Chợ ma” mần sao, bây giờ mần lại y chang vậy là được”. Mới hay, diễn thực cảnh “Chợ ma” Định Yên hơn cả sản phẩm du lịch, mà là một câu chuyện văn hóa địa phương được kể lại bằng người thật, việc thật. Sân khấu là sân đình, là dòng sông, đôi chiếu do chính tay bà con dệt, còn thơm mùi lác, mùi trân, nhưng được bao trùm bằng ngôn ngữ nghệ thuật.

Cũng có người hỏi, chi phí cho một đêm diễn thực cảnh là 20 triệu đồng, có du khách thì không nói, nếu ít khách thì phải làm sao, duy trì thế nào. Ông Nguyễn Sự chắc nịch: “Ở đây phục dựng không phải chỉ là để bán lấy tiền mà trên hết, số một, là văn hóa. Đó là cái lợi lớn nhất”. Một đêm tái hiện, du khách tìm về miền di sản, người làm nghề tìm về ký ức, tuổi trẻ thấy được diện mạo văn hóa quê hương và thấy được tiềm năng phát triển xứ sở mình. Cái lợi đó chẳng thể cân, đong, đo, đếm được.

Mỗi phiên “Chợ ma” tái hiện không khí làng nghề; với những chiếc áo dài, áo bà ba, khăn rằn và quan trọng nhất là chiếu, những chiếc chiếu xếp hình nghệ thuật, rồi chiếu đờn ca tài tử, chiếu hát bội cúng đình... Chiếu được nâng niu như trân trọng bao lớp tiền nhân của làng nghề. Người Định Yên nhìn vào chiếu để tự hào, vác đôi chiếu trên vai mà tự tin gìn giữ. Một hành trình không đơn độc.

*     *     *

Thời gian sẽ làm dày thêm giá trị di sản và cũng làm cho di sản trở thành “ký ức cộng đồng”. Bảo tồn di sản theo cách làm của Đồng Tháp là đang giữ gìn và làm dày thêm ký ức, nối dài dòng thời gian của di sản và đưa di sản về với cộng đồng.


 

“Chạm” vào di sản

 

“Một chạm đến di sản” là thuật ngữ chỉ việc ứng dụng công nghệ để bảo tồn, lan tỏa di sản trên môi trường số. Tại TP Cần Thơ, việc số hóa di sản không chỉ có sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn; mà ngày càng có nhiều người trẻ tiếp cận di sản một cách mới mẻ, hiện đại, qua đó cấp cho di sản văn hóa “hộ chiếu số”  thú vị.

Nền tảng của “chạm”, “quét”...

Ngày cuối tuần tháng Chạp, cô Nguyễn Võ Thị Mỹ Thà, giảng viên Trường Cao đẳng Cần Thơ, hướng dẫn sinh viên tham quan Di tích quốc gia Khám Lớn Cần Thơ và trải nghiệm chương trình “Tuổi trẻ Cần Thơ học tập, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa”. Vừa tới cổng di tích, cô trò dừng lại quét mã QR giới thiệu di tích, vừa để chuyến tham quan thêm thú vị, vừa lưu trữ tư liệu. Cô Mỹ Thà chia sẻ: “Tôi đã dẫn sinh viên tham quan nhiều di tích ở Cần Thơ, tất cả đều có mã QR phục vụ việc tra cứu”.

Cô trò Trường Cao đẳng Cần Thơ quét mã QR tại Di tích Khám Lớn Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Còn nhớ hồi tháng 8-2023, Bảo tàng TP Cần Thơ tổ chức triển lãm ảnh “Biển đảo Việt Nam - đẹp và thanh bình “ và trưng bày chuyên đề “Âm thanh xưa”, đồng thời phối hợp với Mobifone số hóa VR Tour 3600 bộ ảnh và nội dung chuyên đề. Chỉ cần chạm và di chuyển, khách tham quan có thể xem đại cảnh không gian, đi vào từng khu vực, với lời thuyết minh rõ ràng, hấp dẫn. 

Ngành Văn hóa TP Cần Thơ, đặc biệt là lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng, đã thực hiện số hóa. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hân, Phó Giám đốc Bảo tàng TP Cần Thơ, cho biết: Bảo tàng TP Cần Thơ đã từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giới thiệu hiện vật... Đặc biệt, việc số hóa thông tin lưu trữ: biên bản bàn giao, lý lịch hiện vật... bằng phần mềm quản lý hiện vật đã tạo thuận tiện trong tìm kiếm, khai thác dữ liệu. Bảo tàng thành phố số hóa hơn 14.000 hiện vật trong tổng số hơn 17.800 hiện vật.

Đầu tháng 9-2023, UBND TP Cần Thơ ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Số hóa di sản văn hóa TP Cần Thơ giai đoạn 2023-2030, với những chỉ tiêu cụ thể, cách làm thiết thực và giao nhiệm vụ từng ngành, từng đơn vị. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: Mục tiêu TP Cần Thơ là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa. Đồng thời, thành phố đẩy mạnh liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi.

Công tác này có sự vào cuộc của các địa phương, đơn vị, nhất là tuổi trẻ Cần Thơ. Anh Trần Việt Tuấn, Phó Bí thư Thành Đoàn Cần Thơ, thông tin: “Thành đoàn Cần Thơ đã xây dựng, ra mắt website và khánh thành công trình thanh niên “Giới thiệu di tích lịch sử - văn hóa TP Cần Thơ trên nền tảng số”. Có thể ví đây như là cuốn cẩm nang du lịch số tiện ích, tạo thuận lợi cho mọi người trải nghiệm di sản”. Đến nay, tuổi trẻ Cần Thơ đã thực hiện số hóa và lắp đặt bảng công trình gắn mã QR tại các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn thành phố.

Cấp “hộ chiếu số” cho di sản

“Từ là từ phu tướng. Bảo kiếm sắc phán lên đàng...”, 3 nghệ nhân đờn ca tài tử, đại diện 3 thế hệ, hát bản “Dạ cổ hoài lang” trong đêm nghệ thuật “Chuyến tàu Elite - Chuyến đi hồi ức” do sinh viên ngành Quan hệ công chúng, Trường Đại học Nam Cần Thơ tổ chức. Các sinh viên đứng lên, vừa ca theo vừa vẫy tay... Cứ như vậy, điệu hò Cần Thơ, hát ru Cần Thơ... được thể hiện đầy cảm xúc. Em Ngọc Yến, điều phối viên chương trình, cho biết: “Chuyến đi hồi ức là thành quả của những môn học về tổ chức sự kiện, quan hệ công chúng. Chúng em mong muốn gửi đến người xem vốn quý di sản văn hóa ĐBSCL”. Trên mạng xã hội, nhóm sinh viên cũng đã số hóa và quảng bá hiệu quả các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.

“Chuyến đi hồi ức” giới thiệu di sản âm nhạc dân tộc do sinh viên Trường Đại học Nam Cần Thơ thực hiện. Ảnh: DUY KHÔI

Công nghệ số, xã hội số, văn hóa số... vừa là cơ hội, vừa là thách thức trong bảo tồn và phát triển văn hóa. Với góc nhìn và cách làm của người trẻ, di sản văn hóa trở nên sinh động và hợp thời. Sinh viên nhiều trường đại học trên địa bàn TP Cần Thơ thực hiện đồ án, khóa luận tốt nghiệp với cảm hứng văn hóa truyền thống bằng công nghệ số. Đơn cử như tại Trường Đại học FPT Cần Thơ, trong đợt bảo vệ tốt nghiệp kỳ Spring 2023 vừa qua, có nhiều đồ án về di sản văn hóa. “Allez Hop!” (tiếng Việt nghĩa “Tới đây”) là tựa game 3D được phát triển bởi nhóm sinh viên Nguyễn Kiều Trúc Ngân, Võ Tuyết Nhi và Trần Thái Cao Trí; mang đến cho người chơi những trải nghiệm chế biến, thưởng thức và kinh doanh các món ăn truyền thống Việt Nam, bên cạnh danh lam thắng cảnh, câu chuyện văn hóa ẩm thực Việt. Hay với dự án truyền thông “Di sản đồng bằng”, nhóm sinh viên Nguyễn Thị Thu Xuân, Lý Tiểu Hồng và Trần Thị Ngọc Quyên mang đến môi trường số cái nhìn toàn diện và hấp dẫn về nghề truyền thống ở miền Tây. Sản phẩm của dự án là những trang sách kết hợp công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) và loạt ấn phẩm truyền thống như tranh, ảnh, tem dán… để người dùng xem và tương tác. Nhóm thực hiện đồ án đề tài này trong bối cảnh nhiều làng nghề ở miền Tây đã hoặc có nguy cơ bị mai một và phát triển du lịch làng nghề đang là xu thế.

Nam sinh Nguyễn Nhật Quang Vinh lồng ghép giới thiệu di sản văn hóa vào phần mềm học tiếng Anh. Ảnh: CTV

Tại các cuộc thi khoa học kỹ thuật do TP Cần Thơ tổ chức, ngày càng có nhiều học sinh lấy cảm hứng từ di sản văn hóa địa phương. Đơn cử như phần mềm học tiếng Anh hoạt hình 3D của nam sinh Nguyễn Nhật Quang Vinh, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (quận Cái Răng), giúp người dùng trải nghiệm 3D các bối cảnh thực tế ảo về Chợ nổi Cái Răng, đờn ca tài tử, hò, hát ru... Hay dự án giúp học sinh yêu thích môn Lịch sử của nhóm học sinh Trường THPT Thới Long (quận Ô Môn) đã truyền cho người dùng thông điệp “Học Sử chưa bao giờ nhàm chán!”...

Là người từng “đỡ đầu” cho nhiều đồ án của sinh viên về quảng bá văn hóa trên môi trường số, thạc sĩ Huỳnh Thái Ngọc Anh, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: “Sở trường và cũng là lợi thế của sinh viên hiện nay là công nghệ. Chỉ cần các bạn quan tâm và yêu di sản văn hóa, các bạn sẽ có nhiều sản phẩm rất tuyệt vời, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam”. Còn TS Ngô Hồ Anh Khôi, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế - Viện Triết học Phát triển, Phó Giám Đốc Ban Văn hóa - Xã hội của Trung tâm UNESCO Khoa học Nhân văn và Cộng đồng, Trưởng Bộ môn Khoa học máy tính - Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho rằng khi nói về bảo tồn văn hóa, giới trẻ có cách tiếp cận, nhìn nhận, thực hiện, ước mơ theo dòng chảy thời gian, nên có khác với thế hệ trước. Anh nói: “Hãy vững tin là thế hệ trẻ sẽ góp sức phát huy di sản, với hỗ trợ của AI, mạng xã hội, IoT...”.

Ngày càng có nhiều người trẻ quan tâm đến văn hóa truyền thống và với tư duy mới, cách làm mới, những cổ tích sẽ không bao giờ cũ kỹ, những di tích sẽ không còn ngủ yên. Qua các dự án số, họ đã cấp những “hộ chiếu số” cho di sản, để văn hóa Việt Nam được lan tỏa, thực sự trở thành nguồn lực, động lực phát triển đất nước.

Chia sẻ bài viết