 |
Giá đầu vào tăng, ngân hàng siết khoản vay nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng. Trong ảnh: Hoạt động in ấn tại Doanh nghiệp tư nhân Lê Kháng. Ảnh: THANH LONG |
Giá nguyên liệu đầu vào đua nhau “leo thang” theo giá xăng dầu, đẩy giá thành sản xuất của nhiều doanh nghiệp (DN) cao ngất ngưỡng. Trong khi nhiều DN cần vốn để ứng phó với cơn “bão giá” thì nhiều ngân hàng lại hạn chế cho vay. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN vừa và nhỏ (DNVVN) đã khó nay càng khó hơn. Sống chung với “bão giá” hay sản xuất cầm chừng để tìm cơ hội đang là thách thức lớn cho DNVVN.
Chi phí tăng, nhưng khó tăng giá bán...
Toàn thành phố Cần Thơ hiện có trên 5.000 cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, đa phần là DNVVN. Các DN phải “tự bơi” do tiếp cận nguồn tài chính còn quá nhiều thủ tục nhiêu khê. Số vốn được vay từ các ngân hàng, nhìn chung, chưa đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh của DN. Hiện tại, chi phí đầu vào đã tăng từ 10 đến 100%, đội giá thành sản xuất lên nhiều lần. Thế nhưng, nhiều DN cho biết rất khó tăng giá bán, bởi còn phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Theo thống kê chưa đầy đủ của ông Nguyễn Hồng Quân, Tổng giám đốc Công ty CP Vật liệu Xây dựng Motilen Cần Thơ (Motilen), từ đầu năm đến nay giá xi-măng đã tăng 3 lần với tổng số tiền 120.000 đồng/tấn; sắt thép đang ở mức trên 17.000 đồng/kg; nguyên liệu nhập khẩu amiăng để sản xuất tấm lợp đến 120USD/tấn (tăng 50 USD/tấn); chi phí vận chuyển trên mỗi tấn hàng 35.000 đồng. Ông Quân nói: “Chi phí đầu vào tăng khoảng 40% so với cuối năm 2007. Thế nhưng, DN rất khó trong việc điều chỉnh giá sản phẩm, bởi còn phải cân nhắc đến khả năng cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại trên thị trường”. Sản phẩm của Motilen phụ thuộc vào hai đối tượng khách hàng chính là các nhà thầu xây dựng và người dân. Hiện tại, một số nhà thầu xây dựng đang phải “bó gối” vì giá vật liệu xây dựng tăng, khó có thể tiếp tục đầu tư, nhất là các công trình lớn. Các công trình xây dựng dân dụng của người dân cũng bị hạn chế trước cơn “bão giá”. Hàng loạt nguyên nhân trên khiến cho thị phần của công ty bị giảm, điều này tạo nên áp lực lớn trong việc đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Còn DNTN Lê Kháng, hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, in ấn, bao bì... cũng trong tình trạng tương tự. Ông Lê Kháng, Giám đốc DN, cho biết: “Đầu tháng 3, nguyên liệu tăng 10- 20%, riêng nguyên liệu nhựa là 20%, phí vận chuyển cũng lao theo đà tăng. Bây giờ, xe lôi, xe ba gác máy bị cấm hoạt động đã tác động rất lớn đến việc vận chuyển hàng hóa của đơn vị. Trước đây, chỉ một chuyến xe lôi, ba gác máy là có thể giao những đơn hàng số lượng ít, nay phải dùng xe honda, ít nhất cũng 2-3 lần vận chuyển mới xong”. Theo ông Kháng, giá thành sản phẩm thành phẩm đã tăng thêm 15%, trong khi DN chỉ có thể tăng giá bán 5-10%. Song, đó chỉ là những hợp đồng nhỏ ký sau này theo giá thị trường, còn phần lớn các hợp đồng số lượng lớn ký từ đầu năm, DN rất khó trong việc thương lượng tăng giá với khách hàng.
Không riêng gì DNTN Lê Kháng, phần lớn các DN trong ngành bao bì, in ấn đang oằn vai trước áp lực giá cả leo thang từng ngày. Ông Phan Quang Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Miền Tây, than vãn: “Giữa quý IV/2007, giá cả trên thị trường đã rục rịch tăng, đẩy giá thành sản xuất lên thêm 60-70%. Song, khi ký nhiều hợp đồng với khách hàng, công ty chỉ có thể tăng khoảng 50-60% giá bán, thậm chí chỉ 30%. Hiện nay, công ty mất gần 1/3 khách hàng truyền thống và kế hoạch sản xuất phải thay đổi liên tục”.
Áp lực tăng giá đè nặng nhiều DN. Các chủ DN cho rằng muốn đảm bảo mục tiêu phát triển trong năm 2008 là rất khó, chuyện giữ được thị phần, khách hàng trở thành bài toán nan giải. Vốn sản xuất xoay trở khó khăn khi ngân hàng siết đầu ra. Nhiều DN trang thiết bị sản xuất đã lạc hậu, muốn đầu tư mới lại không đủ khả năng, mà nhu cầu của khách hàng ngày càng kén chọn. Do đó, DN buộc phải sản xuất cầm chừng để hạn chế thua lỗ. Đó là chưa kể đến việc để giữ chân công nhân, DN phải điều chỉnh tăng lương cho công nhân khoảng 10%, nhất là những vị trí quan trọng tăng gần 50%.
“Sống chung” với bão giá
DN đang loay hoay ứng phó với các đợt tăng giá, trong khi các khoản vay không đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh. Ông Lê Kháng, Giám đốc DNTN Lê Kháng, bức xúc: “Giá tăng, tất cả các hoạt động của doanh nghiệp đều cần tiền mặt, nhưng thiếu để xoay trở. Trước đây, có thể thanh toán tiền mua nguyên liệu sản xuất trả sau, hoặc gối đầu cho nhà cung cấp với giá cả theo hợp đồng ký kết. Bây giờ, muốn mua thiếu DN phải trả theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán. Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, do hạn chế nguồn vốn. Đã vậy, nhiều ngân hàng siết các hạn mức vay, chỉ cho vay 60- 70%, trong khi nhu cầu phải 120% mới có thể tính đến việc phát triển. Rồi còn không cho tiếp tục đáo hạn các khoản nợ vay, đó là chưa nói đến lãi suất vay lên đến 1,52% hoặc gần cả 2%/tháng”. Trong khi đó, phương án sản xuất cho năm mới đã được DN dự toán từ cuối năm trước với tất cả các khoản như: chi phí sản xuất, lương công nhân, vốn vay ngân hàng...
Ông Nguyễn Hồng Quân, Tổng Giám đốc Công ty CP Motilen Cần Thơ, nói: “Trước đây, công ty vay vốn tại các ngân hàng với mức lãi suất 0,95%/tháng. Giờ, muốn rút thêm tiền trong hạn mức phải chịu lãi suất từ 1,52% trở lên, nhưng cũng khó mà rút được số lượng theo yêu cầu. Chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, nên kết quả trong 6 tháng đầu năm gần như là kết quả của cả năm”. Không đủ nguồn tiền mặt để xoay xở, mới đây Motilen phải “ngậm ngùi” từ chối hai hợp đồng với khách hàng trị giá gần 4 tỉ đồng. Không ký kết được các hợp đồng mới đã đành, cả kế hoạch của năm 2008 cũng khó có thể thực hiện được.
Hiện nay, các DN đang phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm triệt để các khoản chi phí không cần thiết và tăng cường công tác quản lý, cắt giảm những nguyên liệu hiếm (như Công ty CP Motilen Cần Thơ đã cắt giảm amiăng 50%)... Nhiều DN còn chọn cách co cụm sản xuất kinh doanh, hoặc sản xuất cầm chừng để duy trì hoạt động. Ông Phan Quang Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Miền Tây, cho biết: “Phải thực hiện tiết kiệm đến mức đối đa. Công ty đang tính toán lại khả năng sinh lợi, công suất của máy móc thiết bị. Từ đó có kế hoạch giảm định mức hao hụt, tăng công suất máy để bù những khoản chi phí vượt kế hoạch. Trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp phải có kế hoạch tự cứu lấy mình”. Theo ông Thuận, hiện tại phần lớn các máy móc, phương tiện sản xuất đã cũ kỹ, lạc hậu làm hao phí điện năng lớn, trong khi đó tốc độ sản xuất lại chậm... làm tốn nhiều chi phí không đáng có. Trang bị phương tiện hiện đại để cắt giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng máy, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp là lối thoát duy nhất. Như Công ty TNHH bao Bì Miền Tây đang lên kế hoạch huy động khoảng 3 tỉ đồng để mua máy mới từ các cổ đông. Theo đó, thời gian tới, 3 công ty: Công ty TNHH Giấy Bách Hợp, Công ty TNHH bao Bì Miền Nam, Công ty CP giấy xeo Cần Thơ sẽ hợp nhất thành một để tăng nguồn vốn đầu tư và giảm phí chi trả cho bộ phận làm việc gián tiếp, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Sống chung với “bão giá”, tự thân vận động để vượt qua giai đoạn khó khăn đó là lựa chọn của nhiều DNVVN hiện tại. Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội DN TP Cần Thơ, DNVVN cần phải liên kết lại thành lập những công ty cổ phần, hiệp hội, câu lạc bộ để đủ sức cạnh tranh, đối phó lại cơn bão giá còn diễn biến phức tạp. Hiện nay, một số doanh nghiệp của thành phố đã nhận thấy điều này và đang trong quá trình tìm hiểu để đi đến thống nhất về mặt quan điểm với nhau trong hợp tác sản xuất, kinh doanh.
THU HÀ - THANH LONG