Có thể nói, nếp sống cộng đồng của tín đồ Islam giáo người Chăm được quy định bởi giáo lý trong kinh Quran. Các giáo lý đó được xem như một thể thức pháp luật, một chân lý, khống chế đời sống vật chất và tinh thần, trách nhiệm của con người đối với xã hội. Cách thức thể hiện những điều răn dạy và điều cấm trong Kinh Quran bao giờ cũng theo cùng một công thức: điều răn dạy bắt đầu bằng lời giới thiệu, sau đó kết thúc bằng một lời cấm đoán. Đơn cử như điều răn sau:
- Đoạn đầu tiên, lời giới thiệu là: "Người dân hỏi nhà tiên tri về rượu và bài bạc. Hãy nói rằng, cả hai thứ đó đều xấu xa, dù rằng nó có một thuận lợi nào đó cho đàn ông, nhưng sự xấu xa của nó thì to lớn hơn sự thuận lợi đó nhiều lần".
- Đoạn thứ hai, lời giới thiệu hướng đến điều cấm đoán: "Hỡi những tín đồ, không được cầu nguyện khi người đang say".
- Đoạn thứ ba, lời giới thiệu đã chuyển thành điều cấm hoàn toàn: "Hỡi những tín đồ, uống rượu và chơi cờ bạc là những hành động xấu xa, là công việc của quỷ dữ, vì vậy phải tránh xa nó".
 |
Đồng bào Chăm An Giang hành lễ tại Thánh đường vào Tháng chay Ramadal. |
Trải qua quá trình lịch sử di cư từ vùng đất ven biển miền Trung - nơi thị cảng và nghề đánh bắt thủy sản, đến tụ cư ở vùng đất hoang địa, sông ngòi kinh rạch chằng chịt ở miền Tây Nam Bộ, trên hành trình dài di, tụ cư tạo nên sự chuyển biến về tâm lý đời sống và quan hệ ứng xử giữa con người với thiên nhiên, người với người, ít nhiều sẽ nảy sinh những thay đổi trong cách thức sống. Nếu người Việt, Khmer, Hoa dùng rượu để giải tỏa nỗi buồn trước cuộc sống mới, hoài cổ về cái nôi "chôn nhau cắt rốn" của mình; dùng rượu giao kết thâm tình giữa người với người trong buổi đầu lưu xứ khai hoang lập đất
thì người Chăm không bị chi phối bởi bối cảnh mới, hình thái địa văn hóa kinh tế nơi đây không làm lay động tư tưởng, trái tim con người vốn có niềm tin sâu sắc vào những tín điều mà thánh Allah và thiên sứ Mohammed đã dạy.
Môi trường tự nhiên An Giang, Tây Nam Bộ nói chung tạo ra một hình thức sản xuất văn hóa gắn liền với sông nước. Vào định cư vùng đất sông sâu nước chảy, nguồn thủy sản phong phú, vì vậy, bề dày kinh nghiệm của nghề "vươn hải tầm ngư" có từ lâu đời ở cái nôi Trung Bộ đã được cộng đồng người Chăm vận dụng ngay ở vùng đất mới, dựa vào thiên nhiên "trên cơm, dưới cá" để sinh sống. Nhưng, muốn thích ứng được cái lạnh cắt da vào mùa gió bấc miền nước ngọt phù sa không phải dễ. Họ không "thích ứng" kiểu người Việt - uống vài ly "rượu gạo gốc" có nồng độ mạnh cho "nóng" - giữ ấm cơ thể trước khi thả mình xuống nước đánh bắt cá, hoặc bơi lội qua sông
Người Chăm có cách thức khác là "uống nước mắm", hoặc ăn thức ăn cay nóng, họ không dùng rượu như người Việt. Cách ứng xử này vừa thể hiện tính linh hoạt - thích ứng với môi trường tự nhiên để tồn tại, vừa thể hiện tinh thần tuân thủ giáo luật chặt chẽ của người Chăm trong quá trình định cư với cộng đồng dân tộc Kinh, Khmer, Hoa ở An Giang.
Môi trường tự nhiên cũng tạo ra cho người Chăm một cách ăn mang đậm yếu tố văn hóa mới, lại tuân thủ được giáo luật trong Thiên kinh Quran. Bữa ăn hàng ngày người Chăm An Giang dùng rất nhiều vị cay, nóng. Thứ nhất điều hòa thân nhiệt trong môi trường mát lạnh của sông nước, giữ ấm "lục phủ ngũ tạng" khi hoạt động sản xuất đánh bắt thủy sản trên sông. Thứ hai, các vị cay nóng như: ớt, tỏi, tiêu, sả
có thể khử được mùi tanh của các loài thủy sản cá nước ngọt trong bữa ăn hàng ngày, cũng để giúp tiêu hóa tốt. Thay vì người Việt dùng rượu có nồng độ cao để khử mùi, nhâm nhi vài ly rượu trước khi ăn giúp tiêu hóa thì người Chăm lại dùng ớt, tiêu, sả
Người Chăm dùng các vị cay, nóng ở mật độ dày đặc hơn, phổ biến tất cả các món ăn, trộn lẫn vào nhau cho thấm sâu, tan đều, chứ không đơn thuần dùng riêng lẻ một vị, từng vị. Yếu tố văn hóa "ăn" của người Chăm Islam An Giang không đơn thuần chỉ là sự thích nghi, mối tương tác giữa con người với thiên nhiên trong quá trình cư ngụ, lao động sản xuất. "Ăn" của họ là một quá trình nhận thức, chuyển hóa từ niềm tin tôn giáo, tuân thủ giáo điều chặt chẽ.
Người Chăm An Giang sống quần tụ thành xóm riêng, tách biệt với các cư dân khác trong vùng: làng Chăm Đa Phước, Quốc Thái, Nhơn Hội, Vĩnh Trường, Khánh An (huyện An Phú), Châu Phong (Tân Châu), Khánh Hòa (Châu Phú), Vĩnh Hanh (Châu Thành). Hiện nay do sự phân bố lại dân cư, hoặc quá trình giao hôn, phát triển kinh tế, nhiều gia đình người Chăm sống xen kẽ với người Việt, Hoa, Khmer. Do hình thức quần tụ thành xóm, làng chặt chẽ nên việc thực hiện giới luật cấm uống rượu (hoặc các chất gây say) được thực thi tuyệt đối. Nếu vì một lý do nào đó có người dùng rượu thì sẽ bị mọi người khiển trách và xa lánh, vì khi rượu vào:
chỉ muốn tạo ác cảm và hận thù giữa các người qua việc uống rượu và bài bạc, việc xấu xa ấy cản trở tín đồ tưởng nhớ đến Allah và việc dâng lễ Salah
(http://chanlyislam.net). Có quan niệm cho rằng, người Chăm thường có lối sống khép kín, không muốn giao lưu với bên ngoài
Lý do của lối sống tách biệt này bắt nguồn từ sự kiên định thực hiện giáo luật, họ sợ làm trái với "chân lý trong kinh Quran".
Mối quan hệ giữa "nội tộc" và tình cảm cộng đồng là điều cực kỳ quan trọng, có tác dụng quản lý lẫn nhau trong làng xóm về việc thi hành luật đạo. Ý thức cá nhân và cộng đồng tương hợp quản lý nên việc không dùng rượu và các chất say được cá nhân, gia đình tuân thủ nghiêm ngặt. Nếu có một cá nhân hay gia đình vì lý do nào đó phạm giáo luật thì rất dễ bị phát hiện, bị xa lánh, bị xem thường, cộng đồng cô lập
Vì vậy, chẳng ai muốn chỉ vì một thức uống "ô nhục và nhơ nhớp", "những sự vật tệ hại và tội lỗi" phá vỡ mối quan hệ cộng đồng bền chặt, vi phạm luật giáo.
Hàng ngày, người Kinh, Khmer, Hoa thường dùng rượu để giao tiếp, quan hệ trong mọi hoạt động, dùng rượu tiếp đãi khách, dùng rượu biếu bạn bè
Ngược lại, người Chăm Islam An Giang không có những thói quen đó. Đối với họ, lễ nghi, giao tiếp, đón, đãi khách, quà biếu bằng nhiều cách, trong đó gần gũi nhất vẫn là trà, bánh và cà-phê.
Trong đời sống hiện đại, do thay đổi các quan hệ xã hội, giao lưu tiếp biến văn hóa, đời sống kinh tế trong cộng đồng
nên việc gìn giữ nhất mực giáo luật "không uống rượu và các chất gây say" ở mỗi cá nhân, gia đình người Chăm Islam An Giang là một thách thức lớn. Vậy, hiện nay người Chăm Islam An Giang có uống rượu? Trước bối cảnh văn hóa mở, bên cạnh những người gìn giữ giáo luật cũng có người dùng rượu giao tiếp, đối tượng là thanh niên, tri thức đi làm ăn, công tác xa
Nhưng họ uống rất hạn chế, trừ trường hợp bất khả kháng. Họ không bao giờ dọn mâm dùng rượu đãi khách ở nhà, nếu làm như thế họ đã tự chứng minh mình cố tình phạm giáo luật.
Trong quá trình hội nhập phát triển, bên cạnh nét đẹp văn hóa của rượu, thì rượu trở thành vấn nạn của xã hội, là nguồn gốc làm tiêu tốn thời gian, tiền bạc, làm nảy sinh những căn bệnh nan y; đối với xã hội, rượu là căn nguyên phát sinh mọi tội lỗi đáng tiếc mà dư luận lên án mạnh mẽ. Trước những tiêu cực của rượu, giới luật cấm uống rượu và các chất gây say trong kinh Quran mang một giá trị hiện thực, tính văn hóa, tính thời sự sâu sắc, cần được giữ gìn và phát huy sức mạnh trong cộng đồng người Chăm, tạo tầm ảnh hưởng rộng rãi cho toàn xã hội, góp phần làm giảm tệ nạn xã hội từ rượu gây ra
Giai đoạn giao lưu, tiếp biến văn hóa thời kỳ hội nhập, người Chăm Islam An Giang với tính cách linh hoạt có từ trong lịch sử, niềm tin mãnh liệt vào "Chân lý Islam", tạo cho mình một kiểu thức văn hóa mới, vừa truyền thống vừa hiện đại; niềm tin tôn giáo làm hạn mức quy định đời sống tinh thần, những giáo luật dần được chuyển thể thành "yếu tố văn hóa" mới thời hiện đại
Bài, ảnh: LIÊU NGỌC ÂN