13/08/2022 - 08:35

Giáo sư Bùi Chí Bửu kể chuyện “đi và học” 

Bài, ảnh: HUỲNH KIM

“Ði và học” là tập ký sự của Giáo sư Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ÐBSCL và Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam. Sách do NXB Giáo dục Việt Nam nộp lưu chiểu năm 2022, dày 344 trang.

Bốn đời Viện trưởng Viện Lúa ÐBSCL (từ phải qua): GS.TS Bùi Chí Bửu, GS.TS Nguyễn Văn Luật, PGS.TS Bùi Bá Bổng, TS. Lê Văn Bảnh.

Tựa sách đã làm tổng biên tập một tờ báo ở Cần Thơ buột miệng: “Một giáo sư nổi tiếng mà vẫn khiêm tốn chọn tựa sách là đi và học”. Một nhà báo khác: “Nội dung cả cuốn sách cũng đầy tinh thần học hỏi, cầu tiến, dù đa số được viết khi đã nghỉ hưu. Bất ngờ hơn, mỗi câu chuyện được kể sinh động như một chuyến du lịch, lại ngồn ngộn tư liệu. Riêng cái chuyện “lao động quá khứ” của nghề báo trong cuốn sách này, tôi phải học thầy Bửu cả đời”. Có 14 câu chuyện trong nước và 27 chuyện kể ở nước ngoài trong tập ký sự này.

Xin trích từ “Lời giới thiệu” sách: “Ðây là tập hợp những ghi chép của Giáo sư trên chặng đường hơn 40 năm “đi và học” ở quê hương mình và trên thế giới, với cương vị là một nhà khoa học nghiên cứu về lúa gạo Việt Nam… Những nhân vật mà Giáo sư kể lại có những người thầy, người bạn, người thân và cả học trò… Giáo sư cũng ghi chép nhiều chuyện kể đầy xúc động về các nhân vật, địa danh lịch sử, nhà văn hóa lớn ở mỗi vùng đất mình đi qua. Các xu hướng trong nghiên cứu khoa học ở các hội nghị, hội thảo quốc tế cũng được Giáo sư ghi chép khá tỉ mỉ… Ký sự còn mang tính triết lý nhân sinh bởi xúc cảm từ trái tim Giáo sư. Việc khéo léo trích dẫn, lồng ghép những câu ca dao, câu thơ vào từng ngữ cảnh của thực tại đã làm cho các bài viết trở nên sinh động, mềm mại hơn” (Nguyễn Thị Lang - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Công nghệ cao ÐBSCL).

Ðơn cử trong bài “Thái Lan - lúa vàng ở xứ Chùa Vàng”, tác giả kể 11 câu chuyện, từ Vương quốc Thái Lan, kinh đô xưa Ayutthaya, lễ hội, hệ thống nghiên cứu lúa, trung tâm nghiên cứu lúa nước sâu; rồi chuyện về dòng sông Chao Phraha và Thủ đô Bangkok, Ðại học Khon Kaen… cho đến các món ăn ngon. Cuối chuyện, tác giả viết như lời tự sự: “Người Thái Lan theo đạo Phật, thấm nhuần triết lý “biết đủ và biết ơn”. Họ biết tiếp nhận những gì xảy đến cho mình như là một bài học trên đường đạo hạnh. Họ xem đó là hạnh phúc. Lòng biết ơn luôn mang một giá trị nhân văn sâu sắc như là tấm lòng giữa con người với nhau”.

Mở đầu bài “Ấn Ðộ - quê hương của những kiệt tác thế giới”, tác giả trích Tagore: “Sự thật có nhiều, nhưng chân lý chỉ có một”. Cuối bài, là lời Mahatma Gandhi: “Sự vĩ đại của con người không nằm ở khả năng tái tạo thế giới mà ở khả năng tái tạo chính bản thân mình”. Rồi kết thúc câu chuyện: “Người Ấn Ðộ ngày nay là tấm gương sáng về khả năng tái tạo chính bản thân mình. Tôi rất tự hào được học với những người Thầy lỗi lạc, đức độ, với kiến thức uyên bác trong khoa học nông nghiệp”.

Ở cuối câu chuyện dài tới 18 trang khổ lớn “Hoa Kỳ - đường đi như giấc mơ dài” (nơi tác giả có học bổng thực tập sau Tiến sĩ năm 1996-1997), là lời chia sẻ này: “Hoa Kỳ là thiên đường của khoa học và giáo dục… Ðể sống được ở Mỹ, người ta phải tự khám phá nó, không kỳ vọng mơ hồ vào người khác. Việc khám phá một nơi mà “tất cả con người được sinh ra đều có quyền bình đẳng” là điều rất thú vị của thế giới rộng lớn nầy. Tuy nhiên, đối với tôi, không đâu bằng nhà mình (no place like home)!”.

Với “Bắc Kinh - di tích lịch sử”, mở đầu là thơ Lý Bạch: “Nhớ nhau, lá vàng rụng. Sương trắng ướt rêu xanh”. Cuối bài, trích Khổng Tử: “Không quan trọng việc bạn đi chậm thế nào, miễn là đừng bao giờ dừng lại”. Rồi chốt một câu: “Dù có đi nhanh hay chậm, nhưng thành tựu khoa học công nghệ của họ không bao giờ dừng lại. Chắc chắn sẽ như vậy!”.

Bìa sách “Ði và học” của GS Bùi Chí Bửu.​

Trong “Bạc Liêu - nhớ vầng trăng Gành Hào”, Giáo sư Bùi Chí Bửu lồng nhiều thơ, nhạc, ca dao trong câu chuyện kể về đất và người Bạc Liêu. Cuối câu chuyện là nhận xét: “Giờ đây, chúng tôi mừng vì cái nghèo đã buông tha Bạc Liêu, mừng vì con người Bạc Liêu đã làm nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững; giải quyết căn cơ những thách thức về năng lượng; bảo tồn tài nguyên thiên nhiên rất hiệu quả”.

“Tôi vô cùng ngưỡng mộ Sao Khuê - Ức Trai Nguyễn Trãi - nhà văn hóa của thế giới, từ khi bắt đầu học lịch sử Việt Nam ở bậc Trung học”, Giáo sư Bùi Chí Bửu mở đầu chuyện kể “Hải Dương - viếng Côn Sơn vào mùa vải chín” như vậy. Còn đây là cảm xúc vào cuối ngày 2-6-2018 ấy: “Tôi đi theo lối mòn sỏi đá giữa những cây đại thụ, với cảm xúc trào dâng. Tôi thơ thẩn lần theo dấu chân của người xưa. Hoa sứ trắng rụng đầy sân đền. Chùm vải đỏ đầu mùa đong đưa trong Lệ Chi Viên. Một cái gì nuối tiếc! Côn Sơn đang hòa vào nắng chiều, sau cơn mưa vừa dứt hạt. Không gian thanh vắng, với cái trong xanh và hư vô. Theo cụ Trần Nguyên Ðán, đó chính là “thanh hư”. Nơi chốn này chỉ để người ta dưỡng tâm và suy ngẫm chuyện đời”.

Kể câu chuyện du lịch Cần Thơ, “Gặp nhau tại Cần Thơ, mùa nước nổi” (2-10-2019), Giáo sư Bùi Chí Bửu nhẹ nhàng “đề từ” bằng câu ca dao: “Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Ðiền. Anh có thương em thì cho bạc, cho tiền. Ðừng cho lúa gạo, xóm giềng họ hay”. Rồi rủ rê du khách: “Khi tạm biệt Cần Thơ mùa nước nổi, hãy tìm cách trở lại thăm nơi nầy nếu có thể. Bởi vì Cần Thơ mãi mãi là thủ phủ của miền Tây thời xưa và nay. Nơi đây tụ hội văn hóa của 13 tỉnh thành thuộc ÐBSCL, từ quá khứ đến hiện tại và chắc chắn tương lai cũng sẽ như vậy!”.

Chia sẻ bài viết