Đối thoại, giao tiếp rất quan trọng trong đời sống gia đình, bởi có nói mới hiểu để chia sẻ, cảm thông. Các thành viên cùng một mái nhà hãy tăng cường tương tác, mở lòng trò chuyện cùng nhau. Khi có tiếng nói chung, sẽ giảm bớt những bất đồng, tình cảm thêm gắn kết.
Gia đình hạnh phúc của cô Phạm Thị Bích.
Trải qua 57 năm chung sống, vợ chồng cô Phạm Thị Bích ở quận Ninh Kiều, luôn dành cho nhau sự tin tưởng, tôn trọng, cùng xây dựng nếp nhà mẫu mực. Hiện các con cô Bích đều có sự nghiệp, kinh tế ổn định, các cháu ngoại học giỏi, ngoan ngoãn, gia đình 3 thế hệ chung sống thuận hòa. Có được quả ngọt như ngày hôm nay, vợ chồng cô Bích đã trải qua biết bao gian khó. Giữ được mối tình thủy chung son sắt, theo thời gian, nghĩa càng sâu, tình càng nặng, đối với cô Bích, điều quan trọng là phải thấu hiểu nhau. Mà muốn hiểu thì phải thường xuyên chuyện trò. Những lúc khó khăn trong công việc, cô Bích và chồng hay kể cho nhau, lắng nghe những lời khuyên, góp ý của bạn đời. Khi không vừa lòng điều gì thì đôi bên cũng bày tỏ để điều chỉnh và chọn cách truyền đạt tế nhị, đúng thời điểm để người kia dễ dàng chấp nhận.
Cô Bích chia sẻ: “Vợ chồng nên cởi mở trong giao tiếp. Bởi có lắng nghe mới thấu hiểu, đồng cảm, biết nhìn vào mặt tốt của nhau và suy nghĩ tích cực. Dù tính cách có khác biệt nhưng đã sống chung thì phải tìm cách dung hòa, xây dựng gia đình thật sự là nơi ấm áp, yêu thương”. Các con cô Bích lập gia đình cũng theo gương cha mẹ, mọi việc lớn nhỏ, cả nhà đều bàn bạc, thống nhất nên trong ngoài luôn yên ấm.
Hơn 40 năm bên nhau, bí quyết giữ gìn hạnh phúc của vợ chồng cô Kim Thanh ở quận Ninh Kiều, chính là sự lắng nghe, thấu hiểu. Trước đây, chồng công tác xa nhà, mình cô buôn bán gánh vác gia đình, phụng dưỡng má chồng, nuôi con học hành. “Xa mặt nhưng không cách lòng”, hằng ngày, cô chú thường gọi điện hỏi thăm nhau. Cô Thanh động viên chồng an tâm công tác, việc nhà có vợ lo, chồng cũng dành những lời có cánh cảm ơn sự hy sinh của vợ. Điều khiến cô Thanh quý nhất ở chồng chính là sự ân cần, sẻ chia. Mỗi khi có gút mắc, tâm sự cùng chồng, cô có cảm giác như trút bỏ được gánh nặng, có thêm động lực đi tiếp.
Cô Thanh kể: “Cũng nhờ thường nói chuyện mà vợ chồng hiểu tâm tư, tình cảm, cũng như sở thích, biết nửa kia muốn gì để cùng vun vén, xây đắp sự hài lòng trong nhau. Con cái nhìn cha mẹ thân tình trò chuyện cũng trở nên gần gũi, mạnh dạn bày tỏ quan điểm. Nhờ vậy mà tôi kịp thời uốn nắn khi con có những suy nghĩ chưa chín chắn”.
Theo quan niệm của chị Bích Ngọc, làm trong ngành tổ chức sự kiện ở quận Cái Răng, hôn nhân có thể bền vững được thì ngoài tình cảm, hai người cần phải cởi mở và thẳng thắn với nhau. Niềm vui của chị Ngọc là mỗi ngày, sau giờ làm, được ở gần và trò chuyện với chồng con. Bên bữa cơm gia đình ấm cúng, vợ chồng chị thoải mái trao đổi mọi việc. Công tác lĩnh vực khác nhau, nhưng mỗi khi gặp trở ngại, chị Ngọc hay nhờ chồng tư vấn. Ít khi nào chị ôm trăn trở riêng, rồi cau có, bực dọc, làm cho không khí trong nhà nặng nề. Cũng nhờ hay tương tác mà vợ chồng kịp thời hóa giải một số hiểu lầm, “tin đồn” không hay liên quan tình cảm gia đình. Qua những góp ý, vợ chồng chị cũng tự làm mới mình, hoàn thiện bản thân hơn, làm gương cho con cái. Nhờ hiểu nhau mà anh chị vẫn luôn là bạn đồng hành tốt trong 15 năm chung nhà.
Mấy năm nay, vợ chồng anh Quang Dũng ở quận Ninh Kiều lập nhóm Zalo gia đình. Do mỗi người đi làm, đi học, giờ giấc khác nhau nên mỗi khi có việc cần thì đăng lên nhóm để các thành viên có ý kiến, mỗi người thoải mái bộc lộ những cảm xúc riêng của mình cũng như nói hết những suy nghĩ, bởi lẽ đôi khi viết ra dễ dàng hơn nói trực tiếp. Thường cuối tuần cả nhà anh Dũng sẽ họp mặt đi ăn, đi chơi, hoặc bày biện nấu nướng. Đây cũng là dịp cha mẹ, con cái chuyện trò, giải tỏa stress hiệu quả. Đôi khi những lời nhắc nhở mặc áo ấm khi trời lạnh, uống thuốc, ăn cơm đúng bữa… của một thành viên lan tỏa trong nhóm sự ngọt ngào cả ngày. Đối với anh Dũng, hạnh phúc bắt nguồn từ những điều đơn giản như vậy, bởi trong lòng mọi người đã có nhau…
Giao tiếp trong gia đình tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm hiệu quả. Không ít trường hợp vì áp lực cuộc sống, thiếu thời gian dành cho nhau cùng nhiều lý do khác dẫn đến tình trạng vợ chồng, con cái “nghẽn mạch” giao tiếp. Nhiều người sống chung nhà nhưng không hiểu tâm lý bạn đời; thậm chí không biết vợ hoặc chồng, con cái công việc, sức khỏe thế nào, mong muốn điều gì…, tạo ra những khoảng trống vô hình. Điều này thật nguy hiểm bởi mối quan hệ nào cũng cần giao tiếp tốt để duy trì. Thiếu đối thoại hay đối thoại không đúng sẽ đưa đến hiểu lầm, buồn giận, ngăn cách. Vì vậy, các thành viên trong nhà hãy thường xuyên tâm sự, lắng nghe. Hãy để tình yêu thương được thắp sáng bởi sự chân thành, mến yêu dành cho nhau trong việc chia sẻ niềm vui, nỗi buồn hằng ngày…
Bài, ảnh: KIỀU CHINH