19/06/2011 - 09:20

Phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam

Giảm khâu trung gian, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất

Trong hơn hai thập kỷ qua, sản xuất lúa gạo ở Việt Nam đã gặt hái được thành công, từ một quốc gia thiếu ăn đã vươn lên thành một nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới. Song, nhiều chuyên gia cho rằng hiện việc sản xuất lúa gạo ở Việt Nam chưa thật bền vững, chưa phát huy hiệu quả kinh tế của chuỗi sản xuất và tiêu thụ lúa gạo… Nông dân- người trực tiếp sản xuất lúa vẫn còn nghèo.

Phát triển, nhưng thiếu bền vững

Việc thu hoạch lúa bằng máy móc cơ giới đang giúp nông dân tại các tỉnh, thành ĐBSCL tăng cao được hiệu quả sản xuất nhờ giảm được chi phí và thất thoát, cũng như rút ngắn được thời gian thu hoạch lúa. 

Tại Việt Nam, diện tích canh tác lúa chiếm 41% đất nông nghiệp và diện tích gieo trồng chiếm 61% diện tích trồng trọt cả nước, 80% nông dân Việt Nam là nông dân trồng lúa. Năm 1990, sản lượng lúa hàng hóa cả nước đạt chỉ 19 triệu tấn, thì năm 2010, sản lượng đạt khoảng 40 triệu tấn, dù diện tích đất lúa năm 2010 đã giảm 380.000ha so với năm 2000. Xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng vọt trong thời gian gần đây và dự kiến sẽ vượt qua 7 triệu tấn vào năm 2011. Từ năm 2002 đến nay, năng suất lúa bình quân của nước ta luôn dẫn đầu các nước ASEAN và ít nhất trên nửa triệu héc-ta lúa của nước ta đạt năng suất trên 7 tấn/ha trong vụ đông xuân (đây là mức năng suất lúa tiên tiến của thế giới hiện nay).

Mặc dù có sự tiến bộ vượt bậc về năng suất và sản lượng lúa, nhưng các chuyên gia đầu ngành nông nghiệp cho rằng, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn đối mặt với nguy cơ phát triển kém bền vững. Mới đây, tại TP Cần Thơ đã diễn ra hội thảo “Lúa gạo, nông dân và phát triển nông thôn ở Việt Nam từ tăng trưởng thành công đến thịnh vượng bền vững” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã cho rằng, dù “bùng nổ” về sản lượng, lượng gạo xuất khẩu trong thời gian gần đây, nhưng nông dân trồng lúa vẫn còn nghèo. Thu nhập từ trồng lúa còn thấp nên chưa đảm bảo tốt nông dân trang trải cuộc sống và đầu tư phát triển sản xuất. Trong khi đó, nông dân trồng lúa đang ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đất lúa bị giảm trước tác động của công nghiệp hóa và đô thị hóa, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sâu bệnh, chi phí sản xuất tăng... Do vậy, để khuyến khích người dân trồng lúa và phát triển ngành sản xuất lúa gạo một cách bền vững, phải quan tâm nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ông Steven Jaffe, Điều phối viên Ban nông thôn của WB tại Việt Nam, cho biết: “Qua một khảo sát tại tỉnh An Giang năm 2009-2010, thì thu nhập bình quân của nhiều nông dân sản xuất lúa chỉ đạt khoảng 3,8 triệu đồng/năm. Dù lợi nhuận đạt trên 30% so với chi phí sản xuất thì mức lợi nhuận trong cả năm của nhiều nông dân cũng chỉ mới đạt khoảng 1.012 USD/năm”. Theo ông Steven Jaffe, hiện chuỗi giá trị lúa gạo của Việt Nam có quá nhiều trung gian, việc phân phối lợi nhuận và rủi ro trong chuỗi giá trị gạo lại không công bằng. Phần lợi nhuận trong chuỗi giá trị lúa gạo chủ yếu rơi vào tay các nhà sản xuất và cung cấp phân bón-vật tư nông nghiệp, thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu gạo... còn nông dân được hưởng lợi khá khiêm tốn. Hơn nữa, thu nhập của nông dân trồng lúa còn bị hạn chế, do có quy mô và diện tích đất canh tác nhỏ và thường xuyên đối mặt với những rủi ro trong sản xuất. Gạo của Việt Nam chủ yếu xuất sang các thị trường cấp thấp, chưa xuất được nhiều sang các nước giàu nên giá trị gia tăng chưa cao.

Thay đổi chiến lược phát triển

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, cho rằng: “Thời gian qua, Việt Nam đã làm khá tốt việc phát triển kinh tế và đã rất thành công trong việc sản xuất lúa gạo. Tuy nhiên, Việt Nam đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, với những yêu cầu và thách thức mới nên ngành lúa gạo của Việt Nam cũng cần có sự chuyển đổi cho phù hợp hơn để đóng góp nhiều hơn cho việc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước”. Theo bà Victoria Kwakwa, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo và hướng đến việc sản xuất bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, Việt Nam cần xem xét kỹ tất cả các yếu tố trong chuỗi giá trị lúa gạo để có sự điều chỉnh một cách hợp lý. Trong đó, cần chú ý đến nông dân- nhân tố quan trọng trong chuỗi giá trị lúa gạo. Nông dân chưa được hưởng lợi từ chuỗi giá trị lúa gạo không nhiều, phải sớm được khắc phục yếu kém này. Mặt khác, cần quan tâm quản lý, hạn chế những tác động xấu của việc sản xuất lúa đến môi trường, khuyến khích các mô hình sản xuất thân thiện môi trường.

Trên thực tế, dù tổng giá trị xuất khẩu gạo có thể vượt quá 2,5 tỉ USD, thậm chí là 3 tỉ USD trong những năm gần đây nhưng thu ròng về ngoại tệ lại giảm đáng kể. Bởi sản xuất nông nghiệp sử dụng rất nhiều nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu như: phân bón và thuốc hóa học nhập khẩu, thiết bị sản xuất nông nghiệp, dây chuyền chế biến gạo, xăng dầu, các phương thức vận tải khác... chiếm khoảng 40-50% chi phí của gạo xuất khẩu. Trong khi gạo là hàng hóa có giá trị và giá trị gia tăng tương đối thấp.

Theo các nhà khoa học, chuyên gia ngành nông nghiệp, thu nhập của nông dân sẽ khó tăng cao và hiệu quả sản xuất không bền vững nếu duy trì một nguồn lực xã hội quá lớn (nhà khoa học, quản lý, người lao động, vật tư, vốn...) vào sản xuất lúa gạo. Do vậy, Nhà nước cần linh hoạt với việc quy hoạch sử dụng đất, duy trì một diện tích đất sản xuất lúa cùng với một lực lượng lao động phù hợp, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo tốt được thu nhập cho nông dân. Điều đó sẽ tốt hơn nhiều so với xuất khẩu với số lượng lớn mà cả nông dân và nền kinh tế đều không hưởng lợi nhiều, môi trường cũng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả của việc sản xuất lúa gạo, cần đẩy mạnh cơ giới hóa và hiện đại hóa trong sản xuất, tinh gọn, giảm bớt các khâu trung gian trong chuỗi giá trị gạo. Và cần thực hiện các chiến lược hỗ trợ khác nhau ở cấp độ vùng, tỉnh và giữa các hộ gia đình khác nhau. Xây dựng và phát triển các mô hình liên kết hợp tác, chương trình canh tác và phát triển lúa bền vững với sự tham gia của “4 nhà”...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết