02/05/2020 - 07:44

Giao dịch trực tuyến - Chuyển hướng mới trong xúc tiến thương mại 

Để phòng ngừa sự lây nhiễm của dịch COVID-19, nhiều quốc gia thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại, ảnh hưởng tới hoạt động xúc tiến thương mại. Hoạt động kết nối trực tuyến được xem là phương thức hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh giao thương với doanh nghiệp nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản, thế mạnh của vùng ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều hoạt động XTTM đã phải hủy hoặc tạm lùi thời gian thực hiện. Trong ảnh: Các doanh nghiệp Nhật Bản trao đổi với các doanh nghiệp Cần Thơ, tại TP Cần Thơ.

►Chuyển hướng mới 

Ngày 31-3, nhằm tháo gỡ khó khăn nguồn cung vật tư, nguyên liệu, sản phẩm phòng chống dịch COVID-19 của doanh nghiệp trong nước Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công thương đã phối hợp với Cơ quan Xúc tiến phát triển ngoại thương Tứ Xuyên, Trung Quốc (CCPIT Tứ Xuyên) tổ chức cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm phòng, chống dịch COVID-19 Trung Quốc. Hội nghị được thực hiện trên nền tảng trực tuyến Dingtalk từ các điểm cầu Trung Quốc, Việt Nam, Canada, Nepal, Bhutan, Sri Lanka, Uzbekistan... Tại hội nghị, các doanh nghiệp Việt Nam đã tiến hành khoảng 40 lượt giao dịch và đã tìm kiếm, kết nối được với các đầu mối sản xuất, cung ứng vật tư, nguyên liệu, sản phẩm phòng, chống dịch liên quan.

Sáng 21-4, tại 2 đầu cầu Hà Nội (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc) đã diễn ra “Lễ khởi động Hội nghị giao thương trực tuyến hàng hóa (chuyên đề nông sản, thực phẩm) Việt Nam-Trung Quốc (Quảng Tây) 2020”. Sự kiện do Cục XTTM, Bộ Công thương Việt Nam phối hợp với Sở Thương mại Khu Tự trị Dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đồng tổ chức. Đây là sự kiện hội nghị giao thương trực tuyến đầu tiên trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm của Việt Nam với thị trường Trung Quốc. Hội nghị nhằm mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam kết nối với đối tác nhập khẩu tiềm năng Trung Quốc trong bối cảnh các hoạt động XTTM truyền thống gặp nhiều khó khăn vì dịch COVID-19. Các giao dịch trực tuyến diễn ra đến hết ngày 23-4-2020. Hội nghị với sự tham gia của trên 150 doanh nghiệp hai nước. Trong đó, 35 doanh nghiệp Việt Nam đến từ 13 tỉnh, thành phố trên cả nước đã giới thiệu, quảng bá tới các nhà nhập khẩu Trung Quốc đa dạng các mặt hàng nông sản, thực phẩm thế mạnh của Việt Nam: nông sản (trà, cà phê, hạt điều, mắc ca, bắp, rau quả…), thực phẩm chế biến (bún, phở khô), đồ uống (rượu, nước ép trái cây, sữa đậu nành…).

Các hội nghị này không chỉ đưa ra giải pháp ứng phó trong giai đoạn ảnh hưởng dịch COVID-19 mà đây có thể được xem là bước khởi động trong việc chuyển hướng mới trong hoạt động XTTM mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo Cục XTTM, do ảnh hưởng dịch COVID-19, chương trình cấp quốc gia về XTTM năm 2020 đã có 49 đề án phải hủy hoặc lùi thời gian thực hiện đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn. Trong đó, các hoạt động XTTM truyền thống bị ảnh hưởng mạnh nhất là hội chợ, triển lãm quốc tế lớn về nông sản, thực phẩm, thủy hải sản, dệt may, da giày...; các sự kiện thương mại quốc tế lớn tại Việt Nam và các sự kiện hàng đầu tại các khu vực thị trường, các đoàn giao dịch thương mại đều không thể tổ chức được. Điều này, trước mắt gây thiệt hại vật chất đối với các cơ quan, tổ chức XTTM Trung ương, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp về chi phí cho công tác chuẩn bị đã bỏ ra. Về lâu dài sẽ tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung khi doanh nghiệp không có cơ hội xúc tiến xuất khẩu, thiếu thông tin cập nhật về thị trường, gián đoạn quan hệ hợp tác kinh doanh với các đối tác nước ngoài.

Qua đánh giá từ các doanh nghiệp tham gia hội nghị giao dịch trực tuyến, đó là giúp doanh nghiệp không cần di chuyển mà có thể ở ngay tại văn phòng, tại nhà, với máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet là có thể thực hiện việc tìm hiểu năng lực sản xuất, cung cấp của đối tác, tính cạnh tranh của thị trường các sản phẩm đang giao dịch, từ đó triển khai nhanh chóng các hoạt động hợp tác kinh doanh.

►Liên kết nhanh, chặt chẽ

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, theo các chuyên gia, việc nghiên cứu và phát triển thêm các kênh thương mại mới, trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng thương mại điện tử để tăng cơ hội tiếp cận với khách hàng, tăng cường hoạt động XTTM trên môi trường mạng là những biện pháp doanh nghiệp cần chú trọng đẩy mạnh. Cùng đó, trong xu thế hợp tác toàn cầu, nhất là khi Việt Nam ngày càng tham gia nhiều tổ chức thương mại tự do, do đó doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, duy trì cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên, kết nối chặt chẽ với hệ thống cơ quan Thương vụ, Trung tâm XTTM của Việt Nam ở nước ngoài để có thể tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đang và sắp có hiệu lực, qua đó đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, gia tăng giá trị sản phẩm.

Theo tính toán, sự gián đoạn trong hoạt động XTTM có thể được bù đắp bằng việc tăng cường triển khai vào nửa cuối năm, sau khi kiểm soát được dịch bệnh, tuy nhiên cũng cần phải lường trước việc thực hiện dồn dập các hoạt động vào giai đoạn cuối năm sẽ tăng áp lực trong khâu tổ chức trong khi nguồn nhân lực của các tổ chức XTTM còn hạn chế, khả năng tham gia của doanh nghiệp không cao. Qua đó, Cục XTTM cũng đã hướng dẫn, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức XTTM áp dụng ngay các phương thức XTTM khác, phù hợp trong mùa dịch: XTTM thông qua nền tảng số, trên môi trường thương mại điện tử, khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin...; đẩy nhanh tiến độ hoạt động thông tin, truyền thông quảng bá sản phẩm xuất khẩu, kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu... Thông tin tới hệ thống Thương vụ, Văn phòng XTTM Việt Nam tại nước ngoài để cung cấp danh sách thị trường mục tiêu, mặt hàng có nhu cầu xúc tiến xuất khẩu theo đề xuất của các địa phương, hiệp hội ngành hàng để các đơn vị này nghiên cứu, triển khai hoạt động XTTM phù hợp; cập nhật đề án XTTM gọn nhẹ, khả thi để có thể triển khai ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thành công tại các nước.

Ông Tăng Quang Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư- Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, cho rằng, đây là không gian mở để doanh nghiệp có thể đăng thông tin, tìm kiếm đối tác mua, bán các sản phẩm các doanh nghiệp có nhu cầu mà không phải tốn nhiều chi phí và thời gian. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi XTTM tại nước ngoài cũng như việc tổ chức các hội nghị xúc tiến tại chỗ khó khăn, việc XTTM trực tuyến được xem là giải pháp hiệu quả. Hình thức hoạt động này khá mới mẻ, cùng đó nhiều doanh nghiệp do bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nên cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tại Cần Thơ tham gia các hoạt động này chưa nhiều. Cùng với Cục XTTM, Trung tâm đang nỗ lực chia sẻ thông tin cũng như kết nối các doanh nghiệp tại địa phương về các chương trình của Cục cũng như các trang web, các nhóm kết nối giao thương trên ứng dụng Zalo, Facebook, Viber với các tổ chức XTTM nước ngoài, giữ liên hệ chặt chẽ với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để thường xuyên cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nắm bắt kịp thời, không để lỡ cơ hội giao thương. Trung tâm cũng đang nghiên cứu xây dựng Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư - Thương mại; đây là nơi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể tham khảo thông tin về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại của thành phố, là kênh tương tác, thảo luận và trao đổi các thông tin liên quan đến đầu tư, thương mại và hội chợ tại TP Cần Thơ; là kênh tiếp nhận thông tin để các nhà đầu tư, doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu môi trường đầu tư và hoạt động kinh doanh tại Cần Thơ. Với cách làm này, Trung tâm mong muốn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ để kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, nhu cầu thị trường, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian dịch COVID-19. 

Rủi ro từ dịch bệnh còn lớn, do đó, việc tận dụng Internet để triển khai hình thức giao thương trở thành hình thức mới và không thể thiếu trong tương lai. Bởi hình thức kết nối trực tuyến không chỉ giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác mà còn giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ngay khi hết dịch bệnh và thị trường mở cửa trở lại. Định hướng chuyển đổi phương thức XTTM truyền thống sang các phương thức khác tận dụng Internet, nền tảng số của Cục XTTM là phù hợp và bắt đầu phát huy hiệu quả.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM, Bộ Công thương, cho rằng, phương thức chuyển đổi này không chỉ là công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp trong nước tìm kiếm thị trường mới trong bối cảnh thị trường xuất khẩu truyền thống đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh mà còn giúp đảm bảo kế hoạch XTTM quốc gia được triển khai hiệu quả, thiết thực.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết